(Tổ Quốc) - Lập kế hoạch chi tiêu 1 cách rõ ràng, khoa học. Để thực hiện đúng bảng chi tiêu ấy mà không lạm phát, bà nội trợ này đã đề ra nguyên tắc "cực rắn" cho bản thân.
Với nhiều người, 150k là 1 khoản tiền ít ỏi, chưa chắc đã sắm đủ bữa sáng nhưng với chị Dịu – một bà mẹ bỉm sữa ở huyện Từ Liêm, Hà Nội thì 150k ấy lại đủ chi tiêu trong ngày cho cả gia đình 5 thành viên.
Chị Dịu là giáo viên trường mầm non tư thục có mức lương 9 triệu một tháng. Chồng chị là nhân viên kinh doanh trong một siêu thị điện máy lương tháng 10 triệu.
Vì cả hai đều xuất thân tỉnh lẻ, cưới xong chưa có điều kiện mua nhà nên vẫn phải đi thuê trọ. Cùng với đó, hiện tại anh chị lại đang nuôi 2 con nhỏ trong tuổi bỉm sữa khá tốn kém nên vợ chồng chị luôn đề cao phương châm chi tiêu tiết kiệm.
Chị Dịu chia sẻ: "Mình sinh đôi 2 bé trai đầu lòng, vất vả lắm. Lúc các con tròn 1 tuổi mình định mang gửi trẻ nhưng tính ra gửi cả 2 đứa một tháng ít nhất cũng tốn 6 tới 7 triệu. Sau mình bàn với chồng gọi điện về quê nhờ bà nội lên chăm cháu giúp.
Cũng may mẹ chồng mình còn khỏe, bà lại nhiệt tình, thương con thương cháu. Nghe các con gọi về, bà lập tức khăn gói lên thành phố giúp vợ chồng mình luôn. Có bà đỡ đần mình cũng yên tâm đi làm".
Với hoàn cảnh hiện tại, thu nhập không dư giả gì, vợ chồng chị Dịu thống nhất chung quan điểm phải thật tiết kiệm. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, anh chị lập một kế hoạch chi tiêu chi tiết. Từng khoản đã quy định là "đóng đinh" không xê dịch. Nếu có chỉ giảm bớt, tuyệt đối không tăng lên.
Các khoản chi tiêu nhà chị như sau:
Tiền nhà: 3 triệu
Điện nước: 700k
Tiền ăn: 4.5 triệu
Xăng xe: 400k
Bỉm sữa: 5 triệu
Hiếu hỉ, nội ngoại 2 bên: 1 triệu
Đặc biệt khi được hỏi về khoản tiền ăn, gia đình hiện tại đang có 5 thành viên mà mỗi tháng chị Dịu chỉ chi tiêu trong vòng 3 triệu là quá ấn tượng.
Chị chia sẻ rằng: "Mình biết nhiều người khi nghe với 1 gia đình 5 người mà 1 tháng tiêu có 3 triệu tiền thức ăn họ sẽ không tin nhưng thực tế đúng là như vậy. Ở hoàn cảnh nào chi tiêu theo hoàn cảnh đó.
Ban đầu để xoay xở đúng ngần ấy tiền cho đủ 30 ngày trong tháng mình cũng chật vật, đau đầu nghĩ cách lắm.
Có vô khối hôm tiêu đội lên, ngày sau mình lại phải vắt óc nghĩ cách bù lại. Vợ chồng đã thống nhất không tiêu lạm phát thì mình sẽ nghiêm túc thực hiện, có như thế mới quản lý được tài chính gia đình.
Sau nhiều lần đi chợ cứ thâm hụt như vậy, mình đúc rút ra kinh nghiệm riêng. Quy định tiền ăn là 4,5 triệu 1 tháng tương đương 150k một ngày.
Vậy là khi đi chợ mình chỉ mang đúng 150k, tuyệt đối không mang hơn để khi mua mình chỉ lựa đúng thứ mình cần. Tránh tình trạng thấy gì vui mắt lại nổi hứng sắm. Trong ví không có tiền, đương nhiên mình buộc phải gác lại "cảm hứng" ngoài kế hoạch".
Với 150k, chị Dịu phân chia cụ thể cho 3 bữa trong ngày như sau:
Bữa sáng: 15.000
Chị Dịu kể: "Từ ngày cưới vợ chồng mình đã nói không với ăn sáng ở ngoài. Sáng chị dậy sớm rang cơm hoặc cắm cơm nóng ăn với thức ăn còn lại từ tối trước để 3 người lớn ăn. Mình cũng làm sẵn hộp ruốc, thịt chưng mắm tép, muối vừng dùng ăn sáng. Con chị đang tuổi ăn dặm, có thức ăn riêng".
Bữa trưa: 20.000
Buổi trưa cả 2 vợ chồng chị đều không ăn cơm ở nhà, chỉ có mẹ chồng chị cùng 2 cháu. Chị chuẩn bị thức ăn cho bà từ sáng trước khi đi làm. Khoản này giao động từ 15 đến 20k với những món đơn giản như đậu sốt cà chua, thịt đúc trứng, hoặc cũng có khi đơn giản chỉ là quả trứng hấp cơm ăn cùng ruốc, thịt chưng mắm tép chị làm sẵn.
Bữa tối: 115.000
Chi phí cho bữa tối của nhà chị Dịu gói gọn trong khoảng 100 nghìn đến 120 nghìn nhưng chị luôn nấu nướng tươm tất, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả nhà.
Ngoài ra, chị Dịu chia sẻ thêm bí quyết mua được thực phẩm tươi rẻ là sáng chị luôn dậy sớm đi chợ. Lưu ý mua thực phẩm rau dưa đúng mùa vụ như thế đồ vừa ngon, rẻ, chất lượng, ít thuốc bảo quản thực vật hơn.
Giang Nguyễn