Mít Thái bán giá 8.000- 10.000/kg và SỰ THẬT về vết cắt vạt đầu và bôi chất trắng ai cũng nên biết

(Tổ Quốc) - Nhiều người không dám mua về ăn dù mít Thái đang bán giá rẻ do thấy chúng thường bị cắt đầu, thậm chí còn bôi thứ "thuốc" màu trắng lên chỗ vạt đầu.

Khác với mít ta, mít Thái được bán quanh năm, có vị ngon, giòn, ngọt nên được nhiều người ưa chuộng. Mít không chỉ thơm ngon mà còn rất giàu dinh dưỡng như vitamin A, C và canxi, đồng thời giàu magie, chất sắt, chất chống oxy hoá... Ăn mít có tác dụng giúp da khoẻ mạnh, phòng ngừa bệnh thiếu máu, chống ung thư, giúp xương chắc khoẻ, tăng cường năng lượng.

Hàng năm, mít Thái được bán với giá dao động từ 25-30 nghìn/kg, nhưng năm nay mít được giao bán với giá thành khá rẻ đó là 8-10 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, có không ít người còn khá e dè, thậm chí không dám mua về ăn dù mít đang bán giá rẻ do thấy mít thường bị cắt đầu, thậm chí còn bôi thứ "thuốc" màu trắng lên chỗ vạt đầu, lo lắng loại mít này có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh cho sức khoẻ.

SỰ THẬT về mít Thái bán giá 8 - 10 nghìn/1kg, bị cắt đầu và bôi chất trắng: Liệu có còn an toàn, đảm bảo sức khoẻ để mua về nhà ăn? - Ảnh 1.

Mít Thái bán giá 8 - 10 nghìn/kg, bị cắt đầu và bôi chất trắng liệu có an toàn?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội: Mít Thái là giống mít cho ra năng suất cao, nhưng lại rất dễ bị xơ đen. Do đó khi thu mua, thương lái thường cắt một góc vuông trên đầu mít để thử xem mít có đủ độ già không, múi mít có to và dày không. Quan trọng nhất là kiểm tra xem quả mít có bị xơ đen không, nếu bị xơ đen thì mít thường có múi lép, sượng, không có vị ngọt đặc trưng, nếu mít chất lượng kém thì thương lái sẽ không mua.

Nói về việc chỗ vạt đầu của quả mít có chứa một chất màu trắng. PGS Thịnh cho rằng đó thường là vôi. Bởi vôi cũng thường được bôi vào núm của bưởi, cam, dưa hấu... để hạn chế sự phát triển của vi sinh vật phát triển. Với quả mít Thái, vôi được bôi vào phần vết cắt để tránh nấm bệnh, thối rữa.

mo-thay-mit.jpg

Vôi bôi vào hoa quả thường không độc nếu được sử dụng ở hàm lượng nhỏ, vôi tinh khiết không pha thêm chất gì gây hại.

Trả lời về việc nhiều người có thắc mắc liệu chất màu trắng đó có thể là thuốc kích chín dành cho mít hay không. PGS Thịnh cho rằng điều này khó xảy ra. Bởi việc sử dụng các biện pháp ép chín trái cây hiện nay là có nhưng không phổ biến. Nếu có ép chín thì người trồng cũng thường sử dụng Ethylene (Etilen), có tác dụng kích thích trái cây chín nhanh, nhưng đây là hành động bình thường, không gây hại cho sức khoẻ.

Hơn nữa, việc kích chín mít là điều không hợp lý do quá trình vận chuyển mít từ Trung Quốc về Việt Nam thường mất từ 7-10 ngày, sau đó phải trải qua khâu phân phối nên mít có đủ thời gian để tự chín, việc chín ép sẽ khiến người bán không thể tiêu thụ kịp.

Trả lời câu hỏi về việc có nên mua mít bị cắt góc hay không, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng còn tuỳ thuộc vào nhu cầu và kinh nghiệm mua hàng của người tiêu dùng. Nếu bạn cảm thấy mít ngon, bổ dưỡng, thì có thể mua mít ở những địa chỉ uy tín và có địa chỉ rõ ràng. Còn nếu cảm thấy hoang mang, đắn đo thì có thể lựa chọn loại thực phẩm khác.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, có không ít người vì lợi nhuận mà sử dụng các loại hóa chất để giúp mít được ngọt và có màu vàng hấp dẫn hơn, do đó khi mua mít chúng ta cũng cần chọn những quả có mùi thơm đặc trưng, múi mít màu vàng óng, cùi dày, ngọt bùi...

Những đối tượng nào không nên ăn mít

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, mít dù là loại quả tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cần nhớ rằng không phải ai ăn mít cũng được, thậm chí có một số đối tượng cần phải tránh ăn loại trái cây này.

Đó là:

- Trẻ em, người bị mẫn cảm về da: Ăn mít nhiều sẽ gây ra nóng từ đó dẫn đến các bệnh về da như rôm sảy, nếu không biết cách vệ sinh sạch sẽ thì có thể gây ra hiện tượng mọc mụn, nhọt.

- Người có thân nhiệt cao: Những người bị nóng trong thì không nên ăn nhiều mít vì sẽ gây ra cảm giác bức xúc, khó chịu…

unnamed.jpg

- Bệnh nhân tiểu đường: Nhóm người tiểu đường cũng không nên ăn mít vì trong loại quả này có chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza. Khi ăn vào sẽ dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng.

- Béo phì: Đối tượng béo phì có khả năng tổng hợp đường thành mỡ rất nhanh, nếu ăn nhiều loại quả chứa đường như mít sẽ gây ra tình trạng tích mỡ trong bụng khiến mạch máu lưu thông kém.

- Bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu cao: Vì mít có chứa lượng đường rất cao nên không hề tốt cho gan, thậm chí còn gây nóng trong người. Những bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu nên cẩn thận khi ăn loại quả khó tiêu, nhiều năng lượng như mít.

Đậu Đậu

Tin mới