(Tổ Quốc) - Việc antifan Hương Giang Idol dùng “deadname” của cô để miệt thị đang tạo nên những phản ứng trái chiều từ cả hai phía. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện của một cá nhân tiềm ẩn nguy cơ của một trào lưu miệt thị mới nhằm vào những người chuyển giới.
Trong cộng đồng LGBTI , nhóm người chuyển giới (Thuật ngữ: Transgendered) thường phải chịu nhiều định kiến hơn các nhóm khác. Theo một báo cáo của Viện iSEE vào năm 2015, nhóm người chuyển giới nữ có tỷ lệ bị phân biệt đối xử cao gần gấp rưỡi tỷ lệ chung. Việc chính phủ “mở đường” bằng việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính theo Bộ luật dân sự sửa đổi 2015 là một tín hiệu tích cực với cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam. 5 năm trở lại đây, cái nhìn với người chuyển giới trong xã hội đã phần nào thoải mái hơn, tạo điều kiện để nhiều người chuyển giới sẵn sàng công khai bản dạng giới của bản thân.
Tuy nhiên, người chuyển giới vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức, đặc biệt là định kiến xã hội. Những nỗ lực thay đổi trên có thể bị dập tắt nếu một làn sóng kỳ thị người chuyển giới xuất hiện hoặc một hình thức định kiến, kỳ thị người chuyển giới được bình thường hóa dù xuất phát từ một câu chuyện cá nhân.
Lùm xùm của ca sĩ Hương Giang và cộng đồng antifan có thể đẩy thành một câu chuyện ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam nếu không có sự rạch ròi giữa việc “không thích Hương Giang” và “không thích Hương Giang như một người chuyển giới và tấn công Hương Giang bằng những vấn đề liên quan tới giới”. Việc antifan đưa ra những chỉ trích, miệt thị về bản dạng giới của Hương Giang có thể tạo tiền đề cho một hình thức định kiến, lăng mạ mới.
Ở đây, chúng tôi muốn nói về “deadname”.
Deadname là gì?
Hiểu theo nghĩa đen, deadname là “cái tên đã chết”. Với cộng đồng người chuyển giới, đây thường là tên khai sinh của họ trước khi định giới, trong trường hợp họ đã thay đổi tên và muốn gọi bằng tên mới. Thông thường, deadname là cái tên mà người chuyển giới không muốn sử dụng. Chính vì vậy, khi nói chuyện với một người chuyển giới, đối tượng giao tiếp vẫn được khuyên nên hỏi họ về cái tên mà họ mong muốn sử dụng.
Deadname có thể được xác định thông qua hai hình thức chính: Qua ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết (trên các giấy tờ). Trong khía cạnh giao tiếp, deadname có thể được hạn chế đơn giản khi bạn chỉ cần gọi một người chuyển giới bằng tên mới của họ. Trên khía cạnh giấy tờ sẽ có sự phức tạp nhất định khi tại Việt Nam, luật chuyển giới vẫn chưa được hoàn thiện với các thông tư hướng dẫn về việc thực hiện đổi tên trên giấy tờ hành chính. Tuy nhiên, trong những loại giấy tờ không cần có sự đảm bảo cao về mặt pháp lý, người chuyển giới vẫn mong muốn được ghi, xác nhận bằng tên mới của mình.
“Deadnaming” khi chuyển nghĩa như một động từ được hiểu là hình thức gọi tên người khác bằng deadname, ban đầu thường do nhầm lẫn và thói quen từ trước đó. Tuy nhiên, trong câu chuyện của Hương Giang và một vài người chuyển giới khác tại Việt Nam, deadname đã mang màu sắc tiêu cực hơn, biểu hiện thái độ định kiến, hành vi miệt thị và phản đối một người chuyển giới. Deadname ở mức độ nhầm lẫn hay thói quen đã gây ra những vấn đề cho người chuyển giới. Khi được sử dụng như vũ khí để công kích một cá nhân và dần dần là một con người, nó có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.
Hương Giang và khởi nguồn câu chuyện deadname
Hương Giang là một trong những nạn nhân mới nhất bị deadname trên mạng xã hội, xuất phát từ một cộng đồng antifan trên Facebook. Deadname là một trong những cách cộng đồng antifan của Hương Giang đang sử dụng, bên cạnh nhiều hình thức định kiến khác. Tuy nhiên, nếu như các hình thức khác thể hiện thái độ với riêng Hương Giang trên khía cạnh thích/không thích thì deadname đang dấy lên những vấn đề của một cộng đồng. Tấn công vào nỗi đau của một cá nhân và dần dần mở rộng sang cả cộng đồng người chuyển giới không chỉ dẫn đến nguy cơ gia tăng định kiến với người chuyển giới nói chung mà còn mở rộng khoảng cách, đối chọi giữa những người chuyển giới và hợp giới.
Trong nhiều lý do được antifan công khai chia sẻ trên mạng xã hội, nguồn cơn của deadname bắt đầu từ việc Hương Giang, không biết vô tình hay cố ý, đã deadname Lâm Khánh Chi mà không có biểu hiện nhận mình sai hay mong muốn sửa chữa. Đây được coi là khởi nguồn cho sự giận dữ của các antifan, bên cạnh những định kiến trước nay đã có với Hương Giang. Thứ nhất, Khánh Chi là một người “đàn chị” của Hương Giang và cũng có tiếng trong cộng đồng chuyển giới tại Việt Nam. Thứ hai, bản thân Hương Giang và Khánh Chi đều là người chuyển giới; Hương Giang phải hiểu rõ deadname sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực gì. Thứ ba, đây là trên một sân khấu truyền hình, không phải cuộc nói chuyện thông thường để cho phép sự xuồng xã tới khiếm nhã.
Hương Giang sai là một vấn đề không thể phủ nhận. Phản ứng của dư luận sau đó khá giống như cách đây vài năm, khi vô tình Hương Giang đã xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân và nhận lại sự tấn công của nhiều người dùng mạng xã hội nhắm vào vấn đề giới. Dù vẫn chưa lên tiếng nhiều về câu chuyện trên gameshow truyền hình đó, Hương Giang lại đang trở thành nạn nhân mới nhất bị deadname trong nhiều trang, nhóm cộng đồng Facebook.
Như nhiều người chia sẻ, hai cái sai không thể trở thành một cái đúng. Việc Hương Giang sai và việc cộng đồng tiếp tục “ăn miếng trả miếng” không khiến tình hình trở nên tốt đẹp hay xã hội sẽ tử tế hơn. Ngược lại, câu chuyện cá nhân của Hương Giang nhưng giờ đây không phải chỉ mình Hương Giang phải chịu những tấn công từ antifan khi nhiều lời miệt thị nhắm vào người chuyển giới, khơi lại vấn đề của một cộng đồng và những nỗi đau nhiều người muốn chôn vùi cùng deadname.
Deadname và nỗi đau của cộng đồng người chuyển giới
Bạn có tự hỏi, deadname sẽ gây ảnh hưởng như thế nào tới một con người, và đặc biệt là người chuyển giới?
Ở mức cơ bản, gọi ai đó bằng deadname là một hành động không lịch sự. Việc chúng ta từ chối sử dụng tên một người mong muốn biểu hiện sự thiếu tôn trọng. Nó là chỉ dấu về việc đối phương không coi trọng những điều một người nói hay con người họ mong muốn được nhìn nhận.
Ở mức độ tiếp theo, deadname thường gợi lại những quãng thời gian khó khăn nhiều người không muốn đề cập - hoặc không muốn được đề cập bằng sự thiếu tôn trọng. Thay đổi sang một cái tên mới không chỉ đơn giản là việc thích hay không thích; với nhiều người chuyển giới là cách để họ bước sang trang mới của cuộc đời. Để có thể có cuộc sống như hiện tại, nhiều người chuyển giới (có can thiệp phẫu thuật y học) phải đánh đổi rất nhiều, chấp nhận những nỗi đau và vượt qua định kiến từ gia đình, xã hội. Không một người chuyển giới nào muốn quãng thời gian đó bị coi nhẹ hay đem ra làm trò giễu cợt.
Trong một nghiên cứu trên tạp chí sức khỏe người trưởng thành năm 2018, việc gọi một người bằng tên mới, thay vì deadname, có thể giúp giảm 29% ý định tự tử và giảm 56% hành vi tự tử của người chuyển giới. Rõ ràng, khi bị deadname trong một thời gian dài, những người chuyển giới có khả năng gặp phải các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, khủng hoảng khi họ vẫn bị gạt ra bên lề xã hội.
Deadname không chỉ là một cái tên, đó là cách bạn đang phủ nhận sự tồn tại của người chuyển giới, hằn sâu những định kiến và lề hóa một con người.
Khi nhìn rộng sang cả cộng đồng người chuyển giới, deadname có thể gây ảnh hưởng ở nhiều mặt.
Thứ nhất, deadnaming trước kia thường là sự nhầm lẫn hay không chủ ý, xảy ra ở vài cá nhân thì giờ đây nó đang trở thành một trào lưu. Khi deadnaming trở thành một trào lưu, nó khắc sâu định kiến phủ nhận người chuyển giới trong đầu những người kỳ thị cũng như bình thường hóa việc miệt thị một người chuyển giới bằng deadname, trở thành một tiền lệ xấu.
Thứ hai, khi antifan nói rằng đây chỉ là một trò đùa vui hoặc chỉ muốn sử dụng lên Hương Giang, họ cũng đã vô tình đóng khung việc deadnaming như một sự đùa cợt. Như vậy, deadname không còn được coi trọng và nhìn nhận nghiêm túc như một vấn đề thực sự cần được cân nhắc.
Thứ ba, Hương Giang từng là một biểu tượng cho nhiều người chuyển giới để luôn nỗ lực phấn đấu. Antifan có thể nhìn nhận Hương Giang với nhiều điểm tiêu cực nhưng không thể phủ nhận cô đã vươn lên mạnh mẽ trong suốt nhiều năm qua. Khi chứng kiến một người như Hương Giang vấp phải sự miệt thị từ cộng đồng, nhiều người chuyển giới có tự hỏi rằng: Liệu dù có thành công, nổi tiếng, có vượt qua được những khó khăn, một ngày kia nếu bạn không vừa lòng những người xung quanh, họ vẫn sẽ lôi câu chuyện giới tính và quá khứ ra để tấn công bạn?
Và quan trọng hơn, chúng ta có thể nói rằng định kiến với người chuyển giới - transphobia, có thực sự đã được cải thiện trong những năm qua tại Việt Nam không hay người ta chỉ không dám lên tiếng phản đối, chờ có một cộng đồng đến hơn 100.000 antifan xuất hiện rồi mới trút hết những lời lẽ miệt thị vào đó?
Rất khó để có thể khẳng định điều này. Nhưng rõ ràng, những lời công kích với người chuyển giới từ câu chuyện Hương Giang là có thật. Sự phủ nhận, châm chọc, miệt thị người chuyển giới là có thật. Từ câu chuyện một cá nhân, những tranh luận xoay quanh cả một cộng đồng như “thế nào là một phụ nữ thực sự”, “người chuyển giới đâu phải phụ nữ, sao lại đi dạy người khác cách làm phụ nữ” lại gây rúng động cộng đồng, chủ yếu là buồn chứ nào có thấy vui.
Có những nỗi đau không phải riêng một cá nhân phải gánh. Chuyện của Hương Giang ngày hôm nay vẫn là câu chuyện của cá nhân nhưng chỉ cần “thêm một chút” nữa thôi sẽ trở thành nỗi buồn của nhiều hơn một người. Tôi nhớ tới câu nói của một ngôi sao truyền hình, một người chuyển giới, cô Caitlyn Jenner.
“Đây không phải vấn đề của một cá nhân, đó là vấn đề của hàng nghìn người. Nó không chỉ về riêng tôi, đó là việc tất cả chúng ta học cách chấp nhận người khác. Vì chúng ta, ai cũng đặc biệt”.
Minh Đức