(Tổ Quốc) - Thời gian gần đây, do tâm lý lo sợ dịch bệnh nên nhiều người đã đổ xô đi mua gạo số lượng lớn để tích trữ. Việc làm này gây ra không ít khó khăn, áp lực nhất thời cho các siêu thị, cửa hàng; và là điều không cần thiết lúc này.
Cần phải bình tĩnh, ngừng ngay việc tích trữ gạo quá mức, chỉ mua để đảm bảo đủ nhu cầu cho gia đình mình.
Bởi lẽ, thóc, gạo tẻ thường là mặt hàng được bình ổn giá (căn cứ vào điểm k khoản 2 Điều 15 Luật giá năm 2012); cũng như Chính phủ sẽ đảm bảo tốt về an ninh lương thực quốc gia, người dân dư dả nguồn cung lương gạo để dùng.
Nguồn cung lượng gạo rất dồi dào, đổ xô đi mua tích trữ là việc không cần thiết. (Ảnh minh họa: Internet)
Mặt khác, quy định của pháp luật hiện hành rất chặt chẽ, xử lý nghiêm các đối tượng đầu cơ gạo, thóc nhằm đảm bảo lợi ích chung cho toàn dân. Cụ thể như sau:
Căn cứ vào Điều 46 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân (phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức) có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hàng hoá thuộc danh mục bình ổn giá (như thóc, gạo tẻ thường, đường ăn, muối ăn…).
Trường hợp vi phạm với lượng hàng hoá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân (phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với tổ chức) vi phạm.
Ngoài ra, Nhà nước sẽ tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm nêu trên; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Nếu vi phạm có tính chất nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đầu cơ theo Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khi đó, người phạm tội bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm (còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm). Pháp nhân thương mại phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 9 tỷ đồng (còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm).
Luật sư Phạm Thanh Hữu