(Tổ Quốc) - Nhờ chuẩn bị kiến thức kĩ lưỡng nên chị Trà My chỉ mất đúng 1 tuần là luyện ngủ cho con thành công.
Chăm con nhỏ là một hành trình vất vả và nhiều gian nan, nhất là khi các bé sơ sinh hầu như chẳng đêm nào ngủ trọn vẹn giấc. Có những bé đêm nào cũng tỉnh giấc đến gần chục lần và khóc đòi bú - điều này khiến các bà mẹ rất đau đầu và mệt mỏi. Chị Lê Trà My (sống tại Hà Nội) cũng rơi vào trường hợp như thế, khi con gái chị, bé Gold cũng hay tỉnh giấc giữa đêm vào khóc rất nhiều.
Chia sẻ về điều này, chị My cho biết, nếu như 2 tuần đầu con chị ngủ rất ngoan thì sang đến tuần thứ 3 bé bắt đầu ngủ không sâu giấc, cứ tỉnh là khóc. Dù bé đã bú xong nhưng cứ thiu thiu ngủ được 30-45 phút là lại thức, điều này khiến chị My đuối sức vô cùng.
"Bé Gold cho mẹ hưởng "tuần trăng mật" được 2 tuần đầu tiên, lúc đấy con chỉ ti xong rồi ngủ, nên mình nghĩ: "Con mình chắc cũng thuộc dạng em bé thiên thần, nuôi thế này nhàn quá!". Thế nhưng bước sang tuần thứ 3, Gold bắt đầu ngủ không được sâu giấc, cứ dậy rồi khóc. Mình cho bú xong thì bé thiu thiu ngủ được 30-45 phút sau lại dậy, bế lên đặt xuống, dỗ ngủ rồi cho ti nhưng con vẫn khóc mà không thể ngủ được. Cả đêm cứ như thế 4, 5 lần khiến mình đuối quá, nên quyết định cho con đi "bộ đội" luôn", chị My tâm sự.
May mắn được gia đình chồng ủng hộ, nên khi bé Gold được 3 tuần tuổi, chị My đã quyết định luyện ngủ cho con. Sau khi đọc thật kĩ các sách cũng như tham khảo nhiều diễn đàn, chị quyết định rèn cho con theo nếp sinh hoạt easy và dùng nút chờ để luyện ngủ:
"Những ngày đầu tiên mình không quá đặt nặng việc cho bé theo easy. Mình nghỉ ngơi ăn uống đủ chất, tư tưởng thoải mái để cho sữa về. Để bé có thể theo EASY thành công, mẹ phải đủ sữa. Con ăn no sẽ ngủ ngon và dài giấc hơn.
Thời gian đầu cho con tự ngủ, con khóc rất nhiều, nhưng nút chờ chính là cách giúp con học cách tự ngủ. Mình áp dụng nút chờ theo tháng tuổi của con, khi con được 3 tuần, mình áp dụng nút chờ 3 phút dần dần tăng lên 5 phút, 10 phút. Con không tự ngủ được và khóc, mình đợi 3 phút rồi mới vào hỗ trợ con bằng cách vỗ hoặc dùng ti giả.
Có những lần chưa hết 3 phút con đã tự ngủ được rồi, và đến bây giờ hầu như mình không cần phải hỗ trợ gì nhiều. Nắm được tín hiệu ngủ của con, xem thời gian thức tối ưu cho từng độ tuổi, quấn con lại là con tự ngủ ngon lành rồi".
2 tuần đầu tiên khi mới sinh ra bé Gold ngủ rất ngoan.
Chị My cũng cho biết thêm, 2 ngày đầu khi áp dụng phương pháp trên thì bé Gold ngủ rất ngoan, nhưng đến ngày thứ 3 thì bé có đôi chút "phản kháng". Điều này lúc đầu khiến chị rất lo lắng, nhưng sau đó chị đã đọc kĩ lại sách để tìm ra nguyên nhân, cách khắc phục. Hiện giờ bé Gold đã được 10 tuần tuổi, có thể tự ngủ và chuyển giấc "mượt mà":
"Ngày thứ 3 mình khá lo lắng, không hiểu đã làm sai ở đâu? Sao quấn con mà con cứ cựa quậy, nhăn nhó khó chịu thế? Vì con không thích quấn hay con khó chịu thật? Sao mình đặt xuống con khóc nhiều thế? Rồi không chịu ngậm ti giả nữa. Càng hoang mang mình càng đọc sách và cũng tìm ra được nguyên do cũng như cách khắc phục dần dần.
Các bước mình luyện ngủ cho con theo trình tự:
1. Tạo thủ tục ngủ: Ăn no, vỗ ợ hơi kĩ, chơi vui vẻ.
2. Đến giờ kéo rèm đưa con vào môi trường ngủ, quấn bé lại, bật tiếng ồn trắng.
3. Bế vác thư giãn.
4. Đặt xuống khi con đã buồn ngủ nhưng chưa ngủ.
Những ngày đầu, con mất 10 phút để vào giấc, đến bây giờ con có thể tự ngủ chỉ trong vòng 1 phút. Đặt xuống là nhắm mặt lại ngủ liền".
Giờ bé Gold đã hơn 2 tháng tuổi và có thể tự ngủ ngon lành.
Video quay lại cảnh bé Gold tự ngủ chưa đến 1 phút.
Bước cuối cùng trong việc luyện ngủ cho con, đó là cắt ti đêm, chị My cũng chia sẻ rằng chị vẫn cho con ăn theo nhu cầu. Nhưng vì bé Gold do đã được mẹ dạy phân biệt ngày/đêm, nên dù có tỉnh dậy để ti đêm thì bé cũng nhanh chóng ngủ lại ngay:
"Theo mình được biết, chỉ nên cai ti đêm cho con khi con được ít nhất 5kg. Con mình nhẹ cân hơn so với các bạn nên mình chưa cai ti đêm. Mình cho con ăn theo nhu cầu, khi nào con dậy mình sẽ cho con ăn, ăn xong con tự ngủ lại.
Mình giúp con phân biệt ngày đêm từ những ngày đầu sơ sinh. Ban ngày, ngủ dậy là bật nhạc inh ỏi, kéo rèm thật sáng, thay bỉm, rửa mặt sạch sẽ. Đêm con có đi vệ sinh cũng chiếu đèn pin để thay một cách nhanh chóng, không nói chuyện, không nhìn mặt con. Trộm vía, đêm dậy bú mà con có tỉnh táo đến mấy, thì ăn xong mình sẽ bế thư giãn cho con 1 chút và thả xuống cũi là con lại ngủ ngon lành".
Sau quá trình luyện ngủ cho con, chị My cũng không quên nhắn nhủ đến các mẹ khác giữ vững tinh thần và đừng sớm bỏ cuộc, vì tự ngủ chính là nhu cầu và bản năng của con:
"Theo kinh nghiệm của mình, các mẹ nên giữ vững tinh thần thật tốt. Hãy bỏ ngay những suy nghĩ kiểu như: Con nằm 1 mình như thế tội con không tình cảm, con khóc mặc kệ con như thế con tổn thương....
Việc con có thể tự ngủ được đó là nhu cầu và bản năng của con. Nếu con không tự làm được điều đấy, chẳng phải mình coi con là 1 sinh vật vô vọng và yếu đuối sao? Con chỉ có một lần để lớn, hãy làm tất cả vì sự phát triển tốt nhất của con. Chặng đường phía trước còn dài, các mẹ cùng nhau cố gắng nhé!".
NT