(Tổ Quốc) - Từ lối suy nghĩ chẳng bao giờ mua máy rửa bát mà giờ chị Hoàng Hằng đã nghiện từ lúc nào không hay. Không những thế, sau thời gian dài sử dụng còn giúp chị có nhiều kinh nghiệm trong khoản sắp xếp bát đĩa sao cho hợp lý nữa.
Hồi xưa nghe mọi người nói về việc dùng máy rửa bát chị Hoàng Hằng hay nghĩ: "Ôi dào, vài cái bát rửa loáng cái là xong. Mình mà có tiền mình sẽ mua cái nọ, cái kia chứ không mua cái đó". Thế nhưng khi có con, mình bắt đầu thích mày mò nấu ăn nhưng lại lười dọn dẹp.
Lúc đó, được nhiều chị em mách mới nghĩ tới chuyện sắm một em về nhà thử sử dụng xem có "nhàn cái thân" hay không. Và bất ngờ là mình đã nghiện sử dụng chiếc máy này từ lúc nào không hay. Mình thấy ai chưa mua thì nhất định phải xếp nó vào list những món đồ gia dụng cần mua đầu tiên. Bởi ngoài chức năng giảm gánh nặng việc nhà, chiếc máy rửa bát còn rất tuyệt vời trong việc giúp các loại đồ bếp sạch sẽ, khô ráo, tiệt khuẩn....
"Mình thích bát đĩa trong nhà phải sạch, diệt khuẩn. Đồ sạch ăn bữa cơm cũng cảm thấy ngon miệng hơn. Chưa kể, đống hộp Tupperware của mình cũng hợp với máy rửa bát nên cái nào cái đó sạch bong, sáng bóng, thơm tho lắm lắm luôn. Chứ trước mình dùng hộp thích nhưng hơi ngại khoản rửa tay vì rửa không cẩn thận thì thế nào nó cũng còn nhớt, rất khó chịu.
Lưu ý với các chị em dùng máy rửa bát để rửa hộp Tupperware thì phần nắp đặc biệt là hộp đông mỏng nên để ở ngăn đũa thìa để tránh cong vẹo, hộp nên rửa ở ngăn bát thứ 2, tránh tối đa bỏ ngăn cuối vì dễ bị móp do dòng nước mạnh.... Muốn hộp bền thì chỉ nên rửa ở chế độ eco 50 độ C, không nên rửa ở chế độ nước nóng nhất. Không chọn thêm chức năng diệt khẩu nếu rửa hộp Tupperware nữa".
Lưu ý với các chị em dùng máy rửa bát để rửa hộp Tupperware thì phần nắp đặc biệt là hộp đông mỏng nên để ở ngăn đũa thìa để tránh cong vẹo, hộp nên rửa ở ngăn bát thứ 2, tránh tối đa bỏ ngăn cuối vì dễ bị móp do dòng nước mạnh....
Chiếc máy rửa bát mà gia đình chị Hoàng Hằng đang sử dụng là Bosch SR4 MI05 có giá bán gần 20 triệu đồng. Mỗi ngày chị rửa 2 lần, mà lần nào cũng đầy ứ cái máy 13 bộ.
"Mình nghĩ cái nào cũng được miễn có là được, nhiều tiền thì mua to, ít tiền thì chọn vừa, vì cũng như điện thoại thì cái ít tiền cũng nghe gọi được, nhiều tiền thì thêm chức năng nhưng chức năng chính thì cũng như nhau thôi. Cứ mua vừa với khả năng nhà mình là được.
Khi mua thì nên chọn thương hiệu uy tín, phải hỏi rõ đổi trả bao lâu, bảo hành bao lâu.... Cái này mua nhà phân phối Việt Nam thì yên tâm hơn là mua hàng xách tay vì máy móc này còn bảo hành, hên thì không sao chứ nó trục trặc mà không có bảo hành thì khó", chị Hoàng Hằng cho biết.
Theo chị Hoàng Hằng, trước khi bắt đầu thao tác trên máy rửa bát, chị em cũng cần phải nắm rõ được cách xếp bát đũa vào máy rửa bát sao cho phù hợp. Việc sắp xếp một cách hợp lý sẽ giúp bát đũa của gia đình bạn được rửa sạch và đều hơn, tiết kiệm nước và chất tẩy rửa hơn. Cụ thể:
- Khay/giỏ đáy:
Đặt dụng cụ của bạn sao cho phần bẩn nhất đối diện với cánh tay phun, nên đặt các dụng cụ nặng vào giỏ đáy như nồi, chảo, khay, thớt… và không được đặt chồng lên nhau.
Với các vật dụng lớn như chảo nướng, khay nướng, thớt… thì bạn nên đặt hướng về phía trong sát với tường khoang máy rửa bát, tránh việc chúng chặn mất chất tẩy rửa hoặc tia nước, ảnh hưởng đến việc làm sạch dụng cụ khác.
Khoang máy rửa bát của nhà chị Hoàng Hằng có tới 16 chỗ đặt đồ hoàn chỉnh, có các khe FlexSpace có thể dễ dàng vừa với những dụng cụ lớn, giúp giữ nồi chảo ở tư thế tiết kiệm không gian nhất.
- Khay/giỏ giữa:
Khay/giỏ giữa thường dùng để xếp các dụng cụ nhỏ hơn như ly, cốc thủy tinh. Máy có vị trí đặt ly và cốc ở riêng một góc, khi xếp đồ bạn nên đặt úp ly, cốc để nước không bị đọng sau khi rửa.
Những đồ vật nhỏ như chén gia vị bạn cần sắp xếp thật cẩn thận, tránh làm chúng lọt xuống trong khi rửa. Nhiều dòng máy rửa bát có hệ thống ray linh động RackMatic cho phép điều chỉnh giỏ giữa ở các vị trí khác nhau. Hầu hết máy rửa bát của dòng Bosch đều có giá đỡ thứ 3 đạt tiêu chuẩn, cung cấp đủ không gian cho dụng cụ như muôi, xẻng chiên lớn.
- Khay/giỏ trên cùng:
Khay trên cùng thường dùng để xếp các dụng cụ như dao kéo, phụ kiện bàn ăn như đũa, thìa, dĩa, muỗng… Nên tách thìa và nĩa rời ra để chúng không lồng vào nhau, đặt dao và lưỡi dao úp xuống để tránh cắt vào tay khi lấy đồ ra.
Nếu bạn định rửa đồ làm bằng bạc trong máy rửa bát thì không nên đặt chung với đồ inox. Máy rửa bát có những khay phẳng chuyên đựng dụng cụ phụ kiện trên cùng, có thể tháo rời, đặt dọc bên hông, hoặc ở giữa của giá thấp hơn nên bạn có thể linh động để tận dụng tối đa không gian nhé.
Ảnh: NVCC
Hồng Nhung