"Mũ cách ly di động" của nhóm bạn trẻ Việt được vinh danh trên báo quốc tế "lợi hại" ra sao?

(Tổ Quốc) - Chiếc mũ này được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới vinh danh, trao danh hiệu Đại sứ trẻ Sở hữu trí tuệ.

"Mũ cách ly di động" của 3 bạn trẻ Việt Nam được vinh danh tại Thụy Sĩ đáp ứng 3/5 yêu cầu hành động chống dịch Covid-19 của WHO

Vào cuối tháng 11 năm ngoái tại Thụy Sĩ, nhóm tác giả của sản phẩm sản phẩm "Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm" được trao danh hiệu Đại sứ trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới). Những người tạo nên thành công này chính là Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003), Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006) và Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007).

"Mũ cách ly di động" của nhóm bạn trẻ Việt được vinh danh trên báo quốc tế lợi hại ra sao? - Ảnh 1.

Nóm tác giả của sản phẩm sản phẩm "Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm" được trao danh hiệu Đại sứ trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO.

Được biết, đây là lần đầu tiên WIPO trao tặng danh hiệu này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và cũng mới là lần thứ hai danh hiệu này được trao trong suốt 50 năm lịch sử của WIPO (thành lập năm 1967).

Sản phẩm của 3 nhà sáng chế chưa đầy 20 tuổi là "Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19: Vihelm". Đây là một trong 37 công trình, sáng kiến đoạt Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" toàn quốc năm 2020.

Nhóm các nhà sáng chế trẻ tin rằng, mũ cách ly di động thỏa mãn 3/5 yêu cầu hành động chống dịch Covid-19 của WHO: Keep your distance (Giữ khoảng cách); Don't touch your face (Đừng chạm tay vào mặt bạn); Stay home (Ở nhà); Sneeze into your elbow (Hắt hơi vào khủyu tay của bạn); Wash your hands (Rửa tay).

"Mũ cách ly di động" của nhóm bạn trẻ Việt được vinh danh trên báo quốc tế lợi hại ra sao? - Ảnh 3.

Sản phẩm này đến từ 3 nhà sáng chế chưa đầy 20 tuổi là "Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19.

"Mũ cách ly di động" của nhóm bạn trẻ Việt "lợi hại" cỡ nào?

An toàn hơn 100 lần khẩu trang N99

"Mũ cách ly di động" Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ lọc không khí PAPR - mặt nạ lọc khí đạt tiêu chuẩn được công nhận trên toàn cầu và an toàn hơn khẩu trang N99 gấp 100 lần. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Mỹ, PAPR có nhược điểm là không thể đeo lâu vì nếu bị ngứa ở đầu hoặc mặt thì không thể gãi được. Do đó, PAPR ít được sử dụng để phòng bệnh.

Để khắc phục điều đó, nhóm sáng chế đã gắn một chiếc găng tay đặc biệt dưới đáy mũ, giúp người sử dụng có thể gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn giữ đường hô hấp cách ly với môi trường bên ngoài.

Nhờ đó, người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt ca làm việc 4 tiếng mà không lo bị ngứa hay nóng, đồng thời nguy cơ nhiễm trùng giảm tới 99,9% theo đánh giá thực nghiệm của nhóm nghiên cứu.

"Mũ cách ly di động" của nhóm bạn trẻ Việt được vinh danh trên báo quốc tế lợi hại ra sao? - Ảnh 4.

"Mũ cách ly di động" Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ lọc không khí PAPR.

Không cần giữ khoảng cách

Trong mùa dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, để có thể đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, nhà nước luôn chủ trương giữ khoảng cách ít nhất 2m khi đi ra ngoài. Thế nhưng với chiếc mũ này, người đội không cần giữ khoảng cách vật lý, mọi người vẫn có thể ra ngoài làm việc, giao tiếp. Điều này không gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống hàng ngày trong khi bạn vẫn đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội khi sử dụng mũ.

F0, F1 không cần phải cách ly y tế

"Mũ cách ly di động" Vihelm đã chọn thay đổi cách ly y tế bằng phương pháp "cách ly di động", tức là F0 hoặc F1 thay vì cách ly ở nhà hoặc tập trung vẫn có thể đeo thiết bị này và ra ngoài sinh hoạt bình thường. Nhóm sáng chế tin rằng cách ly di động sẽ tránh được những thiệt hại về mặt xã hội do mất việc làm và thu nhập, cũng như những thiệt hại về tinh thần khi phải ở nhà quá lâu.

"Mũ cách ly di động" của nhóm bạn trẻ Việt được vinh danh trên báo quốc tế lợi hại ra sao? - Ảnh 5.

"Mũ cách ly di động" Vihelm đã chọn thay đổi cách ly y tế bằng phương pháp "cách ly di động".

Tránh khói bụi, độc hại ô nhiễm trong tương lai

Mặc dù chưa thể thực hiện được ngay chức năng này, mũ cách ly di động đang được hứa hẹn cải tiến thành "mũ bảo hộ kiêm mũ bảo hiểm", có thể tránh khói bụi, độc hại. Đây là một tin tuyệt vời dành cho người Việt Nam khi đại đa số chúng ta vẫn di chuyển ngoài đường khói bụi bằng phương tiện xe máy. Chiếc mũ này cũng đặc biệt hữu ích cho cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ, vừa an toàn cho sức khỏe vừa phòng chống bệnh tật qua khói bụi, ô nhiễm nói chung.

Từ một sáng chế, sau hơn một năm đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế, nhóm Vihelm đã chế tạo được sản phẩm y tế cụ thể, được Bộ Y tế Việt Nam công nhận đạt chuẩn và được phép lưu hành trên thị trường với giá trung bình 6 triệu đồng.

(Tổng hợp)

TH

Tin mới