(Tổ Quốc) - Hai tuần trôi qua, nghĩ lại ngày đi đẻ, bà mẹ trẻ lần đầu sinh con vẫn cảm thấy "rùng mình" sợ hãi.
Có lẽ với các bà mẹ, nỗi sợ khi rạch tầng sinh môn hay cảnh đau đớn nhích từng bước chân tập đi sau khi sinh mổ sẽ chẳng thấm vào đâu so với những người vừa phải trải qua cảm giác chuyển dạ sinh thường, lại vẫn phải trải nghiệm quá trình đẻ mổ.
Nếu biết trước sẽ phải trải qua cả hai lần đau đớn này thì chắc chắn mẹ nào cũng xin được sinh mổ từ đầu, song vì biết sinh thường là phương pháp tốt nhất cho mẹ và bé nên hầu như mẹ nào cũng cố gắng sinh tự nhiên cho đến khi có chỉ định của bác sĩ chuyển sang đẻ mổ trong các trường hợp sinh khó hoặc nguy hiểm đe dọa cả mẹ lẫn con nếu kéo dài thời gian sinh nở.
Chính bởi thế, cảm giác "ăn trọn combo đẻ thường và đẻ mổ" luôn là nỗi ám ảnh với những người từng trải qua, thậm chí nhiều mẹ chỉ nhắc đến thôi đã rùng mình sợ hãi nghĩ không bao giờ dám sinh thêm con nữa.
Lần đầu sinh con, chị Phạm Hoài Thu (ở Mộc Châu, Sơn La) đã không may mắn khi phải trải qua quá trình sinh nở khá vất vả. Bà mẹ trẻ vừa hứng trọn 19 tiếng bị những cơn đau bụng chuyển dạ hành hạ, lại vừa phải trải qua cảm giác sợ hãi, đau đớn khi cuối cùng vẫn phải lên bàn mổ.
Nhớ lại hôm đi sinh, bà mẹ trẻ cho biết: "Mình cứ đau bụng nhâm nhẩm từ tuần 39 nhưng thực sự không có dấu hiệu gì mạnh mẽ cho thấy là sẽ chuyển dạ. Ngày 21/7, lúc ấy thai được 39 tuần 3 ngày, đi khám bác sĩ lách ối cho, hẹn nếu có dấu hiệu thì vào viện, không có thì 2 hôm sau nhập viện luôn. Về nhà bụng đau nhiều hơn nhưng cũng chưa có dấu hiệu mạnh mẽ, lại xin bác nhập viện hôm sau để theo dõi.
15h chiều 22/07 khăn gói vào viện làm thủ tục. 17h30 mình được đưa lên khoa nằm phòng chờ theo dõi và thăm khám lần 1. 20h30 được gọi vào phòng khám tiếp, mở 2 phân, truyền kích đẻ và gây tê giảm đau luôn. Câu chuyện bắt đầu từ đây...
Từ lúc vào phòng đẻ lần 2 này đến 15h ngày hôm sau 23/7 mình mới mở được 10 phân.
19 tiếng dài đằng đẵng kia là mình mất liên lạc với gia đình vì lúc được gọi vào khám, mình cứ nghĩ khám xong lại ra như lần 1 nên không mang điện thoại, đến khi vào mới biết phải nằm theo dõi luôn, xin ra thì không được ra, thế là người nhà thì cứ đứng ngồi không yên 19 tiếng, mình thì vật vã bên trong. Cái cảm giác lúc ấy vừa khó chịu với thốn làm sao! Rõ là mình thấy nhiều mẹ đi đẻ còn bảo nằm xem điện thoại đến lúc đẻ thì đẻ thôi riêng trường hợp của mình thì nóng lòng như lửa đốt vì không có điện thoại để liên lạc với người nhà ở bên ngoài.
Dù sinh mổ nhưng chị đã sớm đủ sữa cho con bú, bắt đầu từ những giọt sữa non vàng óng đầu tiên.
19 tiếng mình dùng không biết bao nhiêu ống giảm đau, đau quá, vật vã quá lại được tiêm thêm giảm đau tiếp mà vẫn đau và kết quả là khi mở được 10 phân thì rặn không nổi, rặn tím tái mặt mày, rặn như chết đi sống lại con vẫn không ra.
Mình đã từng khao khát sẽ có 3 đứa con nên đau lắm mà vẫn cố đẻ thường, thậm chí lúc siêu âm tuần thai thứ 37, con được 3,2kg, mình còn hãm ăn lại để sinh thường cho dễ. Ấy vậy mà...".
Tuởng rằng đã chịu đựng được đau đớn kéo dài suốt 19 giờ đồng hồ, cổ tử cung cũng đã mở 10 phân, chỉ cần rặn nữa thôi là được gặp con nhưng có lẽ bao sức lực đã cố gắng dồn hết vào thời gian chuyển dạ dài đằng đẵng nên đến lúc này, chị Hoài Thu gần như kiệt sức, cứ nằm lịm đi, đến mức cô hộ sinh phải gọi dậy mấy lần để tình mà rặn tiếp.
Trong đầu chị Thu lúc này vẫn không nghĩ mình sẽ sinh mổ, nhưng vì quá đau đớn nên khi bác sĩ gọi cho chồng chị tư vấn chuyển sinh mổ, chị đã không ngần ngại bảo chồng đăng kí cho chị mổ luôn vì không thể chịu đựng thêm được nữa. Thế là lại gây tê thêm một lần nữa...
Lên phòng mổ chỉ khoảng 10 sau là bé Hoài An (bé Moon) ra đời, mắt mở thao láo nhìn mẹ.
"Đến đây thì nước mắt mình cứ trào ra. Cái cảm giác được nhìn thấy con ra đời khỏe mạnh, xinh xắn, đáng yêu là mọi sự đau đớn tan biến hết. Trải qua 2 cảm giác đau đẻ thì đẻ mổ chính là chân ái của cuộc đời mình", bà mẹ Sơn La tâm sự.
Bé Moon đã được hơn 2 tuần tuổi.
Mổ xong về phòng hậu phẫu nằm 6 tiếng đến gần 22h tối thì chị Thu được chuyển về phòng nghỉ. Ngày hôm sau, bà mẹ trẻ đã cố gắng tập ngồi và bắt đầu kích sữa những giọt sữa non vàng óng đầu tiên chảy ra chỉ đủ tráng bình, ngày thứ 3, 4 bắt đầu có dấu hiệu về sữa và từ đó đến giờ chị Thu cho con bú hoàn toàn sữa mẹ.
Hiện tại, bé Moon đã sinh được 2 tuần, trộm vía con ăn no, ngủ ngoan còn chị Thu đã hồi phục sức khỏe đáng kể. Dù phải chịu đựng cả đau chuyển dạ và đau đẻ mổ, hai lần gây tê giảm đau nhưng sau sinh, chị không có cảm giác đau lưng như một số mẹ phản ánh, cũng đã tự ngồi dậy cho con bú một cách dễ dàng.
"Đi đẻ giữa mùa dịch, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội giờ chỉ cho 1 người nhà vào chăm, như mình lại mất liên lạc với gia đình suốt 19 giờ đồng hồ, rồi hai lần gây tê, hai cảm giác đau chuyển dạ - đau đẻ mổ hoàn toàn khác nhau... song khoảnh khắc được ôm con vào lòng cảm thấy mọi khó khăn, vất vả đều tan biến hết", chị Hoài Thu cho biết thêm.
Tổng chi phí sinh ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã trừ bảo hiểm trái tuyến của chị Hoài Thu hết 22,6 triệu đồng. Ngoài ra, chị cũng làm sàng lọc sau sinh cho con hết 4 triệu đồng nữa.
Từ trải nghiệm đi sinh của mình, bà mẹ trẻ gửi lời nhắn nhủ tới các mẹ khác rằng nếu sinh ở viện không được người nhà vào cùng, các mẹ nên mang theo điện thoại để liên lạc với gia đình trong suốt quá trình chuyển dạ: "Không ai biết chuyển dạ lâu hay nhanh, trong khi mất liên lạc với gia đình thì người thân vô cùng lo lắng, còn mình ở trong phải chịu đựng mòn mỏi từng cơn đau đẻ một mình cũng xuống tinh thần lắm. Như trường hợp của mình nghĩ là vào khám rồi trở ra không mang theo điện thoại thế là ở hẳn trong khu sinh luôn. Các mẹ nên cầm theo điện thoại để chủ động liên lạc trong mọi tình huống".
H.Thanh