Mùa măng rừng vào vụ, luộc nước giếng, không hóa chất giá chỉ 20 ngàn/kg, khách mua cả vài chục kg về ăn dần

(Tổ Quốc) - Người phụ nữ quê vùng cao Thanh Hóa này cũng chia sẻ, từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch hàng năm là mùa của những người dân thu hoạch măng rừng nhà trồng.

Những ngày này trên facebook của chị Nguyễn Tâm ở tỉnh Thanh Hóa luôn rao bán những mẻ măng rừng nhà trồng đang vào vụ tươi non. Loại măng này bẻ về, sau đó được luộc nước giếng và không ngâm tẩm bất cứ hóa chất gì.

"Nhà mình ở khu vùng cao tỉnh Thanh Hóa nên hiện nay măng rừng nhà trồng đang vào vụ. Ngày ngày mọi thành viên trong gia đình lấy măng tươi sau đó đóng gùi, chuyển về luộc. Những cây măng đã cao thường mọi người không chặt mà chỉ lấy những cây măng nặng mới nhú. Vì ăn loại măng này ngon và ngọt lắm", chị Tâm nhận định.

Mùa măng rừng vào vụ, luộc nước giếng, không hóa chất giá chỉ 20 ngàn/kg, khách mua cả vài chục kg về ăn dần - Ảnh 1.

Măng tươi hái về bóc vỏ rửa sạch trước khi đem luộc.

Người phụ nữ quê vùng cao Thanh Hóa này cũng chia sẻ, mỗi năm từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch hàng năm là mùa của những người dân thu hoạch măng rừng nhà trồng. Bởi khi ấy những mầm măng đồng loạt đội đất, vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Khi ấy, phải đi hái măng đem về bán để trang trải cuộc sống gia đình.

"Công việc hái măng tuy thế không đơn giản chút nào bởi đây là việc nặng nhọc, đòi hỏi phải có kỹ năng, chịu được vất vả. Khi đi người hái măng phải chuẩn bị sẵn các dụng cụ như dao, rựa, gùi đựng măng và phải ăn mặc kín đáo, áo dài tay, trùm khăn trên đầu để không bị rặm. Cứ thế họ vào rừng vầu, nứa của gia đình trồng để chặt những búp măng không có "sức" tận thu kiếm thêm thu nhập.

Nói chung muốn hái măng thì phải có đôi chân, đôi tay chắc khỏe; có con mắt tinh để phát hiện những búp măng bởi nó thường nằm ở những chỗ rậm rạp. Nếu măng mới nhô lên mặt đất phải đào bới, măng cao được khoảng 20cm thì có thể bẻ và cao hơn nữa thì dùng dao chặt", người này cho biết.

Mùa măng rừng vào vụ, luộc nước giếng, không hóa chất giá chỉ 20 ngàn/kg, khách mua cả vài chục kg về ăn dần - Ảnh 2.

Măng được đổ nước giếng luộc 2-3 lần.

Được biết, măng nhà chị Tâm và các bà con nơi đây hái chủ yếu là măng bương, vì đây là loài cây thường mọc ở núi đá, lẫn vào rừng luồng nứa tự nhiên. Một ngày làm việc cật lực cũng được khoảng được 50kg măng. Thông thường để đảm bảo măng tươi non nhất, khi có khách đặt hàng, người nhà chị Tâm mới lấy.

Sau khi hái măng bương ở rừng về thì mọi người trong nhà phải thêm công đoạn bóc vỏ măng. Công đoạn này cũng khá phức tạp vì nếu không biết bóc, vỏ măng thường gây ngứa và phải bóc đúng kỹ thuật măng mới đẹp, bán được giá. Bóc măng xong thì bắt đầu cho măng vào nồi đổ nước giếng khơi luộc.

"Luộc đi, luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước vôi trong rồi xả lại bằng nước sạch. Măng khi ấy mềm và chất đắng cũng đi hết. Do đó khi ăn măng tươi non, ngọt không hề bị đắng. Nhà mình cũng làm măng rất sạch sẽ", người này nói.

Hiện 1kg măng tươi chị Tâm đang bán với giá 20 ngàn đồng/kg. Do măng rừng đã làm sạch sẽ nên khi mua về khách có thể chế biến nhiều món ăn ngon khác nhau như bún măng, thịt kho măng, canh hầm măng, măng luộc ăn kèm rau sống chấm mắm, làm măng chua, măng xào tôm thịt, bún riêu măng, ngâm măng dấm ớt đều rất tuyệt.

Mùa măng rừng vào vụ, luộc nước giếng, không hóa chất giá chỉ 20 ngàn/kg, khách mua cả vài chục kg về ăn dần - Ảnh 3.

"Mùa dịch này, khách mua về cứ luộc sẵn và sơ chế để tủ lạnh ngăn đá ăn dần được cả năm luôn. Đây là món ăn dân giã rất ngon của Thanh Hóa được làm hoàn toàn thủ công nên có vị thơm đặc trưng, không chất bảo quản, không hóa chất độc hại, dễ ăn, dễ chế biến lắm. Khách cứ đặt mua từ 10 kg là mình ship. Tiền gửi xe hết bao nhiêu khách phải tự chịu", tiểu thương bán măng này kể.

Vì một năm chỉ có 1 mùa măng tươi nên rất nhiều khách mua lẻ, mua buôn đặt hàng: "Tình hình dịch bệnh phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn và mất nhiều thời gian vì đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch. Bởi thế khách thường phải đợi 2-3 ngày mới nhận được hàng. Do cùng công nhận nên nhiều người rủ nhau mua chung cả tải măng 30-50kg sau đó về chia", chị Tâm nói.

Chị Trần Thị Hà, 40 tuổi ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội là một người thường xuyên thích ăn măng tươi và măng khô quanh năm. Chính bởi thế mỗi khi đến mùa măng tươi Thanh Hóa hoặc Tây Bắc, chị thường mua cả vài chục kg về sơ chế ăn dần hoặc phơi lên để làm măng khô dự trữ nấu dần quanh năm.

"Mình cứ mua cả 50 cân măng tươi. Sau đó một nửa sẽ luộc lên, tước nhỏ sẵn, chia nhỏ các bữa để tủ đá. Mỗi khi xào hay nấu thì mang ra rã đông và chế biến như bình thường. Còn một nửa mình ngâm trong nước muối rồi rửa sạch phơi khô lên làm măng khô. Mùa măng đúng mùa tháng 8-9 nên vẫn có rất nhiều nắng to, phơi vài buổi là có thể để vào túi bóng ăn măng khô dần", chị Hà nói.

Mùa măng rừng vào vụ, luộc nước giếng, không hóa chất giá chỉ 20 ngàn/kg, khách mua cả vài chục kg về ăn dần - Ảnh 4.

Mùa măng rừng vào vụ, luộc nước giếng, không hóa chất giá chỉ 20 ngàn/kg, khách mua cả vài chục kg về ăn dần - Ảnh 5.

Măng tươi sau khi đã luộc.

Bà nội trợ này cho biết, cả nhà chị đều rất thích ăn canh măng nhất là măng xào thịt bò hay măng nấu xương chan bún. Dù món ăn này được chế biến kiểu gì đều rất đưa miệng, dễ ăn.

Vì có kinh nghiệm mua măng tươi nhiều năm nên chị Hà có hẳn một bí quyết chọn măng: "Khi chọn măng nên chọn những búp măng còn tươi, đốt to và nhỏ đều nhau, không cong, giòn nhưng non, không xuất hiện lá già, bề mặt không có đốm, vỏ mỏng và không bị héo. Đặc biệt vị tươi ngon có mùi thơm đặc trưng là măng ngon".

Ảnh: NVCC

Thảo Nguyên

Tin mới