(Tổ Quốc) - Từng nghĩ mình sẽ không bao giờ bị trầm cảm sau sinh nhưng chị Thọ Trần đã gặp phải tình trạng này chỉ sau một thời gian ngắn sinh con.
Cuộc sống của các bà mẹ bỉm sữa luôn có nhiều điều thú vị với những cảm xúc đan xen lẫn lộn song chẳng ai giống ai. Mỗi bà mẹ là một câu chuyện khác nhau, và chương trình "Chat với mẹ bỉm sữa Cali" số phát sóng mới đây đã đón vị khách mời là bà nội trợ tên Thọ Trần (đang sống ở Garden Grove, Califinia, Hoa Kỳ), có một cô con gái hiện 17 tháng tuổi. Bà mẹ 32 tuổi này cũng đã trải qua nhiều chuyện khủng hoảng khi mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Mang bầu sau hơn 1 tháng kết hôn, bật khóc vì chưa chuẩn bị gì đã phải lên bàn đẻ
Chị Thọ kết hôn năm 30 tuổi, lúc đó chị thấy mình đã nhiều tuổi nên quyết định "thả" để có em bé sớm. Và chỉ hơn 1 tháng sau, khi đi tuần trăng mật về thì chị phát hiện mình bị chậm kinh. Chị lập tức mua que thử thai và kết quả em bé đã đến với vợ chồng chị.
Vợ chồng chị Thọ cũng như ông bà nội rất thích có một cô cháu gái vì đã có nhiều cháu trai, nên ngày biết tin chị mang bầu bé gái, cả nhà lập tức đi ăn mừng.
Bà mẹ 8x đã trải qua một thai kỳ khá suôn sẻ, chị không bị nghén cũng không bị mệt mỏi nhiều, không có cảm giác thèm hay sợ một món ăn nào đó. Duy chỉ có vấn đề là chị gặp phải tình trạng mà nhiều mẹ bầu khác gặp phải đó là táo bón. Bác sĩ chỉ định chị phải dùng thuốc song vì sợ ảnh hưởng đến con nên chị không dùng. Chính vì thế mà tình trạng của chị Thọ ngày càng nặng hơn, thậm chí còn làm chị đau đớn vùng bụng, thắt lưng đến nỗi đi không được mà ngồi cũng không xong.
Trước khi chuẩn bị sinh con, chị Thọ đăng ký một lớp học tiền sản, dự định ăn dứa, chè mè đen cho dễ sinh... Tuy nhiên, những ý định đó của chị Thọ đều chưa kịp thực hiện thì em bé đã chào đời sớm 17 ngày so với dự kiến sinh.
Nhớ lại ngày chuyển dạ sinh con, chị Thọ kể: "Hôm đó sáng mình dậy di vệ sinh thì thấy ra một chút máu báo. Vì còn xa ngày dự kiến sinh nên mình cũng nghĩ chắc không có vấn đề gì, nhưng ông xã thì lo lắng nên hai vợ chồng vào bệnh viện kiểm tra.
Bác sĩ kiểm tra thì cũng nói mình chưa có dấu hiệu sinh và cho nằm nghỉ. Đến 3-4h chiều bác sĩ vào khám lại và nói: "Bây giờ em bé không chịu cử động, chắc là nó muốn ra với bố mẹ rồi, thôi bắt buộc phải cho bé ra để đảm bảo an toàn". Nghe bác sĩ nói như vậy là mình bật khóc luôn. Bởi vì bản thân còn chưa sẵn sàng mà giờ đùng cái nói đẻ luôn, và mình cũng sợ đau nữa.
9h tối mình được tiêm thuốc kích sinh, 2h đêm hôm sau thì bắt đầu đau và lên cơn gò, tử cung mở 2 phân. Vì quá đau nên mình phải tiêm thuốc giảm đau và phải tiêm 2 mũi liền vì thuốc hết tác dụng nhanh quá. 8h tối hôm đó thì tử cung mở được 9,5 phân. Mình mừng như mở cờ trong bụng tưởng sinh đến nơi ai ngờ bác sĩ nói em bé nằm bên trên, không xuống dưới vùng xương chậu. Mình chịu đau vật vã thêm 5 tiếng đồng hồ và xin đi mổ nhưng bác sĩ khuyên cố sinh thường.
Đến 1h30 thì bác sĩ nói cố gắng rặn lần cuối cùng xem có được hay không. Mình cố gắng hết lấy sức để rặn đúng 1 lần là em bé đã ra rồi".
Sau sinh bị trầm cảm, muốn hai mẹ con cùng ra đi cho đỡ khổ
Sau 3 ngày thì chị Thọ được xuất viện, bạn bè vẫn khuyên chị những ngày còn ở bệnh viện có y tá giúp đỡ thì hãy tranh thủ ngủ đi vì khi về nhà sẽ rất "khủng khiếp". Và đúng như vậy, khi xuất viện chị mới vỡ lẽ là lời bạn bè nói quá đúng.
Tháng đầu tiên sau sinh với vợ chồng chị Thọ giống như một cuộc khủng hoảng vì chỉ có hai người thay nhau chăm con chứ không có ai phụ giúp. Con gái của chị Thọ bị vàng da, có thể gây ảnh hưởng não, bị dính thắng lưỡi nên không thể bú mẹ. Chị Thọ phải cho con ăn sữa công thức bằng ống hút, bơm vào miệng bé, bé ăn được thì mới đào thải chất gây vàng da qua phân và nước tiểu. Thế nhưng chứng vàng da của bé vẫn không đỡ, thậm chí còn nặng hơn.
Bé bị sút cân, từ 3,1kg xuống còn 2,3kg. Bản thân chị thì bị tắc tia sữa, đau và sốt cao, cả ngày loanh quanh trong bốn bức tường bí bách, thời tiết lạnh lẽo, thiếu ánh nắng càng khiến bà mẹ mới sinh buồn bã.
Vừa sinh con xong được ít ngày mà liên tục gặp nhiều vấn đề khiến chị Thọ bị stress. Bỗng dưng chị nhìn con khóc và trong đầu thoáng qua một ý nghĩ: "Tại con ra đời mà mình và chồng phải khổ, nó cũng khổ. Hay mình và con chết đi, thì sẽ không ai khổ nữa".
May mắn là tâm lý của chị Thọ vẫn đủ mạnh mẽ để gạt những suy nghĩ tiêu cực qua một bên. Song mỗi ngày trôi qua chị lại càng thấy mệt mỏi hơn. Ban đầu chị giấu chồng nhưng sau đó không thể chịu đựng được nữa nên đã nói chuyện với anh rằng mình đã quá mệt. Hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc và động viên nhau cùng cố gắng.
Chị Thọ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bản thân sẽ bị trầm cảm sau sinh. Chị nghĩ rằng mọi người có thể chăm con được thì mình cũng chăm được nên từ chối lời đề nghị phụ giúp của mẹ đẻ.
Sau đó, chị Thọ tình cờ đọc được một câu chuyện mang tên: "Em bé sẽ không bao giờ ra đời lần thứ hai". Đọc xong chị thấy thương con nhiều hơn, chị hiểu rằng khi bé ra đời thì thế giới này cũng xa lạ đối với con. May mắn là chị có ông xã ở bên giúp đỡ và những người bạn thường xuyên qua thăm rồi động viên nên dần dần suy nghĩ của chị cũng trở nên tích cực hơn.
Khoảng 4-5 tháng sau sinh là mọi chuyện cũng đã trở lại bình thường. Qua chương trình, chị Thọ đã gửi lời cảm ơn đến người chồng của mình vì anh đã luôn ở bên để động viên, chăm sóc và yêu thương hai mẹ con hết mực.
V.V.