(Tổ Quốc) - Người suy nghĩ tích cực luôn tìm cách vượt qua những khó khăn trong đời thay vì bỏ cuộc. Chúng ta có muốn con lớn lên trở thành người lớn tích cực và hạnh phúc?
Nếu ai đó nghĩ rằng ''vì là trẻ con mà nên không biết gì đâu'' thì quả thật đó là lối suy nghĩ sai lầm. Mỗi đứa trẻ có một cá tính riêng biệt và tính cách của chúng được hình thành một phần từ bố mẹ và những người xung quanh. Bởi vậy mà mỗi câu nói với con thời thơ ấu có mang tính xây dựng, tin tưởng cho con hay là mối nguy hại khiến con mất đi tư duy tích cực và mang nỗi sợ suốt cuộc đời. Con sẽ nhìn nhận vấn đề đơn giản hay phức tạp, có dám đương đầu và chấp nhận rủi ro hay có trở thành người hạnh phúc thật sự khi trưởng thành?
Mới đây, chị Hà My (nickname Ihara Hà My, sống tại Nhật Bản, hiện đang làm giáo viên mầm non ở Nhật - admin nhóm "Dạy con không đòn roi") đã chia sẻ câu chuyện của con gái khiến nhiều bậc phụ huynh cũng phải suy nghĩ.
''Chuyện là chủ nhật vừa rồi vì công việc nên chồng đưa các con ra ngoài chơi để tôi được yên tĩnh ở nhà một mình. Chiều về thì cô con gái 3 tuổi bị ốm, ho sốt. Cả đêm không ngủ được vì con nôn liên tục, hai vợ chồng người thay ga đệm người vệ sinh cho con hết lượt này đến lượt khác. Đến khi quá mệt mỏi, tôi buột miệng nói: ''Hôm nay con đã ra ngoài chơi không mặc áo ấm phải không? Con bị ốm rồi đó thấy không?''.
Chồng tôi tuy không hiểu tiếng Việt nhưng có lẽ hiểu được qua âm giọng và gương mặt, anh nói: ''không phải là em đang than phiền đấy chứ? Con nó đã chịu đựng đủ rồi. Con mới là người vất vả nhất mà... Đừng làm con tổn thương và có cảm giác tiêu cực về việc ốm như vậy''.
Tôi giật mình nhận ra, tôi đã nói với con một cách vô thức bởi trong tiềm thức của tôi cũng được nghe những lời như thế khi còn nhỏ. Tôi rất sợ ốm. Có một giấc mơ mà tôi cứ mơ đi mơ lại cho đến tận bây giờ. Khi bị ốm, chúng ta cần sự quan tâm và yêu thương. Hình ảnh được yêu thương săn sóc sẽ ghi vào não bộ và tiềm thức của đứa trẻ suốt cuộc đời. Nhưng nếu đó là cảm xúc tiêu cực thì sẽ là nỗi sợ hãi mang theo suốt đời. Giống như tôi.
Sáng hôm sau tôi đưa con đi viện. Vì ngày đầu tuần nên khá đông người, chúng tôi phải đợi thật lâu. Con gái tôi đã rất mệt sau một đêm mất ngủ và thiếp đi trong vòng tay mẹ. Rồi tôi cũng gục đầu trên lưng con ngủ lúc nào không biết. Cô bé thức dậy lấy tay vuốt tóc mẹ khiến tôi giật mình. Con nói: ''Bác sĩ lâu quá mẹ ha? Vì đợi lâu nên mẹ mệt hả mẹ?''
Nghe con nói mà tôi thật sự xấu hổ. Cô bé 3 tuổi đã biết yêu thương mẹ như thế? Con đã thật tử tế. Còn tôi thì sao? Tối qua mẹ nó đã nói những gì?. Có những lúc tôi đã là một bà mẹ tiêu cực như thế'', chị Hà My tâm sự.
Bà mẹ 3 con cho biết khi nói chuyện với các con, người lớn cần cẩn trọng. Đôi khi những lời nói cửa miệng tưởng chừng như đơn giản lại phản tác dụng đối với bé: ''Có thể chúng ta muốn con hiểu hay dạy con thứ gì đó, nhưng thực sự những câu nói ấy có cần thiết hay không? Đúng thời điểm không? Hay nó chỉ là những mong cầu của ba mẹ mà vô hình trung tước đi sự khỏe mạnh tâm hồn của trẻ. Con có thật sự hạnh phúc khi nghe điều đó?''.
6 câu nói vô tình làm tổn thương con
Chị Hà My đã nêu ra 6 câu nói cửa miệng mà bố mẹ Việt vẫn hay nói với con.
1. Đừng khóc. Có gì mà khóc.
2. Con lại làm hư rồi? Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi hả?
3. Con ăn nhiều bánh kẹo nên đau bụng rồi thấy không?
4. Vì con lười nên mới thế.
5. Con lại đi giữa trời nắng nữa à? Mặt đen như mặt ma ấy... Mẹ đã bảo rồi mà không nghe à?
6. Sao nghịch thế hả con? Bẩn hết quần áo rồi kìa.
Theo quan điểm của bà mẹ 3 con, thay vì nói những câu trên, con bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và được quan tâm hơn nếu như bố mẹ nói:
- Thay cho câu 1: Thật khó chịu phải không con? Con đã cố gắng chịu đựng rồi phải không?
- Lời nói tin tưởng cho câu 2: Chà chà, rắc rối rồi đây. Chúng ta cùng nghĩ cách giải quyết nhé!
- Thay cho câu 3: Có vẻ nghiêm trọng rồi. Sẽ vất vả lắm đây.
- Thay cho câu 4: Hôm sau cố gắng thêm một chút nữa xem thế nào nhé con.
- Thay cho câu 5 và 6: Có vẻ như con đã chơi rất vui vẻ phải không?
''Sự chê trách thường xuyên và những lời nói không mang tính xây dựng là nguyên nhân làm con mất đi sự tự tin và tinh thần tích cực trong cuộc sống. Nó cũng là nguyên nhân làm cho con có cảm giác e ngại trước các quyết định của mình. Sợ sai. Sợ phạt. Và không dám làm vì nỗi sợ. Ngay cả các quyết định cho tương lai cũng mơ hồ vì sợ thất bại.
Người suy nghĩ tích cực luôn tìm cách vượt qua những khó khăn trong đời thay vì bỏ cuộc. Chúng ta có muốn con lớn lên trở thành người lớn tích cực và hạnh phúc. Các bố mẹ hãy tự tìm ra câu trả lời cho bản thân mình nhé!''. chị Hà My chia sẻ.
San San