(Tổ Quốc) - Những dấu hiệu này rất dễ nhận biết và nó xuất hiện trong tất cả các trường hợp trẻ em bị mắc bệnh tiểu đường type 1.
Vào đầu những năm 1900, trẻ em chết vì bệnh tiểu đường loại 1 bắt đầu xuất hiện tại các bệnh viện lớn trên thế giới. Thậm chí có những lúc có hơn 50 bệnh nhân cùng nhập viện một lúc. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã lao vào nghiên cứu cách chữa trị căn bệnh nghe tên "ngọt ngào" này.
Đến năm 1922, ba nhà khoa học lớn: Sir Frederick G. Banting, Charles H. Best và James B. Collip đã phát hiện và thanh lọc được insulin. Họ quyết định thử nghiệm tiêm insulin lên 50 trẻ đang nằm hôn mê vì bệnh đái tháo đường. Kết quả ngoài sức mong đợi của tất cả mọi người, các bệnh nhi đều tỉnh dậy sau cơn mê.
Đây được xem là một thời điểm đột phá cho y học.
Tiến sĩ Graeme R Frank, bác sĩ nội tiết nhi của Northwell Health - một mạng lưới chăm sóc sức khỏe tổng hợp phi lợi nhuận ở New York, cho biết: "Một trăm năm nghe thì có vẻ là một khoảng thời gian dài, nhưng đối với riêng tôi, nó lại khá ngắn. Vào cái thời của ông bà tôi sống, nếu ai bị mắc bệnh tiểu đường không khác gì bị kết án tử hình. Nhưng ngày nay điều này đã không còn nữa. Trẻ em bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 1 vẫn có thể có cuộc sống tương đối bình thường. Đây là một tin vui".
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có khoảng 1,6 triệu người mắc bệnh tiểu đường type 1 trong năm 2020, tăng 30% so với năm 2017. Trong đó, trẻ vị thành niên dưới 20 tuổi tăng 20% - nhóm tuổi có mức tăng cao nhất so với các nhóm tuổi còn lại. Và trẻ em da trắng bị mắc bệnh tiểu đường loại 1 nhiều hơn trẻ em da màu.
Mặc dù bệnh tiểu đường có thể xảy ra đối với bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào, và nó cực kỳ nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nhưng hầu hết chúng ta đều bỏ sót các triệu chứng ban đầu của nó. Do đó, Tiến sĩ Frank đã chỉ ra một vài điều giúp các cha mẹ hiểu thêm về căn bệnh này nhằm phòng tránh bệnh cho con.
1. Sự khác biệt giữa bệnh tiểu đường type 1 và type 2
Tiến sĩ Frank cho biết: "Cơ thể con người cần insulin, và chúng ta sẽ mắc bệnh tiểu đường typr 1 nếu cơ thể không sản xuất là insulin và mắc bệnh tiểu đường type 2 nếu cơ thể tạo ra insulin nhưng lại nó lại không hoạt động hiệu quả".
Nếu cơ thể không có insulin hoặc insulin không hoạt động hiệu quả, đường trong máu sẽ không thể đi vào các tế bào để tạo ra năng lượng. Thay vào đó, nó tích tụ lại trong máu, từ đó gây ra bệnh tiểu đường.
2. Nguyên nhân của bệnh tiểu đường type 1
Di truyền có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh tiểu đường type 1. Tuy nhiên, nó chỉ đóng một vai trò nhỏ vì theo một số nghiên cứu, các cặp song sinh giống hệt nhau, cùng chia sẻ với nhau một bộ DNA, nhưng một người có thể mắc bệnh tiểu đường loại 1, còn người kia thì không.
Tiến sĩ Frank giải thích: "Điều này chứng tỏ rằng di truyền chỉ là một phần nhỏ gây nên bệnh tiểu đường. Chúng tôi nghi ngờ chính môi trường và cách sinh hoạt hàng ngày mới đóng vai trò lớn trong việc gây ra căn bệnh này. Nếu không thì tại sao 100% các cặp song sinh cùng trứng lại chỉ có 1 người bị tiểu đường type 1".
Thế nhưng, thật ra cho đến hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác những tác nhân môi trường nào khiến trẻ bị tiểu đường loại 1. Ví dụ một nghiên cứu đã cho thấy trẻ em bú sữa mẹ có thể ít mắc bệnh tiểu đường loại 1 hơn, nhưng các dữ liệu để chứng minh điều này lại quá yếu. Hoặc một nghiên cứu vào năm 2018 lại cho rằng trẻ sơ sinh bú sữa công thức dễ mắc bệnh tiểu đường type 1 hơn những đứa trẻ uống sữa công thức có chứa protein đã chia nhỏ. Song, tất cả các dữ liệu để chứng minh nhận định này đều chưa đủ sức thuyết phục.
3. Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em
Tuy rằng nguyên nhân của căn bệnh tiểu đường type 1 vẫn đang còn là một ẩn số, nhưng nó vẫn không quan trọng bằng việc các cha mẹ phát hiện sớm các triệu chứng của căn bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ, nhằm ngăn ngừa các vấn đề như nhiễm toan ceton - một biến chứng tiểu đường đe dọa tính mạng khi cơ thể sản sinh ra lượng axit trong máu cao được gọi là ceton.
Do đó, tiến sĩ Frank chỉ ra dấu hiệu "4T" của bệnh nhân tiểu đường type 1 để các cha mẹ dễ dàng theo dõi con:
- Thirst (Khát nước): Trẻ luôn có cảm giác khát nước và không có cách nào làm dịu cơn khát.
- Toilet (Nhà vệ sinh): Trẻ thường xuyên mắc tiểu, đi tiểu nhiều lần, đái dầm dù đã lớn.
- Thinner (Gầy): Giảm cân không rõ nguyên nhân, cơ thể gầy gò, yếu ớt.
- Tired (Mệt mỏi): Luôn cảm thấy mệt mỏi.
"Đây là 4 dấu hiệu điển hình và có ở mọi đứa trẻ nếu chẳng may bé đã mắc bệnh tiểu đường type 1. Nguyên nhân là do khi lượng đường trong máu của trẻ cao, nó sẽ xuất hiện trong nước tiểu. Trẻ sẽ phải đi tiểu nhiều hơn và kết quả là liên tục khát nước", tiến sĩ Frank giải thích. "Ngoài ra, lượng đường trong máu được thải ra trong nước tiểu đồng nghĩa với việc người bệnh đang thải ra carbohydrate mà cơ thể cần để cung cấp năng lượng cho các cơ quan. Điều này dẫn đến tình trạng giảm cân không kiểm soát và mệt mỏi thường xuyên".
Do đó, nếu bạn thấy con mình có một trong 4 dấu hiệu vừa nêu trên thì bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ và yêu cầu được xét nghiệm tiểu đường type 1 ngay.
Nếu kết quả cho thấy trẻ bị bệnh tiểu đường Loại 1, bác sĩ sẽ sắp xếp cho con bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiểu đường để trẻ được điều trị ngay lập tức nhằm kiểm soát bệnh tiểu đường và ngăn ngừa nhiễm toan ceton do bệnh tiểu đường.
Nguồn: Parents, Diabetes
HỒNG HẠNH