(Tổ Quốc) - Để có đầy đủ thực phẩm trong mùa dịch cho 4 người khi các chợ gần nhà đều đã đóng cửa, chị Anh Thy đã áp dụng 4 cách đơn giản sau đây.
Thành phố Biên Hòa là nơi mà gia đình chị Anh Thy đang sinh sống. Tại đây cũng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19. Điều này dẫn đến nhiều sự thay đổi trong cuộc sống và nhất là chuyện chi tiêu lên kế hoạch đi chợ của các gia đình.
"Cũng như người anh Sài Gòn, cầm cự được ít lâu thì thành phố Biên Hòa của mình cũng đang đau nặng lắm. Chỗ mình đã vượt ngàn ca vì bùng từ các chợ đầu mối ở thành phố lớn, lan vào chợ các khu nhỏ, khu nhà trọ công nhân và cả các công ty.
Tủ lạnh đầy ắp thực phẩm của chị Anh Thy tích trữ trong mùa dịch.
Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp quá nên hiện tại mình đã làm ở nhà. Còn nhà ông bà nội và nhà riêng đều nằm lọt trong vùng phong tỏa đã hơn 2 tuần nay. Hai mẹ con hiện đang sống ở ngoại với bà ngoại và mẹ của mình. Còn chồng, ba và em gái đều đã tập trung làm việc 3 tại chỗ ở cơ quan từ lâu.
Mình làm ngân hàng, vốn đã rất bận, thêm chồng là lực lượng vũ trang thì gần như mùa dịch bệnh này chỉ còn một mình cân mọi việc. Mình về ngoại và còn làm việc nên là không phải nấu ăn vì có mẹ và bà ngoại đỡ. Nếu chỉ ở nhà một mình 2 mẹ con, chắc không thể làm cái gì ra hồn vì mình không giỏi bếp núc và con thì luôn mè nheo rồi thắc mắc đủ thứ", chị Anh Thy chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình mình lúc này.
Hoàn cảnh gia đình ít người lại không nấu ăn vì bận công việc nên chị Anh Thy nhận việc lên kế hoạch và mua sắm lương thực cho cả gia đình. Chị Thy chia sẻ, mùa dịch chị cũng có thêm nhiều quy tắc đi chợ mới để phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại.
1. Chợ đóng cửa chị order ship tận nhà, không đi siêu thị
Từ khi giãn cách xã hội, chị Anh Thy không đi mua siêu thị và cũng không dám đi để đảm bảo an toàn. Chị ở nhà rồi đặt hàng và order ship tới tận nơi. Chị Thy có đặt hàng online mua thực phẩm tại các siêu thị như Vinmart, Big C theo hình thức giao tận nhà. Nhìn chung các loại rau ở hai siêu thị này vẫn rất ổn và tươi, thịt tươi sống đầy đủ.
2. Đặt đồ ăn theo hình thức "cuốn chiếu"
Chị Anh Thy luôn đặt đồ ăn theo hình thức "cuốn chiếu". Ví dụ nếu thấy vơi tủ là chị Thy sẽ tìm chỗ và đặt thêm ngay lập tức chứ những đồ mình cần, chị không để hết thực phẩm rồi mới đặt.
3. Linh động chỗ mua, không phụ thuộc
Chị Anh Thy cũng linh động chỗ mua, không phụ thuộc riêng chỗ thân quen hay cửa hàng thực phẩm sạch và phải uy tín như trước. "Giờ nhiều chỗ uy tín mình mua đã nằm trong khu phong tỏa nên họ nghỉ bán rồi. Thế mới thấy mình mua nhiều nơi xong trữ được cũng an tâm phần nào".
4. Mua nhiều nhưng sẽ cố gắng ăn tiết kiệm, không đổ bỏ, không quá cầu kỳ
Thực phẩm được chị Anh Thy chất đầy trong các tủ lưu trữ. Mua nhiều nhưng chị cố gắng ăn tiết kiệm, không đổ bỏ, không quá cầu kỳ.
Theo chị Anh Thy chia sẻ, chị cố gắng trữ đều tủ đông, tủ mát và đồ khô trong bếp. Chị sẽ mua để trữ trong các không gian này đầy đến khi không mua được nữa. Khi sử dụng thì sẽ ưu tiên lần lượt các thực phẩm từ ngăn mát, ngăn đông rồi cả tủ đựng đồ khô. Việc sử dụng thực phẩm song song theo cách hợp lý cũng giúp chị đảm bảo chất lượng, không bị tích trữ quá dài ngày.
"Chợ đã đóng tất cả, nên không thể mua tươi ăn luôn trong ngày. Thế nên cái nào chấp nhận ăn trữ đông được là sẽ trữ mà mình cũng nghĩ mùa dịch thì không khen chê nữa.
Gia đình mình cũng cố gắng ăn tiết kiệm, không đổ bỏ, không quá cầu kỳ. Hồi đó mình còn chảnh, mua về có bịch nylon hút chân không hoặc zip đàng hoàng còn tuột hết ra bỏ hộp. Giờ thì cái nào cứ bọc kín là bỏ tủ luôn vì hộp cũng tốn chỗ.
Và nguyên tắc bất di bất dịch là trữ khoa học và an toàn, không nhồi bịch nylon, trữ nhiều đồ ăn thì hạ nhiệt độ của tủ cho lạnh hơn để bảo quản được lâu", chị Anh Thy chia sẻ.
Ảnh: NVCC
Hồng Nhung