(Tổ Quốc) - Nhiều người vẫn thường nghe đến kiểu đa cấp lừa đảo nhưng chưa thực sự hiểu rõ cơ chế hoạt động của mô hình này.
Trong xã hội ngày nay, lợi dụng lòng tin và đánh vào sự tham lam của mọi người mà nhiều kẻ lừa đảo ngang nhiên bày trò cướp đoạt tài sản gián tiếp. Chúng sẽ rót vào tai chị em những lời có cánh, vẽ nên một tương lai xán lạn, nào là nhà lầu, xe hơi, tiền tiêu dư dả... Tất cả đều với chủ đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tất nhiên, việc chiếm hữu tài sản này không chỉ diễn ra trong ít ngày mà là cả một chặng đường dài hơi với quy mô, tổ chức bài bản. Chính những chiêu trò núp bóng chuyên nghiệp càng làm người ta mờ mắt và giao trọn tài sản cho kẻ lừa đảo. Hậu quả là đã có biết bao người rơi cảnh tan cửa nát nhà, trắng tay để rồi ôm mối ngậm ngùi suốt đời.
Mô hình đa cấp Ponzi là cái tên quen thuộc nhất với chúng ta nhưng dường như nhiều người chưa hiểu hình thức này hoạt động ra sao. Bài viết này sẽ cung cấp tới bạn cái nhìn chính xác, cụ thể và dễ hiểu nhất để từ đó chị em tránh khỏi những bước đi sai lầm.
Mô hình Ponzi là gì?
Ponzi là tên của một người nổi tiếng đã áp dụng mô hình này năm 1920 - Charles Ponzi (người Ý). Ngoài ra, thuật ngữ Ponzi cũng xuất hiện trong các tiểu thuyết Martin Chuzzlewit năm 1844 và Little Dorrit năm 1857 của Charles Dickens. Ngoài đời thực, Ponzi lấy được nhiều tiền đến nỗi mô hình này trở nên nổi tiếng toàn nước Mỹ.
Nói một cách nôm na thì Ponzi là hình thức vay tiền của người này để trả nợ cho người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lãi cao đối với người cho vay và quảng cáo về những tấm gương trước đây đã thành công nhờ mô hình này. Vì những lời dụ dỗ ngon ngọt như thế nên người cho vay bị hấp dẫn và thậm chí còn giới thiệu những người cho vay mới hơn. Qua hình thức này, kẻ đi vay ngày càng chiếm được lòng tin của nhiều người và kết quả là vay được những khoản lớn hơn.
Lợi nhuận được vẽ ra trong mô hình Ponzi thường sẽ cao hơn các khoản đầu tư thông thường hoặc lãi suất gửi ngân hàng. Đồng thời, lợi nhuận ấy ngắn hạn hoặc cao bất thường cũng như kéo dài bất thường. Dù tình hình ban đầu như thế nào, việc phải trả lợi nhuận cao đòi hỏi một dòng chảy tiền ngày càng tăng từ các nhà đầu tư mới để duy trì mô hình này.
Ví dụ cụ thể về Ponzi
Giả sử như anh Nguyễn Văn A chơi Ponzi và đang tiếp cận với đối tượng "có tiền đầu tư" là anh B. Anh A vẽ ra kế hoạch đầu tư hứa hẹn lợi tức cao (nhưng thực chất là không có) nhằm mục đích anh B sẽ cho vay đầu tư lãi suất cao.
Không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Văn A còn tiếp tục đi quảng cáo cho nhiều người khác như chị C, chị D, anh G... và lấy tấm gương là anh B đã đầu tư và sinh lời cao. Tất nhiên, anh B lúc này chưa "tỉnh ngộ" nên cũng thường đứng ra để làm tin. Nhận thấy miếng mồi béo bở, chị C, chị D, anh G... tiếp tục cho anh Nguyễn Văn A vay khoản tiền lớn. Ngay sau đó, A đem số tiền mình vừa vay được trả cho anh B để kết thúc giao dịch với anh B.
Bản thân người B sau khi đáp ứng được lời hứa ngắn hạn tiếp tục cho anh A vay những lần sau, đồng thời giới thiệu nhiều người khác tham gia. Quá trình chồng chéo này liên tục diễn ra nhưng không thể kéo dài mãi. Bởi người cho vay không nhiều và rồi thông tin về kẻ chơi trò Ponzi sẽ dần bị lộ. Kết cục của trò này là kẻ chủ mưu sẽ đào thoát mất tung tích, để lại nhiều người cho vay rơi vào cảnh trắng tay vì không đòi lại được tiền.
6 dấu hiệu nhận biết của mô hình Ponzi
Sau khi đã hiểu cách thức hoạt động của Ponzi, chúng ta còn cần nắm được đặc điểm, dấu hiệu của lừa đảo để phòng tránh cho chính bản thân mình. Bao gồm 7 dấu hiệu:
- Cam kết mang lại lợi nhuận cao với ít rủi ro với người cho vay.
- Lợi nhuận ổn định bất kể điều kiện thị trường biến động như thế nào.
- Các hình thức đầu tư không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền uy tín.
- Các hình thức hoặc chiến lược đầu tư của tổ chức đều được gọi là bí mật hoặc được mô tả rất lằng nhằng, phức tạp với nhiều điểm đáng ngờ.
- Người cho vay không được phép xem giấy tờ chính thức về các khoản đầu tư của họ.
- Người cho vay rất khó để rút tiền ra khỏi tổ chức.
Hiện nay, mô hình đa cấp Ponzi còn có thể bị biến tướng dưới nhiều hình thức nhằm lừa đảo đối tượng rộng hơn. Ví dụ như đa cấp giáo dục, đa cấp bảo hiểm. Tức là vẫn có các bên chèo kéo, vẽ ra tương lai tốt nhằm dụ dỗ mọi người mua khóa học, bảo hiểm và hứa hẹn họ sẽ nhận được nhiều lợi ích. Sau đó dùng tiền "đắp chỗ nọ, đập chỗ kia" để đảm bảo uy tín ban đầu. Sau khi lừa được một lượng người, lượng tiền đủ lớn, các đối tượng bắt đầu cao chạy xa bay và để lại với người cho vay là khoản nợ khổng lồ.
Hi vọng sau những thông tin trên, chúng ta sẽ thật cảnh giác cũng như tuyệt đối thận trọng đầu tư với những mô hình không chính thống và thiếu độ xác thực nhé!
Nam Hải