(Tổ Quốc) - Trong một lần lên nhà chị Hào chơi, đêm chị em ngủ cùng nhau, chị Hào thủ thỉ: "Anh Tố Hữu thương em đấy, em thấy thế nào"...
Tình yêu đến sau 2 lần mai mối
Với những cuộc hôn nhân thời chiến, đôi khi nó đến theo cách thức người ta cũng chẳng thể tưởng tượng được. Với nhà thơ Tố Hữu và vợ mình - bà Vũ Thị Thanh. Họ nên duyên nhờ hai lần mai mối.
Được biết hồi 16 tuổi, nhà thơ Tố Hữu đã có mối tình đầu với một cô gái xinh đẹp. Tuy nhiên, 2 tháng sau, ông bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, cô gái đã đi lấy chồng.
Sau này, chị Thái - Tỉnh ủy viên Thanh Hóa thấy Tố Hữu đến tuổi nhưng không lấy vợ thì hỏi đến. Ông bật cười nhờ chị Thái giới thiệu giùm mình.
"Giá anh ra được Thanh Hóa thì hay quá. Ngoài ấy có mấy cô chưa chồng. Tôi thấy cô Thanh, nữ sinh Đồng Khánh, Huế hợp với anh hơn cả. Cô ấy vừa xinh, vừa ngoan lại say sưa hoạt động cách mạng", chị Thái nói.
Đây là lần đầu tiên chị Thái ngỏ ý mai mối Tố Hữu với cô nữ sinh Đồng Khánh tên Thanh. Lúc đó ông cũng vui vẻ nhận lời: "Khi nào có dịp ra Thanh Hóa, các chị giúp tôi với nhé".
Đó là thời điểm vừa khởi nghĩa thành công, sợ vướng vợ con ảnh hưởng công tác nên nhà thơ chưa nghĩ đến.
Sau này, ông được điều động về Thanh Hóa làm Bí thư Tỉnh ủy lần thứ 2. Cô Thanh khi đó làm cán bộ phụ nữ cứu quốc được 1 năm thì được điều về huyện. Thời gian đó, họ gặp nhau, nhà thơ Tố Hữu bắt đầu để ý đến bà Thanh. Ông cũng biết rõ đây là "cô Thanh" mà chị Thái giới thiệu từ trước.
Vì ngại nên ông nhờ chị Hào - một cán bộ, làm mai giúp mình. Chị Hào sẽ hỏi dò trước xem ý Thanh thế nào.
Trong một lần lên nhà chị Hào chơi, đêm chị em ngủ cùng nhau, chị Hào thủ thỉ: "Anh Tố Hữu thương em đấy, em thấy thế nào". Khi đó cô Thanh ngại vì nghe nói có một chị cán bộ tỉnh rất yêu ông Tố Hữu. Cô không hề muốn làm kẻ thứ ba xen vào nên nói rằng để mình suy nghĩ.
Một thời gian sau, nhà thơ Tố Hữu giục chị Hào hỏi ý kiến cô Thanh. Chị Hào đã sắp xếp để hai người có một cuộc hẹn gặp.
Tại đây, nhà thơ Tố Hữu thẳng thắn nói rằng mình thương cô Thanh. Cô hỏi ngược lại: "Trong tỉnh có người thương anh, sao anh còn hỏi tôi". Ông thanh minh: "Chị ấy thương tôi nhưng chỉ từ một phía".
Nghe thấy thế, cô Thanh tin ngay nhưng chỉ đáp "Vâng". Sau đó nhà thơ Tố Hữu nắm lấy tay cô Thanh, chuyện tình của cả hai chính thức bắt đầu từ đó.
Những ngày ấy vì đã chính thức yêu nhau nên cứ đến cuối tuần, nhà thơ Tố Hữu lại đạp xe về huyện thăm người yêu.
Đến tháng 8/1947, nhà thơ được điều lên Việt Bắc làm công tác tuyên truyền. Đó cũng chính là bước ngoặt để ông tính đến chuyện đám cưới.
Mẹ vợ tuyệt thực và đêm tân hôn có 1-0-2
Thời điểm ấy, cô Thanh mới 19 tuổi, đang muốn phấn đấu hơn nữa. Vả lại, cô nghĩ mình còn non dại nên chưa từng tính chuyện cưới xin. Nhưng Tố Hữu muốn cưới để cùng nhau lên Việt Bắc. Cuối cùng, họ cùng quyết định xin phép Tỉnh ủy để làm đám cưới.
Tuy nhiên, khi đó mẹ cô Thanh rất bất ngờ vì lâu nay con vẫn giấu, không hề biết chuyện con đã yêu. Bà hỏi tỉ mỉ về nhà thơ Tố Hữu rồi bày tỏ nỗi lo lắng: "Mẹ lo cho con lấy chồng xa, anh ấy lại bận việc đi suốt. Mẹ sợ con vất vả".
Khi ấy, bà đã "nhắm" cho cô Thanh một anh cán bộ huyện cùng quê, sợ con lấy chồng xa như thế "trước là mất giỗ sau là mất con".
Khi ấy, cô Thanh có bao người giàu có đến hỏi lại không ưng mà đi ưng cái anh ở đẩu ở đâu đến hỏi cưới. Cưới xong hai đứa lại đem nhau đi luôn. Bà không đồng ý và tuyệt thực.
Khi đó, cô Thanh phải nhờ chị Nghiên là người có uy tín trong họ, cùng hoạt động cách mạng đến thuyết phục mãi bà mới đồng ý.
Hôn lễ được tổ chức ở nhà ông cậu của cô Thanh và làm rất đơn giản vào đầu tháng 8/1947. Tỉnh ủy cho tiền để họ làm 2 mâm cơm. Cơm đã làm xong, nhiều khách khứa ở tỉnh về từ sáng nhưng chờ mãi không thấy chú rể. Cô dâu rất suốt ruột, không thấy nhà thơ Tố Hữu và họ nhà trai ở đâu cả.
Gần trưa có một cậu bé chạy về báo có hai người lạ đèo nhau bằng xe đạp, đang gột quần áo ở cầu ao. Hóa ra, chú rể đã đạp xe đèo ông Lê Quang Trường khi đó là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Hoằng Hóa để làm đại diện nhà trai.
Cơm nước xong xuôi, đôi vợ chồng mới cưới đang nói chuyện thì mẹ cô dâu sai đứa em lên gọi: "Mẹ bảo chị Thanh xuống nhà ngủ với mẹ". Vậy là đêm tân hôn, chú rể ngủ một mình ở chiếc phản gỗ, cô dâu ngủ với mẹ đẻ.
Sau khi kết hôn, họ về cơ quan ngay để còn thu xếp lên Việt Bắc.
Cuộc hôn nhân của họ kéo dài suốt 55 năm cho đến khi nhà thơ Tố Hữu trút hơi thở cuối cùng vào ngày 9/2/2002.
Tổng hợp
Ca Ca