(Tổ Quốc) - Những khoảnh khắc này sẽ trở thành kỷ niệm khó quên đối với những đứa trẻ.
Với những gia đình không có cơ hội trở về quê hương do dịch bệnh, họ cũng có cách đón Tết cổ truyền thật đáng nhớ! Tết là khoảng thời gian để những người con, người cháu trở về quê hương sum họp, quây quần bên gia đình, người thân.
Thế nhưng năm nay do dịch bệnh mà không ít gia đình đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài không thể trở về quê ăn Tết. Buồn có, trăn trở có, nhưng trong họ luôn nhớ đến quê nhà và cách những người con xa quê đón Tết cũng vô cùng đặc biệt.
Chị Tôn Thị Minh Thư (29 tuổi) hiện đang sống cùng chồng và con trai hơn 2 tuổi tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản cũng đã đón một cái Tết Việt Nam theo cách rất riêng. Hiện tại chị Thư và ông xã đã sống tại Nhật được khoảng 5 năm và đón 4 cái Tết tại đất khách quê người.
Dù không ở Việt Nam nhưng hai vợ chồng vẫn sắm sửa đón Tết theo truyền thống mỗi năm. Hiện tại chị Thư và ông xã đều là sinh viên (chồng là Nghiên cứu sinh tiến sĩ, vợ đang học thạc sĩ) nên rất bận rộn, không có thời gian nhưng cả hai vẫn quyết định sẽ cố gắng làm một cái Tết Việt thật trọn vẹn.
"Tết đầu tiên chưa có em bé nhưng 2 vợ chồng mình vẫn gói bánh chưng và làm cỗ, cái Tết tiếp theo mình về nhà đón thành viên mới. Tết năm nay là 2 cái Tết liên tục không về ăn tết ở Việt Nam. Cảm giác không được quây quần bên gia đình những ngày giáp Tết, không được chia vui cùng nhau thấy rất trống vắng, có chút tủi thân.
Bên Nhật không ăn Tết âm nên vào ngày mùng 1 mọi người vẫn đi làm bình thường, năm nay mình quyết định nghỉ ở nhà cùng chồng và con để có cái Tết trọn vẹn, nhà mình sẽ thắp hương vào sáng mùng 1, cả nhà mừng tuổi nhau, gọi điện về chúc tết gia đình và họ hàng, buổi chiều nhà mình đi chùa", chị Thư tâm sự.
Những chiếc bánh chưng ngon lành ra đời.
Dù không được ăn uống cùng gia đình nhưng chị Thư cùng ông xã đã rủ thêm một số bạn bè là người Việt xa quê và đang sinh sống tại Nhật cùng nhau có buổi liên hoan nhỏ và ấm cúng. Mục đích là để các em bé có kỷ niệm về ngày Tết.
"Mâm cơm tất niên của nhà mình có gà luộc, bên Nhật những năm trước khó mua gà nguyên con nên mình luộc đùi gà, năm nay mình có bằng lái xe, đã tìm ra được siêu thị bán gà nguyên con. Về xôi, những năm trước mình sẽ đồ xôi gấc, nhưng năm nay bận quá nên không kịp đặt mua, mình đã xay cà rốt lấy nước đó đồ xôi, nên xôi nhà có màu cam.
Bên cạnh đó có giò lụa của chị bạn hàng xóm khéo tay làm tặng, bạn chồng giúp mình làm đĩa nem rán, bánh chưng, mâm ngũ quả, ngoài ra lúc ăn cỗ sẽ nấu thêm 1 nồi miến dong. Các nguyên liệu như lá dong thì mình sẽ đặt mua ở quán của người Việt Nam bán, còn lại mua ở siêu thị Nhật. Nói chung có xe ô tô nên mình tiết kiệm được thời gian mang cả siêu thị về nhà", bà mẹ 1 con tâm sự thêm.
Chia sẻ thêm về cái Tết xa quê của con trai nhỏ, chị Thư cho biết hầu như các con ở lứa tuổi này chưa hiểu rõ Tết là gì nhưng theo quan điểm của hai vợ chồng chị thì khi thấy bố mẹ làm như vậy con cũng sẽ cảm nhận được phần nào: "Các bé cũng háo hức gói bánh chưng cùng nhau, mặc dù dịch bệnh nhưng chúng mình cũng tổ chức gói bánh cho các cháu, mình còn gói thêm bánh chưng mini để kích thích sự hứng thú của các bạn nhỏ nữa".
Dẫu có phải ăn Tết xa quê hương nhưng một mâm cỗ nhỏ xinh để luôn nhớ về nguồn cội, được quây quần bên những gia đình và các em bé nhỏ cũng khiến Tết của những gia đình xa xứ trở nên thật đặc biệt và đáng nhớ.
San San