(Tổ Quốc) - Những thứ chị Hải Hà cắt giảm chủ yếu là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nhưng theo chị, nhiều thứ nhỏ nhỏ cộng dồn vào cũng sẽ thành 1 khoản tiền lớn.
Có rất nhiều thứ mà từ lâu nay chị Trương Hải Hà (Hà Nội) đã mua một cách vô thức, chủ yếu là vì thói quen chứ chưa hẳn đã là thực sự cần thiết. Sau khi bắt đầu quan tâm hơn tới quản lý tài chính cá nhân và hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát chi tiêu, chị Hà bắt đầu ghi chép lại các hạng mục chi và tìm cách giảm bớt những thứ thừa thãi. Và đây là 5 thứ mà chị Hà đã áp dụng cắt giảm/không còn dùng tới:
5 thứ cắt giảm
1. Băng vệ sinh
Đây là một thứ mà chị Hải Hà từng mua đều đặn hàng tháng hoặc hàng năm. Cách đây hơn 2 năm, chị đã tìm hiểu và biết tới cốc nguyệt san và chuyển hẳn sang dùng cốc. Đầu tư 1 chiếc cốc ban đầu mất khoảng 700k, nhưng nó có thể dùng được tới 10 năm (tức là mỗi năm chị Hà chỉ chi có 70k phục vụ "những ngày ấy"). Trải nghiệm sử dụng lại sạch sẽ sung sướng vô cùng, chưa kể cực kỳ thân thiện với môi trường nữa.
2. Cốc nước, sổ tay
Là con gái chắc ai cũng khó cầm lòng khi thấy 1 chiếc cốc có hình in cute hạt me hoặc 1 cuốn sổ với 1 câu quote rất deep trên bìa. Chị Hà cũng từng như thế, với 1 bộ sưu tập cả đống cốc (mỗi cái dùng dăm ba lần) và 1 tủ toàn sổ tay (mỗi quyển viết dăm ba trang).
Thật ra mỗi người chỉ cần nhiều nhất là 2 chiếc cốc (1 cái ở nhà, 1 cái ở cơ quan) và không cần quyển sổ nào cả bởi bây giờ ai cũng có smartphone, mà smartphone nào cũng take note được.
3. Giầy dép, phụ kiện, đồ tập thể thao
Mỗi khi bắt đầu tập 1 môn nào mới, chị Hà đều hào hứng đi mua 1 lô quần áo, giầy dép, phụ kiện về để lấy động lực tập. "Mình thậm chí còn chụp ảnh suy nghĩ mấy dòng caption thật là deep để post. Chỉ vài hôm sau, động lực thì đã hết còn đồ đạc (và đống mỡ bụng) thì vẫn chất đống đấy".
Chị Hà nhận ra thay vì mua đồ ngay khi bắt đầu tập, cần đặt mục tiêu và chỉ tự thưởng cho mình khi đạt được mục tiêu đó.
Ví dụ: Nếu duy trì tập yoga được 6 tháng chị sẽ tự thưởng 1 bộ quần áo tập mới. Nếu chạy được 5km liên tục chị sẽ tự thưởng 1 cái túi chạy chuyên dụng sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn.
4. Truyền hình cáp, phí ngân hàng
Chị Hà mới cắt giảm chi phí này trong vòng 3 tháng trở lại đây. Nhà chị có Netflix nên hầu như không bao giờ xem TV. Nhưng vì thói quen và cũng lười cắt nên vẫn để hết năm này qua năm khác. Mãi đến gần đây mới dứt điểm cắt đi cho đỡ phí gần 1 triệu mỗi năm.
Ngoài ra, phí ngân hàng là thứ trước đây chị không để ý lắm. Phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí quản lý thẻ,... "Mỗi giao dịch tưởng ít nhưng cộng lại thì mỗi năm chắc chắn mình tiêu không dưới 1 triệu cho ngân hàng với khoản tiền phí dịch vụ".
5. Sách
Đây là thứ mà chị Hà từng tiêu tốn rất nhiều tiền vào. Rồi cũng giống như nhiều thứ khác, khuân về xếp lên giá rồi... quên luôn, hoặc chỉ đọc được vài chục trang rồi vứt đó. Thậm chí có những cuốn chị mua... 2 lần vì quên mất là đã có ở nhà rồi. Bây giờ trước khi mua 1 cuốn sách chị sẽ tìm ebook hoặc mượn bạn để đọc qua trước, nếu thật sự tâm đắc thì mới bỏ tiền ra mua.
3 sản phẩm không mua trở lại nữa
1. Túi zip silicone
Mặc dù đã vào các group chục ngàn người để tham khảo feedback trước khi mua món này, cuối cùng chị vẫn bị thất vọng. Chiếc túi này có khá nhiều vấn đề:
- Mùi silicon hơi nặng.
- Lòng túi khúc khuỷu nên khó thò tay vào rửa cho thật sạch được.
- Phần zip nặng và chặt, phải vận sức bặm môi mới kéo vào được mà vẫn khó khít 100%.
Đối với loại túi này, chị Hà thấy chỉ phù hợp để đựng đồ khô, đựng đồ tươi sống thì vừa khó vệ sinh, vừa không đảm bảo.
2. Găng tay cao su
Vì ám ảnh nên chị Hà thường xuyên dùng găng tay nilon mỗi khi tiếp xúc với thịt sống. Khi thấy siêu thị bán găng tay cao su chị mua về và sử dụng. Tuy nhiên trải nghiệm lại không tốt lắm.
Theo chị, loại găng tay này rất mỏng, dễ rách, bám màu thực phẩm rất nhanh và lâu phai. Bùng nhùng không biết rửa kiểu gì cho sạch hẳn. Chị chỉ dùng được 3-4 lần là lại phải vứt đi.
3. Miếng tẩy trang vải
Một bước trong trong skincare routine của chị Hà chính là toner, nên mỗi ngày đều sử dụng 1 miếng bông tẩy trang. Sau 1 lần choáng khi nhìn thấy thùng rác đựng bông tẩy trang đầy ú ụ, chị quyết định thử dùng vải tẩy trang với hy vọng không phải vứt thêm bông nữa.
Thật ra vải tẩy trang bản chất không khác gì cái… khăn rửa mặt xé nhỏ ra thành nhiều mảnh. Cho nên nó cũng có những bất cập của cái khăn rửa mặt:
- Khó vệ sinh, phải giặt riêng bằng tay chứ không thể ném chung vào máy giặt với quần áo được.
- Khó bảo quản, phải phơi ra nắng cho khô và diệt khuẩn.
Kết cục là vì sau vài tuần thử đã phải bỏ đi.
"Những thứ mình kể trên đây nghe thì có vẻ nhỏ, không đáng kể, nhưng nhiều thứ nhỏ nhỏ cộng dồn vào cũng sẽ thành 1 khoản tiền lớn đấy.
Bởi theo nguyên tắc Safe Withdrawal Rate 4%, thì cứ 100 nghìn bạn giảm được trong chi tiêu hàng năm tương ứng với 1 triệu bạn giảm được trong số tiền cần tích lũy để nghỉ hưu sớm", chị Hà chia sẻ.
Bài viết ghi theo chia sẻ của nhân vật
Hồng Nhung