(Tổ Quốc) - Người mẹ trẻ đã có những chia sẻ chi tiết về hành trình đi đẻ mùa dịch của mình tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Những ngày này, tình hình dịch bệnh đang trong giai đoạn căng thẳng, Hà Nội thực hiện lệnh giãn cách toàn xã hội khiến mọi người đều vô cùng lo lắng. Đặc biệt là với các chị em phụ nữ đang mang thai và chuẩn bị sinh con, nỗi trăn trở càng tăng lên gấp bội.
Chị Nguyễn Tuyền (sinh năm 1995, sống tại Hà Nội) vừa hạnh phúc chào đón con gái đầu lòng Nguyễn Ngọc An Nhiên (biệt danh là Dứa) tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào ngày 7/8 vừa qua. Sau khi sinh, chị Tuyền đã có review khá chi tiết về hành trình đi đẻ mùa dịch của mình, mong rằng sẽ giúp các mẹ bầu cảm thấy an tâm và tự tin hơn.
Chị Tuyền và chồng bên con gái đầu lòng.
Làm hồ sơ sinh
Việc đầu tiên các mẹ cần chuẩn bị cho quá trình đi sinh ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội là đi làm hồ sơ sinh ở tuần thứ 36 trở đi (làm tại 1 trong 3 cơ sở của viện). Các mẹ không nên đi sớm quá vì các xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong vòng 1 tháng. Việc làm hồ sơ sinh là cần thiết để bác sĩ có thể nắm được tình trạng trước đó của cả mẹ bầu và thai nhi. Thêm nữa, nếu có sự chuẩn bị trước thì khi chuyển dạ, đến viện chỉ cần đọc mã hồ sơ sinh là được vào, tiết kiệm thời gian cho mẹ bầu.
Vợ chồng chị Tuyền nhập viện để chuẩn bị đón con gái đầu lòng.
Thủ tục nhập viện
Sáng hôm 7/8, sau khi thấy có dấu hiệu, mình và cả gia đình tức tốc đi xe ô tô của nhà đến bệnh viện. Khi đi mang theo sổ khám bệnh, người nhà cầm theo giấy thông hành, giấy này các mẹ nhớ chuẩn bị trước (xin tại địa phương nơi mình sinh sống). Khi đến cổng viện, bảo vệ yêu cầu sản phụ và 1 người nhà xuống vào khai báo y tế, mẹ và anh trai mình phải quay xe ô tô về luôn.
Vì dịch nên viện chỉ cho duy nhất 1 người nhà vào chăm và không được phép đổi người chăm. Mình và chồng khai báo y tế xong thì vào khoa cấp cứu. Nếu sinh khu thường thì vào khu thường, sinh khu dịch vụ thì vào khu dịch vụ. Nhà mình chọn khu dịch vụ, 2 vợ chồng vào test covid, đợi kết quả âm tính và làm thủ tục xong thì được dẫn lên khoa D3. Làm thủ tục nhanh lắm vì mình có hồ sơ sinh sẵn rồi.
Hành trình chào đón con gái
Y tá ở phòng cấp cứu dẫn mình lên phòng tiếp đón của khoa D3. Tại đây họ sẽ lấy số điện thoại của chồng để thông báo cập nhật trong phòng sinh. Trong phòng tiếp đón có bảng điện tử, tất cả thông tin của sản phụ sẽ hiện lên chi tiết, người nhà theo dõi để nắm được tình hình. Lúc đó khoảng gần 1h chiều.
Mình được đưa vào khu dành riêng cho sản phụ, vào phòng đo tim thai và kiểm tra cơn gò, độ mở. Lần đầu kiểm tra mới mở 2cm nên cô hộ lí bảo mình đi ăn sau đó nghỉ ngơi ở phòng theo dõi chuyển dạ ngay cạnh đó. Lúc đó tầm gần 2h chiều. Mình vào phòng chờ nghỉ ngơi 1 lát, lúc sau có cô y tá vào gọi và dẫn thẳng vào phòng đẻ. Mình vội vàng nhắn tin cho chồng để anh theo dõi bảng tin và từ lúc đó mình không cầm điện thoại nữa.
Bé Dứa đáng yêu chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình.
Vào đến phòng đẻ, mình được truyền thuốc giúp mềm tử cung và mở nhanh hơn. Một lát sau, có y tá tới tiêm cho mình mũi giảm đau trong lúc đẻ. Nằm 1 lúc thì bắt đầu tê hết phần từ hông xuống bàn chân, chân run bần bật.
Khám vài lần mở 4cm, sau đó mở 9cm và rồi chuẩn bị đẻ thôi. Lúc đó 4h chiều, y tá gọi người nhà vào phòng đẻ. Đến 5h15 chiều, con chào đời. Bé lập tức được thực hiện phương pháp da kề da với mẹ. Sau đó người nhà ra ngoài và đợi sẵn ở cửa phòng sau sinh, 2 mẹ con được đẩy vào phòng đó. Thật sự chúng mình rất hạnh phúc khi con chào đời bình an.
Phòng sau sinh
Sau sinh mình nằm theo dõi 6 tiếng mới được lên phòng. Vì viện hết phòng nên không được chọn, mình đăng kí phòng 1 giường nhưng được sắp phòng 2 giường. Chuyện này mình cũng thông cảm vì có lúc sẽ hết phòng đó. Phòng mình nằm có giá là 1,2 triệu/đêm.
Chồng chị Tuyền ban đầu có chút bỡ ngỡ nhưng sau đó đã quen với việc chăm em bé.
Chăm sóc sau sinh
Hàng ngày sẽ có bác sĩ, y tá chăm sóc mẹ và em bé. Ai cũng nhiệt tình, nhẹ nhàng nên cảm thấy được yêu thương lắm. Mỗi sáng các cô bế con đi tắm, đi xét nghiệm hay đi đâu các cô cũng đón tận giường và trả tận giường, bố nào không biết chăm cứ mang qua nhờ các cô chăm, đêm đầu mình cũng gửi Dứa cho các cô chăm giúp.
Lúc sinh xong mình không thấy đau nữa, mình đoán chắc vẫn còn thuốc giảm đau. Sang đến ngày thứ hai thì hơi đau, nhưng đặt thuốc đỡ ngay. Mình đăng kí chiếu tia Plasma sau sinh (5 lần) vết khâu nhanh khô và liền. Hàng ngày y tá vệ sinh vết khâu, thay băng cho. Ăn uống theo suất ăn mang tới tận phòng. Mình không phải làm gì cả, đã có bác sĩ và các cô y tá hỏi han tận nơi và làm cho hết. Việc của mình chỉ cần nghỉ ngơi thôi.
Mình nằm viện 2 đêm thì ra viện, lúc về thấy nhớ mọi người lắm. Cô y tá bế Dứa bảo con em thích được ôm đấy, cô ôm cả đêm!
Chỉ có 1 người chăm sóc cho sản phụ và không được phép thay đổi người cho tới khi ra viện.
Chi phí
Lúc vào viện mình đóng tạm ứng 28 triệu, dùng những dịch vụ nào sẽ tính tiền dịch vụ đó. Lần này đi sinh, mình tiêu hết khoảng 25 triệu (đã trừ BHYT gần 1 triệu).
Chia sẻ thêm với chúng tôi, chị Nguyễn Tuyền cho biết cảm thấy rất hài lòng và không có chút bất tiện nào cả. Đúng là vì mùa dịch nên viện làm các thủ tục rất nghiêm túc và chặt chẽ, mọi người đều phải test Covid. Nhưng chính vì vậy chị Tuyền cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.
Chị Tuyền cũng chia sẻ thêm ban đầu khá băn khoăn không biết phải chọn mẹ hay chồng vào chăm sóc vì viện chỉ cho phép 1 người vào cùng và không được thay đổi. Sau khi suy nghĩ chị đã chọn chồng để cả gia đình ở bên nhau trong giờ phút quan trọng ấy: "Ban đầu anh nhà mình cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng được y tá hỗ trợ và hướng dẫn là anh làm được ngay. Điều làm mình ấn tượng nhất là trong khoa hôm mình đi đẻ, gần như toàn các ông chồng vào cùng vợ chứ hiếm thấy mẹ vợ hay mẹ chồng lắm. Bởi thế mà các ông bố còn chỉ bảo và dạy nhau cách chăm con nữa, trông vừa hài hước vừa đáng yêu".
Hiện tại, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thực hiện các quy định về phòng chống dịch như sau:
- Sàng lọc tất cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi nhập viện.
- Phân luồng bệnh nhân có nguy cơ tại khu vực riêng biệt, tránh nguy cơ lây nhiễm.
- Thực hiện nghiêm túc phương án "4 tại chỗ", đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh: Làm việc tại chỗ - Ăn uống tại chỗ - Sinh hoạt, Nghỉ ngơi tại chỗ - Điều trị tại chỗ và tổ chức làm việc luân phiên 7-14 ngày tại bệnh viện mới đổi ca.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến Bệnh viện thông qua việc thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch cũng rất quan trọng như:
- Phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi nhập viện.
- Mỗi bệnh nhân chỉ tối đa 1 người nhà chăm sóc trong suốt quá trình nằm viện và không được đổi người chăm sóc.
- Bệnh viện cung cấp suất ăn tại giường phục vụ toàn bộ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, vì vậy, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không đi ra khỏi khuôn viên khoa mình điều trị (trừ khi có yêu cầu), không nhận đồ ăn gửi từ bên ngoài vào bệnh viện.
- Thực hiện nghiêm túc quy định 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
- Người nhà bệnh nhân đeo vòng đeo tay dành cho người nhà trong suốt quá trình nằm viện.
San San