(Tổ Quốc) - Bà mẹ này cho rằng, nếu muốn một đứa trẻ làm việc gì thì hãy giúp chúng khơi gợi niềm đam mê, sự thích thú, cũng như hạnh phúc với công việc ấy, và quan trọng hơn là muốn trẻ tự tin thể hiện bản thân thì hãy dạy chúng biết nói lên suy nghĩ của mình,...
Nhiều năm trong vai trò của một nhà tuyển dụng, chị Lê Hải Yến (TP.HCM) nhận ra điểm yếu của nhiều người chúng ta mắc phải, đó là có rất nhiều người tài năng và vững kiến thức nhưng lại rụt rè khi thể hiện bản thân.
Họ gượng gạo, tay chân thừa thãi, và thậm chí là đơ cứng ngay cả trong việc đơn giản như tạo dáng trước ống kính khi chụp những bức hình, thậm chí bất thần bỗng trở nên ngơ ngác chẳng biết nói gì trước đám đông. Dù bình thường họ "chém gió" như dao, nhưng khi cần trình bày thì dài dòng văn tự, mà ý tứ câu từ chả được bao nhiêu.
Từ đó, chị Yến chú trọng đến phương thức giáo dục con và khuyên mỗi người làm cha mẹ nên dạy con cách thể hiện bản thân- hành trang để trẻ thành công ngay từ khi con nhỏ. Chị quan niệm: "Cuộc sống như một đường đua, chỉ có thắng không được thua và nuôi con cũng thế. Để nuôi con "thắng", mình không ngừng học hỏi mỗi ngày để phát triển, nâng cấp bản thân, học để làm gương cho con và học cả cách để dạy con mình bởi làm cha mẹ cũng là việc cần phải học".
Khi con trai nhỏ lên 5, con trai lớn lên 10 tuổi, chị Hải Yến bắt đầu đưa các con tham gia các sự kiện đông người mà được phép cho trẻ nhỏ theo.
Các cộng sự của chị khi ấy cũng đã quen với hình ảnh 2 cậu bé cuối tuần đến văn phòng với mẹ, hoặc ngồi chơi trên sân khấu lúc vắng người xem họ chuẩn bị gì, rồi sang phòng chờ ngồi chơi cho đến khi mẹ xong việc mà không bao giờ mè nheo, đòi hỏi.
"Mình làm việc này trước tiên muốn con học được tính nhẫn nại, kiên trì, cũng như dạy cho con cách làm quen với ống kính, quen với việc xuất hiện trước báo chí, truyền thông, quen với những lời khen chê từ xung quanh, đến cả những lời khen chê trên thế giới phẳng", chị bật mí.
Chị Hải Yến phân tích, khi đưa trẻ đến một môi trường mới, để con chờ đợi sẽ giúp con trẻ học được tính kỉ luật, không đòi bỏ về giữa chừng, buộc con phải điều phối bản thân để phù hợp với bối cảnh xung quanh. Điều này không phải dạy trẻ ngày một, ngày hai mà là cả quá trình. Quá trình chờ đợi đó, con sẽ tạo ta thói quen từ đó hình thành suy nghĩ và nhận thức của riêng mình và sẽ không ngần ngại bày tỏ và nói ra điều mình muốn.
Ở môi trường mới bằng cách theo mẹ đi làm như vậy, chị Yến còn để con có cơ hội tiếp xúc với nhiều người. Tại đây, con chị có môi trường để con bộc lộ bản thân và cả cá tính của mình. Một đứa trẻ nhanh nhẹn, thích giúp đỡ người khác sẽ thường nhận được lời động viên khiến chúng ngày càng thích thú với việc làm đó. Ngược lại, chúng cũng phải làm quen với lời khen chê và học cách cân bằng, điều chỉnh bản thân.
Không chỉ 2 bài học kể trên, theo chị Hải Yến, việc dạy con thể hiện bản thân sớm còn giúp con có cơ hội mở rộng kết nối, làm quen với thế giới xung quanh. Theo chị, bởi vì cuộc sống không bình lặng nên chúng ta phải chuẩn bị kỹ càng, chuẩn bị cho con cả kỹ năng trước những điều không vừa ý, và chuẩn bị cả cách thể hiện mình với thế giới xung quanh.
Mẹ 2 con quan niệm, cha mẹ cần dạy con sự tinh nhạy trong tư duy ngay từ khi còn nhỏ để con phát huy sự sáng tạo, tìm tòi thay vì chỉ biết những kiến thức trên sách vở.
Có được kĩ năng này, trẻ sẽ có nhu cầu và tự giác học hỏi những điều mới mẻ và học chúng với sự háo hức và hạnh phúc.
Ví dụ như chị Hải Yến thường chia sẻ với con như một người trưởng thành về công việc, cuộc sống, để con hiểu được cả những nỗi vất vả của bố mẹ. Từ đó, con chị trân trọng những nỗ lực của người thân đến chuyện tự nhận việc cho mình để giúp đỡ bố mẹ với thái độ vui vẻ, hạnh phúc và biết nói lời động viên, yêu thương với người thân.
Chị Hải Yến mong muốn các con được làm mọi việc trong sự hạnh phúc.
Bài học thứ tư chị dạy con ngay từ khi chưa được đến trường là kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Theo chị, kĩ năng này trẻ nên được cha mẹ hướng dẫn ngay từ khi con biết thích, biết đòi.
"Khuynh hướng của cha mẹ là bù đắp cho con những thiếu thốn của mình trước đây. Nhưng vô hình trung sự "chiều chuộng", "yêu thương" ấy đã tạo ra 1 thế hệ chỉ biết nhận mà không biết chia sẻ, cho đi. Vì vậy, con cần biết cái gì là cần thiết, là đáng được nhận để vững vàng cho bài học thu - chi sau này. Vì vậy, cha mẹ hãy dừng việc đáp ứng ngay mọi nhu cầu của con ngay từ bây giờ, thay vào đó là giúp con giảm ham muốn với thứ gì đó bằng cách cho chúng thời gian suy nghĩ xem nó có thực sự là thứ cần không".
"Bản thân mình, khi tìm cách thuyết phục con như vậy cũng phần nào dạy con cách nói ra mong muốn của mình một cách súc tích, là tiền đề để con tự tin trình bày suy nghĩ, thể hiện bản thân", chị Hải Yến lý giải.
Những bài học trên trẻ học được không chỉ giúp trẻ thể hiện bản thân ngày từ khi còn nhỏ, mà còn là những yếu tố quan trọng trong hành trang đưa con trẻ đến thành công.
Minh Nguyệt