(Tổ Quốc) - Hà Nội đang trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Người dân Thủ đô đang làm gì để chống chọi với thời tiết nảy lửa này mà vẫn đảm bảo được việc tiết kiệm các chi phí sinh hoạt?
Miền Bắc đang trong những ngày đỉnh điểm nắng nóng, thời tiết oi bức, khó chịu. Dự báo thời tiết ngày 21-5, Hà Nội thậm chí có nền nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ.
Các tỉnh Trung Bộ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, vùng núi phía Tây có nơi 41-42 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-17 giờ.
Khu vực Hà Nội nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-17 giờ. Với nhiệt độ trung bình cao đến như thế này, mọi sinh hoạt của người dân thủ đô không thể không bị ảnh hưởng.
Cứ đến mùa hè, điều khiến người dân đau đầu chính là không thể không sử dụng các thiết bị làm mát, nhưng khi sử dụng thì cứ đến cuối tháng lại khóc dở với hoá đơn tiền điện cao ngất.
Trong cái khó sẽ ló cái khôn, để chống lại cái nắng nóng mà vẫn tiết kiệm chi phí, người dân Thủ đô nghĩ ra muôn ngàn cách...
Dùng "ké" điều hoà nơi làm việc
Với dân văn phòng thì đây không còn là điều quá xa lạ, vừa đảm bảo công việc, lại vừa được mát mẻ mà không phải sử dụng quá nhiều thiết bị làm mát tại gia đình.
Chị Nguyễn Phương Anh (trú tại quận Thanh Xuân - Hà Nội), 1 nhân viên văn phòng cho biết, cứ đến mùa nắng nóng là bỗng nhiên trở thành nhân viên chăm chỉ, đi sớm về muôn, hiệu quả công việc tăng lên đáng kể.
"Công ty mình có giờ làm việc khá linh động bởi tính chất công việc. Thời tiết mấy hôm nay thật sự quá khắc nghiệt nên mình thường sẽ đi làm sớm hơn trước khi trời quá nắng. Buổi chiều mặc dù qua giờ tan sở mình vẫn cố ở lại hoàn thiện những công việc mà bình thường sẽ mang về nhà làm, vừa tranh thủ đợi tắt nắng mới dắt xe đi về".
Như vậy, thời gian ở nhà và bắt buộc phải sử dụng các thiết bị điện làm mát như điều hoà, quạt... của chị Phương Anh được hạn chế đáng kể, góp phần hạ bớt "nhiệt" của hoá đơn điện mỗi tháng.
Ngăn phòng, tăng hiệu suất của điều hoà
Đó là phương án khá khả thi mà anh Nguyễn Tuấn Anh đã sử dụng tại cửa hàng buôn bán tại Ngã Tư Sở của mình.
Anh Tuấn Anh cho biết, bình thường phòng ngoài là khu vực bán hàng, phòng bên trong là khu vực sinh hoạt chung nhưng giữa 2 phòng không có vách ngăn. Những ngày chớm hạ, thời tiết chưa quá oi bức, anh vẫn thường bật điều hoà làm mát cả 2 phòng.
Dựng thêm cửa ngăn cách giữa 2 gian phòng để tăng hiệu quả làm mát của điều hoà.
"Mấy ngày nay nhiệt độ cao khiến điều hoà không tải nổi cả 2 phòng nên mình nghĩ ra cách làm cửa kéo ngăn cách 2 phòng. Nhiều khi bật điều hoà mà thấy phòng không mát hơn chút nào, từ lúc ngăn ra diện tích phòng nhỏ lại, nhiều lúc còn thấy lạnh phải tăng nhiệt độ điều hoà lên.
Cửa hàng mình tiếp khách là chính nên phòng trong nóng xíu cũng không sao, bản thân mình cũng sử dụng phòng ngoài là chính. Mặt hàng mình bán là các loại trà nên khách hàng cũng mất khá nhiều thời gian để cân nhắc lựa chọn sản phẩm phù hợp nên không thể bắt người ta ngồi nóng nực mà thưởng thức trà được".
Áp dụng nguyên tắc hạ nhiệt lòng bàn chân
Nếu như mùa đông, người ta cần làm ấm lòng bàn tay, bàn chân để đảm bảo giữ nhiệt cho cơ thể thì với những ngày hè nóng bức như thế này, anh Nguyễn Hoàng Trung (công tác tại Điện Biên Phủ - Ba Đình) lại áp dụng nguyên tắc hạ nhiệt lòng bàn chân bằng cách khá hài hước.
Phòng làm việc khá nóng bức khiến hiệu quả làm việc ít nhiều bị ảnh hưởng. Anh Trung đã nghĩ ra biện pháp ứng phó tạm thời nhưng khá hiệu quả, đó là chuẩn bị sẵn 1 xô nước lạnh để dưới chân bàn làm việc để... ngâm chân.
Biện pháp ứng phó nóng theo anh Trung là siêu tiết kiệm - siêu hiệu quả.
"Điều hoà tại phòng có vẻ như không hiệu quả cho lắm, nhưng vì tiết kiệm chi phí cho cơ quan nên phòng mình chưa đề xuất thay đổi thiết bị làm mát. Mấy ngày nay cứ đến cơ quan là mình chuẩn bị sẵn 1 xô nước lạnh, vừa làm vừa ngâm chân. Nghe thì buồn cười những cũng rất hiệu quả, mình làm việc cũng đỡ bức bối hơn".
Tuy rằng hình ảnh này khá hài hước nếu chẳng may cấp trên ghé thăm, nhưng với thời tiết oi bức này thì đây có vẻ như là 1 biện pháp vừa tiết kiệm lại mang lại hiệu quả nhanh chóng.
Tiết kiệm nước ở các khu tập thể: Dùng nước 3 trong 1
Với các khu tập thể kiểu cũ, vấn đề liên quan đến nước sinh hoạt là 1 vấn đề đáng lưu tâm. Việc cấp nước lên các bể nước của mỗi hộ dân đều có giờ giấc quy định, thể tích bể nước khá hạn chế nên không tránh khỏi những trường hợp hết nước giữa chừng.
Để ứng phó với việc này, 1 hộ gia đình tại Khu tập thể Bắc Nghĩa Tân đã có biện pháp siêu tiết kiệm nước trong những ngày hè khi mà nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt luôn tăng lên rất cao.
"Mùa hè nhà mình dùng nước nhiều lắm, cũng không tránh khỏi được vì thời tiết nóng bức quá. Năm ngoái, nhà mình đang dùng dở thì hết nước, hỏi ra mới biết bể nước dùng chung với nhà bên cạnh vì đây là khu tập thể kiểu cũ. Cả hai nhà cùng dùng nhiều nước hơn bình thường nên bể nước hết nhanh.
Ứng phó với việc thiếu nước tại các khu tập thể kiểu cũ.
Năm nay thì mình cảnh giác hơn rồi, vừa mới bước vào đầu hè mình phải sắm ngay cái chậu dung tích lớn. Nhà mình có nuôi 1 bạn cún nhỏ, tắm xong cho bé nhà mình thì dùng nước đó tắm cho bạn cún luôn, xong xuôi thì đem bạn cún ra ngoài tráng nước là sạch sẽ.
Hôm nào mà không phải tắm cho bạn cún thì nước tráng của bé nhà mình sẽ sử dụng để giặt quần áo nước đầu, sau đó mới giặt với bột giặt. Kể ra thì buồn cười nhưng còn hơn là đang sử dụng giữa chừng thì hết nước, mỗi lần như thế đợi đến giờ bơm nước cả nhà đến khổ sở".
Được biết, dự báo nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ chấm dứt từ ngày 22/5. Từ ngày 23/5, nắng nóng ở các tỉnh Trung Bộ có xu hướng dịu dần. Tuy nhiên, để trải qua hết mùa hè 2020, người dân sẽ còn phải ứng phó với khá nhiều đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng nữa.
Mạn Ngọc