(Tổ Quốc) - Nhiều siêu thị tại TP HCM đã triển khai hình thức bán hàng combo đi chợ hộ để phục vụ người dân. Mỗi đơn vị lại xây dựng một kiểu combo, mức giá cũng khác nhau.
Từ ngày 23/8, để đáp ứng nhu cầu mua sắm thuận tiện, an toàn, nhiều hệ thống siêu thị bán lẻ trên địa bàn TP HCM như: Saigon Co.op, Big C, Aeon, Emart, Satra... đã thiết kế các combo hàng thiết yếu với từng mức giá cụ thể và gửi đến cơ quan chức năng địa phương để thông tin cho người dân.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân cho biết thì một số combo của các siêu thị đang có mức giá chưa phù hợp, gây khó khăn cho người có thu nhập hạn chế. Một số khác cho rằng cần bổ sung thêm một số mặt hàng thiết yếu như bỉm, sữa, giấy vệ sinh,... để thiết thực hơn và đầy đủ nhu cầu cho người dân hơn.
Thực tế, việc thiết kế các combo hàng thiết yếu là cách làm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, hạn chế mỗi người dân đặt một đơn hàng khác nhau với đủ loại hàng hóa gây chậm trễ việc xử lý đơn hàng.
Và với tình hình như hiện tại thì combo đi chợ hộ là một lựa chọn an toàn cho cả người dân, nhà cung cấp và giúp đảm bảo chuỗi cung ứng tới người dân. Tuy là không được lựa chọn đúng ý nhưng trước mắt là giải pháp phù hợp.
Muôn kiểu combo đi chợ hộ của các siêu thị
- Siêu thị Aeon
Xây dựng 4 combo đơn giản với mức giá từ 450.000-500.000 đồng.
Theo đó, combo 500.000 đồng bao gồm xương ống, ba rọi heo, thịt vai, cá lóc, khoai lang, dưa leo, cà chua, chanh không hạt, rau muống, cải ngọt, cải bẹ xanh, xà lách. Mỗi loại khoảng 0,5-1 kg.
- Bách Hóa Xanh
Thiết kế 8 combo giá từ 120.000-500.000 đồng. Theo đó rau, thịt cá, gia vị, vệ sinh nhà cửa, bánh nước, sữa được chia riêng theo các combo.
Cụ thể, combo rau, củ dao động 120.000-150.000 đồng bao gồm các loại rau củ nấu, rau lá, rau ăn sống, rau nêm. Combo thịt cá từ 200.000-300.000 đồng bao gồm thịt heo, gà, cá, thủy hải sản. Combo thực phẩm khô từ 200.000-300.000 đồng bao gồm mì gói, bún, miến, phở, cháo, gạo.
Các combo đi chợ của Bách Hóa Xanh.
- Co.opmart, Co.opxtra
Cũng xây dựng 9 combo riêng biệt nhưng đa dạng mức giá.
Theo đó, tại Co.opxtra Rạch Miễu, có 9 combo rau củ, thịt cá, trứng từ 70.000 - 393.000 đồng. Ngoài ra, siêu thị còn thiết kế thêm combo bánh sữa, nước, lương thực, gia vị, vệ sinh cá nhân, nhà cửa mức giá 99.000-399.000 đồng.
- MM Mega Market
Triển khai 4 gói combo với mức giá từ 150.000-300.000 đồng áp dụng tại 4 siêu thị thuộc hệ thống.
Ngoài ra, mỗi siêu thị còn cung cấp thêm danh sách hàng hóa cho mỗi phường nhằm tạo đa dạng trong việc lựa chọn cho người dân. Danh sách hàng hóa sẽ thay đổi và được cập nhật cho chính quyền địa phương theo ngày.
4 gói combo với mức giá từ 150.000-300.000 đồng áp dụng tại 4 siêu thị thuộc hệ thống MM Mega Market.
- Lotte Mart
Siêu thị này cũng có 8 combo với nhiều sản phẩm đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn. Mức giá combo thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 561.000 đồng.
Mức giá sàn và cao nhất của combo đi chợ hộ mỗi nơi lại mỗi khác
Bên cạnh việc thiết kế combo với các danh mục sản phẩm bên trong khác nhau thì mức giá bán của các combo này cũng là điều nhiều người dân quan tâm.
Cụ thể, khi so sánh mức giá sàn và giá cao nhất của các combo đi chợ hộ cũng có sự chênh lệch đáng kể. Một số combo đang có mức giá chưa phù hợp vì có giá quá cao nên gây khó khăn cho người có thu nhập hạn chế.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP cho biết: Có phản ánh giá combo cao do người dân so sánh giá giữa các combo siêu thị. Bởi thực tế có 1 số khác biệt về mặt hàng và nhà cung cấp.
Kể từ ngày 23/8, tất cả hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân TP.HCM được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ". Tổ hậu cần, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, công an, quân đội được tăng cường tại địa phương sẽ tham gia đi chợ hộ với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng hộ dân (có trả tiền).
Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, trong ngày 24/8 có 74.033/2,1 triệu hộ dân đăng ký đơn hàng combo đi chợ hộ, tăng 50.385 hộ so với hôm 23/8.
"Các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337 đơn hàng trên tổng số đơn các hộ đăng ký trong ngày. Số đơn còn lại sẽ được các hệ thông phân phối trong ngày mai", ông Phương nói.
Hiện, TP.HCM có 2.302 kênh phân phối gồm 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn, 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ). Chỉ còn 5 xe lưu động bán hàng cho các quận, huyện do người dân đã mua sắm dự trữ khá nhiều.
Hồng Nhung