(Tổ Quốc) - Đằng sau câu chuyện này cũng là bài học sắp xếp tài chính trong gia đình mà nhiều người có thể tham khảo.
- Melissa Petro là một nhà văn tự do, người vợ và người mẹ sống ở thành phố New York.
- Thay vì quay lại làm việc toàn thời gian sau khi sinh con, cô thuyết phục chồng trả tiền cho mình để lo liệu tất cả các công việc chăm sóc con cái, nội trợ và các trách nhiệm gia đình khác.
- Cô ấy cộng số giờ làm việc mỗi tuần và nhân số đó với tiền lương theo giờ.
Trước khi tôi trở thành một người mẹ, chồng tôi và tôi đã có quan điểm tài chính rất bình đẳng: Cả hai chúng tôi đều làm việc toàn thời gian, anh ấy là nhà tư vấn về truyền thông kỹ thuật số, tôi là một nhà văn tự do. Chúng tôi đóng góp 50-50 cho ngân sách gia đình. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức để chia đều công việc gia đình.
Sau đó, tôi mang thai và sinh con và sự bình đẳng này đã tan thành mây khói.
Kiệt sức về mặt tinh thần và thể chất, cho con bú suốt ngày đêm và ngập đầu trong công việc quản lý gia đình, tôi không nghĩ rằng mình lại có cảm giác thoải mái như trước đây. Có một thực tế là, mặc dù tôi đã tương đối thành công với những gì tôi đã làm, thu nhập hàng năm của tôi với tư cách là một nhà văn tự do chỉ đủ trang trải chi phí chăm sóc cho em bé.
Và vì vậy, thay vì trở lại làm việc toàn thời gian sau khi nghỉ sinh, tôi thuyết phục chồng về một thỏa thuận: Thay vì thuê vú em hoặc gửi đứa con 4 tháng tuổi của chúng tôi đến nhà trẻ, tôi nói với anh ấy rằng tôi sẽ lo việc chăm sóc trẻ, cùng với tất cả các công việc nhà và các trách nhiệm gia đình khác. Tôi lý luận thay vì trả tiền cho một nhóm chuyên gia, thì chúng tôi sẽ trả tiền cho chính bản thân tôi.
Gia đình hạnh phúc của Melissa Petro.
Tôi cộng số giờ làm việc mỗi tuần và nhân số giờ đó với tiền lương theo giờ. Cả hai chúng tôi đều cố gắng làm những gì tốt nhất cho gia đình và cuộc hôn nhân của mình. Ngẫm lại, tôi thật ngây thơ và không suy nghĩ thấu đáo. Mặc dù đó không phải là một ý tưởng kinh khủng, nhưng vấn đề bình đẳng trong hôn nhân rất phức tạp. Đây là những gì tôi học được.
Công việc này thật khó khăn
Theo Salary.com, nếu một bà mẹ làm việc ở nhà tính số tiền mà cô ấy đáng được hưởng, thì số tiền sẽ kiếm được tới 162.000 đô/một năm (3,6 tỷ).
Trong trường hợp này, tôi đã tính toán mức lương theo giờ cho công việc làm mẹ của mình chỉ là 15 đô (340k) cho một giờ, nhà trẻ gần nhất sẽ có giá bao nhiêu. Sau khi làm phép toán, có một khoản chênh lệch khoảng 1.200 đô la (27 triệu) được tiết kiệm. Tôi cũng phải tiếp tục chi trả cho các chi phí cá nhân của mình như đi uống cà phê, làm tóc, quà tặng, những thứ như thế này.
Nói cách khác, tôi cần một công việc thứ hai chỉ để trang trải cuộc sống của bản thân.
Vào thời điểm đó, tôi coi đây là một điểm cộng: Tôi nghĩ, tôi không từ bỏ hoàn toàn sự nghiệp của mình và tôi cho rằng mình có thể hoàn thành các bài viết tự do trong khi đứa trẻ ngủ trưa. Suy đi tính lại, lẽ ra tôi nên tính tiền chồng nhiều hơn.
Cẩn thận với sự "mất kiểm soát"
Là lần đầu làm mẹ, tôi đã đánh giá quá cao những gì tôi có thể đạt được trong tám giờ một ngày. Sau khi cho con bú, thay tã, và đồ chơi chưa kể đến bát đĩa, đống đồ giặt và dọn đồ chơi thì tôi không có thời gian để tắm, chứ đừng nói đến công việc thứ hai.
Tìm việc không phải là một vấn đề, nhưng hoàn thành chúng hoàn toàn là một câu chuyện khác. Việc nuôi dạy con cái chiếm toàn thời gian thậm chí còn trở nên khó quản lý hơn sau khi con tôi bắt đầu ngủ trưa và trở nên hiếu động hơn.
Và vì chúng tôi đã đồng ý rằng tất cả đều là công việc của tôi nên việc hoàn thành công việc nhà vào cuối ngày vẫn là trách nhiệm của tôi. Chồng tôi đã giúp đỡ công việc nhà khi anh ấy từ văn phòng về nhưng ngay cả khi đó, anh ấy cũng chỉ dừng lại ở việc "giúp đỡ" chứ không hơn.
Khi sự tự tin của tôi với tư cách là một bậc cha mẹ và với chồng tôi suy yếu dần. Anh càng trở nên coi thường, lấn lướt. Còn tôi đã làm việc 24/7 và hoàn toàn kiệt sức.
Thương lượng lại nếu cần
Các chuyên gia cho biết, sự kiệt sức của cha mẹ là kết quả của sự mất cân bằng và nó có nhiều đặc điểm giống như sự kiệt sức về nghề nghiệp: mức độ kiệt sức cao, cảm giác thiếu thốn và cảm xúc khó chịu.
Nếu chồng tôi trả tiền cho tôi nhiều hơn và có các điều khoản về trách nhiệm của tôi được xác định rõ ràng hơn ngay từ đầu và được kiểm soát khi đứa trẻ lớn lên thì tôi có thể đã cảm thấy khác về cuộc sống của một bà mẹ nội trợ. Chính vì vậy, tôi cảm thấy mình kém cỏi và không được thỏa mãn, kiệt sức và bực bội.
Sau khoảng một năm, tôi đã đạt đến ngưỡng của mình. Tôi biết điều gì đó phải xảy ra vào cái ngày tôi thấy mình đang khóc trong bồn tắm, mặc quần áo đầy đủ, bị mất điện thoại sau khi vô tình xóa một bài viết mà tôi đã dành cả buổi chiều làm việc, còn con thì vẫn nghịch ngợm như thế.
Rất may, khi chồng thấy tôi gặp khó khăn, anh ấy bắt đầu chi trả nhiều hơn các chi phí chung của gia đình (về cơ bản là tăng lương cho tôi). Anh ấy cũng đảm nhận nhiều việc chăm sóc con cái và trách nhiệm gia đình hơn mà tôi không cần phải nhờ vả. Và tôi đã thuê một trợ lý.
Với sự hỗ trợ đáng tin cậy, tình hình như thế này có thể sẽ tốt lên.
Một bài học quý giá
Trong trường hợp của chúng tôi, sau đó một điều thú vị đã xảy ra: Chồng tôi bị mất việc, buộc chúng tôi phải chuyển đổi hoàn toàn vai trò. Anh ấy đảm nhận trách nhiệm gia đình, bao gồm cả chăm sóc con cái, trong khi tôi làm việc toàn thời gian.
Đó là một may mắn. Tôi nhận ra rằng tôi đã nhớ sự nghiệp cũ của mình nhiều như thế nào. Tôi cũng phát hiện ra rằng khả năng kiếm tiền của mình đã tăng gần gấp đôi, một phần không nhỏ nhờ vào kỹ năng quản lý thời gian mà tôi đã rèn giũa với tư cách là một bà mẹ làm nội trợ.
Trong khi đó, chồng tôi nhận ra chính xác tôi đã phải vất vả như thế nào trong năm qua. Đã hơn một lần, tôi trở về nhà sau một ngày làm việc tại văn phòng và thấy anh ấy đang rơi nước mắt.
Cuối cùng, gia đình tôi đã học được một bài học quý giá: Chăm sóc đứa trẻ hơn 12 tiếng một ngày và làm công việc nhà khó khăn hơn cả những gì mà tôi và chồng tôi từng tưởng tượng. Và vì vậy ngay khi chồng tôi tìm được công việc mới, chúng tôi quyết định giao việc đó cho các chuyên gia. Thay vào đó, chúng tôi dành thời gian để làm việc và kiếm tiền.
Bài viết ghi theo lời kể của Melissa Petro, là một nhà văn tự do sống ở New York.
Nguồn: Businessinsider
Hồng Nhung