(Tổ Quốc) - Thay vì tặng quần áo, giày dép... bà mẹ trẻ lại quyết định tặng các con món đồ này.
Đó là câu chuyện được chia sẻ bởi chị Giang (sống tại Hà Nội), hiện là mẹ của hai bé: bé trai học lớp 9, bé gái học lớp 6. Là một cố vấn tài chính, đồng thời cũng là một người mẹ, chị Giang đã có những tâm sự về món quà đặc biệt tặng các con nhân ngày sinh nhật:
''Khi bạn có mẹ làm cố vấn tài chính, bạn sẽ có số điện thoại riêng và tài khoản riêng khi vừa qua tuổi 15. (Trong khi bọn bạn có điện thoại từ 10 tuổi nhưng chúng nó có thể phải chờ đến hơn 20 tuổi mới có tài khoản). Đã thế, mẹ bạn còn tặng quà sinh nhật không giống ai (Chẳng tặng quần áo, giày dép mà lại tặng sách, cái thể loại sách mà người-lớn-chắc-gì-đã-đọc); nhưng mẹ bạn biết ngay sau kỳ thi chuyển cấp, bạn sẽ vớ lấy mấy quyển này và đọc hết trong vài tuần'', bà mẹ 2 con trải lòng.
Những chia sẻ này của chị Giang khiến nhiều phụ huynh cảm thấy nể phục và tò mò không biết lý do đằng sau của việc cho con sử dụng tài khoản và điện thoại riêng là gì, cũng như món quà sinh nhật có điều gì thú vị đến thế. Mời các bố mẹ cùng lắng nghe những chia sẻ của bà mẹ trẻ về câu chuyện của gia đình mình.
- Chào chị Giang, chị có ý định lập tài khoản cho các bé từ khi nào? Mục đích của việc này là gì? Giúp ích gì cho các con trong tương lai?
Mình là người làm đào tạo và tư vấn về tài chính cá nhân. Bài học cơ bản và quan trọng nhất mà mình luôn tự nhắc nhở bản thân cũng như nhắc nhở các học viên và khách hàng của mình là giá trị của tiền sẽ thay đổi qua thời gian theo cấp số nhân (còn gọi là lãi kép, tiền đẻ ra tiền). Một trong những điều hối tiếc của mình là đã không áp dụng bài học này từ khi còn trẻ do cha mẹ hay thầy cô đều không dạy về điều này.
Một bạn trẻ mới ra trường thì việc tích lũy 10 triệu đầu tiên là việc khó khăn nhất, rồi đến 100 triệu đầu tiên, 1 tỷ đầu tiên… sau đó thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu như bạn vẫn đi trên con đường tích luỹ, đầu tư dài hạn và bền vững.
Chính vì thế mà mình muốn tặng cho con những viên gạch đầu tiên, sau này tùy thuộc vào khả năng của con, con có thể xây dựng nên một ngôi nhà hay một tòa tháp vì khi bắt đầu từ tuổi 15 thì con có đến một nửa thế kỷ để làm điều đó. Mình tìm đọc các quy định liên quan và biết được rằng đủ 15 tuổi thì con có thể đứng tên riêng trên tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm nên con qua sinh nhật tuổi 15 chỉ 2-3 ngày là mình đưa con ra ngân hàng. Số tiền không lớn nhưng con sẽ quan sát được hạt mầm đầu tiên của cây tài chính của mình lớn dần lên như thế nào thông qua lãi kép. Và khi con có tài khoản đứng tên mình thì các khoản mà con được cho tặng từ giờ con sẽ chú ý hơn, cân nhắc nhiều hơn khi chi tiêu.
- Lý do chị biết con sẽ thích 2 cuốn sách mẹ tặng? Chị đã dạy con đọc sách từ bé như thế nào? Các con có thích món quà này không?
Mình là người hướng nội, nếu tự nhận xét thì sẽ cho mình điểm hướng nội 60% và hướng ngoại 40%; có nhiều thời điểm trong cuộc sống mình tìm thấy niềm vui, sự an ủi, lấy lại được năng lượng khi đọc sách, bao gồm cả thể loại hư cấu và phi hư cấu. Đối với con trai lớn của mình, thậm chí chỉ số hướng nội của bạn còn cao hơn của mẹ cho nên bạn ấy thích sách một cách tự nhiên.
Còn lý do vì sao chọn Lược sử loài người thì cũng có liên quan một chút đến một câu chuyện thời sự được nhắc đến gần đây. Con đang học lớp 9 và năm học tới sẽ có nhiều thay đổi trong chương trình học lớp 10 trong đó có việc môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn. Khi mình hỏi ý kiến của con thì con cũng không có vẻ gì là muốn chọn môn Lịch sử. Rất nhiều thầy cô và phụ huynh tỏ ra lo ngại về điều này nhưng theo quan điểm của mình thì đây không phải là một vấn đề. Y.N.Harari đã kể một câu chuyện lịch sử về Homo Sapiens (người thông minh) trong một quyển sách vừa đầy ắp thông tin khoa học, lại vừa được diễn đạt bằng một lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn. Nếu lịch sử được dạy trong nhà trường như thế thì ai cũng thích học sử, kể cả với những người không được học ở trường thì họ cũng sẽ tự tìm đọc. Quan điểm của mình về giáo dục là giáo dục cần thực hiện được 2 nhiệm vụ là khơi gợi, duy trì ham muốn học tập của các con và dạy cho con biết cách tự học khi không có thầy cô trực tiếp hướng dẫn.
Còn về việc mình chọn cuốn 21 bài học của thế kỷ 21 của cùng một tác giả, là do con bộc lộ một số thế mạnh về tư duy logic: Bên cạnh việc một số kỹ năng còn hơi non so với các bạn cùng lứa tuổi thì ở nhiều mặt khác, bạn lại tỏ ra rất độc lập và có chiều sâu. 21 bài học của thế kỷ 21 là cuốn sách về hiện tại, về những vấn đề mà toàn thể nhân loại đang phải đối mặt. Theo cách diễn giải của tác giả, có thể bây giờ bạn đang thi chuyển cấp hay thi đại học, nhưng khi hệ quả của các vấn đề trên xảy ra trong tương lai, ví dụ như là biến đổi khí hậu chẳng hạn, nó sẽ không xét đến việc bạn đang bận học, bận thi mà miễn trừ cho bạn, cho nên tốt nhất nên tập suy nghĩ chín chắn về các vấn đề này ngay từ bây giờ.
Nói vui thế thôi chứ mình vẫn dặn con: giai đoạn này cần tập trung ôn thi thì con cứ ôn thi, lúc nào cần thay đổi không khí thì đọc sách. Con cũng mới đọc một phần của quyển thứ hai và con khen hay. Điều này không nằm ngoài dự đoán của mẹ vì cách mà bạn đặt câu hỏi, cách bạn diễn đạt quan điểm về cuộc sống xung quanh thì thông qua cuốn sách này, bạn sẽ vài lần nhận được sự đồng tình, khích lệ của tác giả. Ngoài 2 cuốn này thì chắc chắn mình sẽ mua cho con quyển thứ 3 và cũng là quyển viết về tương lai có tên là Lược sử tương lai.
- Quan điểm giáo dục con của chị là gì? Để con được phát triển tự nhiên hay rèn luyện vào nề nếp ngay từ ban đầu?
Có thể nói mình là người theo trường phái tự do. Khi mình định hướng cho con điều gì thì điều đó trước hết phải xuất phát từ việc bộc lộ sở thích, sở trường của con. Như mình có chia sẻ ở trên là con trai lớn của mình hướng nội, có tư duy logic tốt và gần như thích đọc sách là tự nhiên chứ không cần hướng dẫn gì. Con gái út của mình mặc dù cũng được khuyến khích đọc sách từ tiểu học nhưng bạn không hứng thú với sách thì mình cũng không gượng ép. Bạn nhỏ này lại thể hiện thế giới nội tâm bằng cách vẽ tranh thì mẹ lại tạo điều kiện tìm lớp học vẽ cho con.
Mình hầu như không đặt kỳ vọng vào việc con sẽ thành công trong cuộc sống mà chỉ có nguyện vọng là các con sẽ sống hạnh phúc. Đọc sách của Y.N.Harari, mình càng khẳng định lựa chọn này vì trong đại đa số các trường hợp, thành công của xã hội loài người được đo đếm bằng số lượng cá thể Homo Sapiens, thành công của doanh nghiệp được đo đếm bằng lợi nhuận, còn hạnh phúc của các cá nhân hoàn toàn không phải là mối bận tâm của doanh nghiệp hay xã hội (thành công của cá nhân thì có). Vậy thì cũng phải có một nơi nào đó mà hạnh phúc của các cá thể cần được đặt lên hàng đầu chứ? Nơi đó là đâu nếu như không phải là Gia Đình?
- Cảm ơn chị Giang về cuộc trò chuyện này!
San San