(Tổ Quốc) - Phải mất 1 tháng trời họa sĩ mới vẽ xong tấm ảnh nhưng với anh chuyện chăm chút cho những chi tiết ấy hoàn toàn xứng đáng.
Có những người nuối tiếc nhất cả cuộc đời là chẳng có lấy một tấm ảnh nào chụp cạnh người thân. Sau này, sự sơ suất ấy sẽ khiến họ hối hận mãi mãi. Vì niềm ước ao được chung một khung hình với người đã khuất mà họ tìm đến với việc vẽ tranh phục chế để có thể thỏa mãn ước nguyện của mình.
Mới đây, một họa sĩ đăng tải bài viết chia sẻ về bức tranh mình đã vẽ: "Cô bé áo trắng mang ảnh thờ của mẹ nhờ mình vẽ ghép cho 4 mẹ con vào 1 tranh để treo tường kỷ niệm người thân. Bức này mình vẽ trên khổ A1, chì than, thời gian vẽ là một tháng".
Trong tấm hình, từ 4 bức ảnh ban đầu tách biệt, họa sĩ đã ghép cả 4 mẹ con lại với nhau trong một khung hình. Nhìn bức tranh tuyệt đẹp, ai cũng cảm thấy rưng rưng cảm xúc.
Bức tranh được ghép từ 4 ảnh chụp.
Người vẽ bức tranh ấy là Phạm Thanh Lâm. Lâm hiện sinh sống ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Thanh Lâm đam mê vẽ từ nhỏ nhưng gia đình không có điều kiện theo học nên giấc mơ kiến trúc sư vẫn chưa thể thực hiện được.
Cậu không qua đào tạo chính quy và vẽ được đến trình độ như bây giờ là nhờ những tìm tòi, khổ luyện riêng qua từng ngày. Lâm tự nhận mình là một họa sĩ nghiệp dư. Nói về bức tranh 4 mẹ con đang được chia sẻ rầm rộ, Lâm tâm sự:
"Bức tranh đó mình vẽ cách đây nửa năm rồi. Lúc đó có em bé áo trắng thấy mình trên mạng xã hội. Bé có nhắn tin qua facebook để hỏi han và đã mang bức ảnh thờ của mẹ cùng tấm hình chụp riêng 3 chị em đến nhờ mình vẽ giúp.
Lúc đó, cô bé đơn giản chỉ nhờ mình vẽ ghép 4 khuôn mặt vào một tranh để có cái gọi là không khí gia đình. Thế nhưng mình lại nghĩ khác, nếu đơn giản chỉ ghép tranh như thế thì không phải là nghệ thuật. Hơn nữa, với tranh gia đình thì cần một chút cảm xúc trong đó nữa".
Nghĩ xong ý tưởng, Thanh Lâm bắt tay vào thực hiện. Ý tưởng ban đầu của cậu là cố vẽ sao cho bức tranh không tạo nên cảm giác rời rạc, chỉ ghép vào đơn giản. Khách không có ảnh chụp với mẹ nên mới mong mỏi một tác phẩm như vậy, Thanh Lâm cố gắng tìm tòi và nghĩ ra cách vẽ để mọi người trong hình có sự tương tác với nhau.
"Lúc đó em gái kia mong muốn bức tranh này có thể thay thế cho một tấm ảnh chụp. Vì ba chị em mất mẹ từ khi con nhỏ nên chẳng có hình chụp chung với nhau. Khi vẽ tranh, mình phải gắn tâm tư, nguyện vọng của em gái vào đó, phải suy nghĩ điều mà em ấy muốn.
Điều khó khăn nhất trong bức tranh này là: Sắp xếp bố cục tranh sao cho hợp lý nhất để nhìn vào tranh ngta thấy 2 chữ yêu thương. Chia tỉ lệ vàng và chuẩn từng tí một", Lâm chia sẻ.
Hình ảnh bức tranh sau khi vẽ xong.
Phải mất đến 1 tháng, Thanh Lâm mới hoàn thành xong bức vẽ. Dù nhiều năm cầm bút vẽ nhưng Lâm vẫn cho rằng đây là một tác phẩm không hề dễ dàng.
"Khách gửi 4 ảnh thì cả 4 ảnh các thành viên trong gia đình lại chụp các hướng sáng khác nhau, nếu muốn vẽ ghép cho ra 1 bức tranh chân thực, thì phải vẽ sao cho khi nhìn vào tranh, người ta thấy tất cả mọi người đều ở cùng 1 không gian, tức là mình tự sáng tạo sắc độ tranh nữa. Tuy nhiên cuối cùng mình cũng thành công. Khi đăng tranh lên nhiều người khen ngợi là mình đã cảm thấy vui vẻ lắm rồi".
Khi nhìn thấy tác phẩm do Thanh Lâm gửi qua, em gái cảm thấy vô cùng xúc động. Sau vài lần chỉnh sửa từ bản vẽ đầu tiên, em gái đã rất hài lòng. Hiện tại, bức tranh ấy đã được đóng khung, treo tường ở nhà. Sự trân trọng đối với tác phẩm của mình như vậy khiến Thanh Lâm rất vui vẻ và hạnh phúc vì cảm thấy công việc của mình thật sự mang đến niềm vui cho nhiều người.
Anh chàng Thanh Lâm - tác giả bức tranh 4 mẹ con khiến nhiều người xem cảm động
Được biết, Thanh Lâm theo nghề vẽ tranh được 6 năm nay. Vẽ tranh là đam mê nghệ thuật và cũng là nghề giúp cậu trang trải trong cuộc sống. Bất cứ tác phẩm nào, Lâm cũng mong muốn vẽ ra được cái hồn, cái thần và sự đặc sắc của nó.
Không chỉ vẽ tranh, Thanh Lâm cũng thích tham gia các hoạt động xã hội. Khi được hỏi về dự định của mình, cậu cho biết đã nung nấu ý tưởng thực hiện hai chuyến phượt đi bộ từ Gia Lai ra Hà Nội và từ Gia Lai đến Cà Mau. Trên đường đi, Lâm sẽ nán lại ở các tỉnh thành khác nhau để vẽ ký họa trực tiếp.
"Số tiền vẽ ký họa nếu nhiều hơn lộ phí thì mình sẽ đưa vào quỹ từ thiện để giúp đỡ trẻ em nghèo, cuộc sống khó khăn. Mình sẽ bỏ ra một năm để thực hiện dự định đó", Lâm chia sẻ.
Nhật Hạ