Mối liên hệ giữa di truyền, béo phì và chỉ số khối cơ thể (BMI): Phải làm gì nếu bạn sở hữu gen di truyền béo phì?

(Tổ Quốc) - Gen là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới cân nặng và bệnh béo phì hoàn toàn có thể di truyền.

Theo Tạp chí Harvard Health Publishing, hiện nay có hơn 400 loại gen góp phần gây nên bệnh béo phì. Trên thực tế, bạn có thể dễ dàng nhận thấy một số người tăng cân nhanh chóng dù tiêu thụ ít đường, trong khi những người khác ăn nhiều thực phẩm nhưng không thay đổi trọng lượng cơ thể mấy. Một trong các nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là gen. Hơn nữa, bệnh béo phì hoàn toàn có thể di truyền trong gia đình.

Gen di truyền tác động thế nào tới cân nặng? - Ảnh 1.

Gen di truyền là một trong những yếu tố tác động tới trọng lượng cơ thể.

Mỗi người sinh ra sẽ thừa hưởng những đặc điểm từ cha mẹ, từ loại tóc, màu mắt, hình dáng đến chiều cao

Keith-Thomas Ayoob, chuyên gia dinh dưỡng, nhà di truyền học kiêm giáo sư tại Đại học Y Albert Einstein giải thích, mỗi người sinh ra sẽ thừa hưởng những đặc điểm từ cha mẹ, từ loại tóc, màu mắt, hình dáng đến chiều cao. Dù chưa được chứng minh cụ thể, gen di truyền có mối liên hệ mật thiết với cân nặng. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Béo phì Quốc tế cho thấy, những người sở hữu một số loại gen có khả năng dẫn tới béo phì thường tăng nhiều cân sau độ tuổi 20.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã chỉ ra, gen hình thành hệ thống tín hiệu và những phản ứng của cơ thể. Theo một số giả thuyết, cơ thể có khả năng tự bảo vệ bản thân không bị sụt cân nhờ năng lượng được dự trữ dưới dạng chất béo. Trên thực tế, điều này đã giúp tổ tiên loài người sống sót trong tình trạng khan hiếm thức ăn. Đến nay hiện tượng này vẫn có thể xảy ra, dù hầu hết mọi người đều có thể tiếp cận với thực phẩm.

Mối liên hệ giữa di truyền, béo phì và chỉ số khối cơ thể (BMI) theo thời gian

Đa số các nghiên cứu hiện nay tập trung vào việc làm rõ tại sao gen di truyền gây nên bệnh béo phì. Một nghiên cứu gần đây đã xem xét sâu hơn về mối liên hệ giữa di truyền, béo phì và chỉ số khối cơ thể (BMI) theo thời gian.

Bài viết đăng trên Tạp chí JAMA Cardiology vào tháng 1/2020 đã cho thấy, các nhà nghiên cứu xem xét thông tin của hơn 2500 người trưởng thành từ năm 1985-2010. Sau khi phân loại ADN của những người tham gia thí nghiệm, họ tính toán được khả năng mắc bệnh béo phì ở mỗi người và tiến hành theo dõi chỉ số BMI theo thời gian.

Gen di truyền tác động thế nào tới cân nặng? - Ảnh 2.

Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục thường xuyên có thể ngăn ngừa hiện tượng tăng căn do gen di truyền.

Các chuyên gia nhận thấy, áp dụng lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, tác động tới cân nặng nhiều hơn (52%) so với gen di truyền (14%).

Giáo sư Ayoob cho biết, sở hữu gen gây bệnh béo phì không đồng nghĩa với việc bạn không có khả năng kiểm soát chỉ số BMI. Nói cách khác, lối sống và thói quen ăn uống đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống bệnh béo phì. Đây cũng là yếu tố duy nhất bạn có thể kiểm soát được.

Phải làm gì nếu sở hữu gen di truyền béo phì?

Dù gen có thể tác động tới cân nặng, lối sống hàng ngày, lựa chọn chế độ ăn và cường độ vận động mới là yếu tố chủ yếu kiểm soát chỉ số BMI và bảo vệ sức khỏe tổng thể. Do đó, hãy thay đổi ngay từ bây giờ nếu bạn đang sở hữu lối sống kém lành mạnh. Dư thừa chất béo không chỉ liên quan tới bệnh béo phì mà còn gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bệnh tim mạch và đột quỵ.

Gen di truyền tác động thế nào tới cân nặng? - Ảnh 3.

Các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên tập luyện ít nhất 150 phút mỗi tuần.

Những người sở hữu gen gây bệnh béo phì nên đốt cháy mỡ thừa bằng cách tăng cường trao đổi chất. Robert Herbst, huấn luyện viên thể hình tại Trung tâm Bright Training cho biết, nâng tạ là một trong những biện pháp hiệu quả và dễ dàng nhất để đạt được mục tiêu này.

Hơn nữa, bạn cũng nên kết hợp tập squat, lunge, bench và deadlift với nhau. Tập luyện sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất tăng lên trong 48-72 giờ sau đó, thời điểm cơ thể tiến hành sửa chữa các sợi cơ bị rách khi vận động và tái tạo cơ bắp. Xây dựng càng nhiều cơ bắp thì càng giúp cơ thể đốt cháy calo, ngay cả khi bạn nghỉ ngơi không vận động. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến nghị, người trưởng thành nên thực hiện ít nhất 150 phút tập thể dục với cường độ vừa phải mỗi tuần.

Béo phì xảy ra khi lượng mỡ trong cơ thể vượt quá mức an toàn. Về cơ bản, cơ thể sẽ tích trữ nhiều chất béo khi phần lớn calo hấp thụ trong quá trình ăn uống không được đốt cháy. Do đó, áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh là việc làm cần thiết để tránh mất kiểm soát cân nặng. 

Huấn luyện viên Herbst khuyên, mọi người nên tập trung vào những loại thực phẩm nguyên chất, trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên cám, đồng thời hạn chế dùng đồ ăn vặt chứa nhiều calo như soda, khoai tây chiên, kẹo.

Theo Livestrong

Mai Nhung

Tin mới