(Tổ Quốc) - Thời gian đầu sau khi sinh con gái, người mẹ trẻ khá vất vả, thế nhưng dần dần với sự giúp đỡ, động viên từ chồng, cuộc sống đã trở nên ổn định hơn.
Cuộc sống của người mẹ trẻ bên chồng và các con tại Nga
Cách đây 7 năm, chị Kiều Bảo Bình (31 tuổi) kết hôn với chàng trai người ngoại quốc sau quá trình tìm hiểu lâu dài. Đến nay, tổ ấm nhỏ của chị đã có thêm 2 thành viên xinh xắn là bé Em (5 tuổi) và bé An (2,5 tuổi). Cuộc sống ở Nga có rất nhiều điểm khác biệt nhưng với bà mẹ 2 con, dù là ở Việt hay ở Nga thì chị cũng dành cho nó một tình yêu trọn vẹn nhất.
Ở Nga môi trường sống trong lành, nhiều khu vui chơi dành cho trẻ em, con người sống gần gũi với thiên nhiên và động vật. Chị Bình cho biết thời tiết tại nơi chị sinh sống 4 mùa thay đổi rõ rệt nên không có cảm giác nhàm chán. Lúc thì trăm hoa đua sắc, quả mọc khắp nơi, khi thì lá vàng đỏ, sang đông tuyết rơi phủ kín khắp các con đường.
"Ở Nga nhiều phương tiện giao thông công cộng nên người dân ít đi xe cá nhân, đường phố sẽ đỡ tắc hơn, và mọi người tuân thủ luật giao thông khá tốt. Người dân bên này yêu sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng nên ít tiếng còi xe, mọi người cũng nhỏ nhẹ. Y tế cũng rất được chú trọng. Tuy nhiên các dịch vụ ở Nga không đa dạng như ở Việt Nam. Không có dịch vụ gội đầu, nhổ tóc bạc, khi đi làm tóc cũng phải đặt lịch trước.
Sửa sang hay giặt là quần áo cũng đắt nên phụ nữ Nga thường tự sửa quần áo ở nhà. Ở Nga mùa đông kéo dài, mỗi lần mặc quần áo mùa đông ra ngoài đường mất rất nhiều thời gian. Nhược điểm nữa là ít rau xanh, hoa quả và hải sản tươi. Chỉ có vài loại rau củ và hải sản đông đá thôi", chị Bình tâm sự.
Thực ra cuộc sống ở nơi xứ người không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, buồn bã, nhất là khi chồng đi vắng lại không có người thân ở bên cạnh. Chị Bình may mắn vẫn có những người hàng xóm tốt bụng, thường xuyên truyện trò và hỏi thăm. Những lúc cảm thấy buồn chán, bà mẹ 2 con sẽ đi dạo, xem phim hài, làm bánh hoặc đơn giản là dọn dẹp nhà cửa. "Dọn nhà không chỉ giúp loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực nhanh chóng mà còn hỗ trợ giảm cân nữa đấy", chị Bình hài hước nói.
Không biết cơm cữ là gì, sinh mổ xong vài ngày phải vào bếp luôn
Nhớ về thời gian sau khi sinh mổ 2 con gái, chị Bình tâm sự thực sự chị cũng đã có lúc rất mệt mỏi vì không có ai trợ giúp. Sau khi sinh được 3, 4 ngày là chị phải vào bếp luôn. Do công việc bận rộn nên ông xã chị Bình phải đi làm xa, kiếm tiền vất vả để nuôi cả gia đình, có thời gian ở nhà là anh lao vào dọn dẹp, trông con giúp vợ.
"Hồi mới sinh con thứ 2 cuộc sống cũng khá vất vả. Bé lớn cứ đến đêm nhớ mẹ nên sang nằm cùng mẹ và em. Bé còn nhỏ nên thi thoảng quay người gây tiếng động làm em khóc. Thế là mình phải bật dậy bế dù vết mổ chưa lành. Tuy nhiên, sau một thời gian, con gái lớn đã ngủ riêng nên mọi chuyện được giải quyết", chị Bình chia sẻ.
Với việc nhà, ngày nào cũng như ngày nào, ông xã chị Bình sẽ nấu cháo yến mạch rồi ăn trước khi đi làm. Bà mẹ 2 con dậy phơi quần áo rồi cho các con ăn cháo. Trong khi 2 bé tự chơi thì chị rửa bát, dọn nhà. Xong xuôi, cả 3 mẹ con cùng đi dạo chơi. Các bữa ăn trong ngày chị Bình nấu khá đơn giản, nhanh gọn để có nhiều thời gian dành cho các con của mình.
"Mình không biết cơm cữ là gì, chỉ ăn uống đủ tinh bột, đạm, chất xơ, chất béo là xong. Mỗi người 1 đĩa không bày nhiều món để tránh mất thời gian. Ngày đó chưa có máy rửa bát thì sau bữa tối mình dọn rửa, ông xã có nhiệm vụ tắm cho các con. Sau đó là thời gian cả nhà quây quần bên nhau, cùng đọc truyện, tâm sự chuyện của một ngày rồi chìm vào giấc ngủ.
Bây giờ cuộc sống đã trở nên tiện nghi hơn rất nhiều. Có máy giặt, máy rửa bát, robot hút bụi nên theo mình bí quyết để cuộc sống đỡ tất bật, mệt mỏi là đơn giản hoá việc ăn uống và một công đôi việc. Ví dụ trong lúc đặt siêu nước thì phơi quần áo. Trong lúc con tự chơi trong cũi thì mẹ vẫn kịp nấu món gì đó". bà mẹ 2 con nhớ lại.
Mong muốn dành cho con một tuổi thơ trọn vẹn nhất
Hiện tại, cả 2 con gái của chị Bình đã lớn hơn, tự giác và độc lập trong việc ăn uống, đi vệ sinh, mặc quần áo. Chị lớn biết giúp mẹ đọc truyện cho em nghe, ngoài ra còn phụ mẹ quét nhà, gập quần áo, cất đồ chơi nữa. Với chị Bình, việc dành thời gian cho tuổi thơ của con là điều không hề lãng phí, mẹ có thể đi làm khi các con đã lớn nhưng tuổi thơ của con thì chỉ có một lần mà thôi.
Bà mẹ 2 con trở thành "giáo viên mầm non tại gia", cùng chơi đùa, học hành, đi dạo và toàn tâm toàn ý chăm sóc các bé. Chị Bình dự định đến khi con lớn được 6 tuổi sẽ cho bé đi học. Trộm vía các bé đều rất ngoan, nói được cả tiếng Việt và tiếng Nga, ngoài ra chị cho con đi học năng khiếu hát và vẽ vài tiếng 1 tuần.
"Các bé tuy ít tiếp xúc trực tiếp với ông bà nhưng gần như ngày nào cũng gọi điện nên các con đã quen và gần gũi với mọi người. Cũng như bao đứa trẻ khác, các bé có lúc ngoan, có lúc chưa nhưng mình không đòi hỏi các con phải răm rắp nghe lời. Mình muốn nghe ý kiến của các con vì thực ra đôi khi nghe lời quá mà không có chính kiến cũng không tốt. Cả hai vợ chồng ở thời điểm hiện tại chỉ mong các con ăn ngon, ngủ ngon, cười nhiều, ít khóc, tận hưởng những giây phút tuổi thơ trong hạnh phúc, yên bình", chị Bình tâm sự.
San San