(Tổ Quốc) - "Gia đình tôi ít học làm sao đũa mốc đòi chọc mâm son. Nhà người danh giá thì xin mời tìm mối khác" - bà D. xồn xồn lên ở nhà thông gia.
L. là một giáo viên dạy trường làng. Dù xinh đẹp, khéo léo nhưng cô luôn mang cái danh là "cao số" vì mấy lần định lấy chồng thì lại xảy ra chuyện.
Lần thứ nhất, chỉ còn ít tháng nữa là cô lên xe hoa về làm dâu nhà người ta. Nhưng sát ngày cưới thì phát hiện chồng tương lai "bắt cá hai tay".
Dù gia đình nhà đó sang tận nhà xin lỗi nhưng trái tim L. tan nát, cô không còn đủ tự tin để làm vợ anh. "Xin đừng nói chuyện trăm năm, 5 năm còn khó huống chi cả đời" - đó là câu mà L. cảm thấy cay đắng nhất khi đó.
Sau đó cô cũng yêu thêm một vài người nhưng chuyện tình cũng chẳng đi đến đâu. Cứ yêu một vài tháng thì người ta lại thôi hoặc yêu người khác. L. chỉ còn biết trách phận hẩm hiu chứ còn trách được ai?
Hai năm đổ lại đây, L. có yêu một anh chàng cùng làng. Người yêu đó mở một trang trại vịt, ngày ngày đi bán trứng và xuất vịt cho mối lái.
Vì xác định sẽ đi xa hơn trong mối quan hệ với anh, L. cũng chẳng nề hà gì. Sau mỗi giờ giảng bài ở trường, cô lại về xắn tay áo giúp người yêu thu lượm trứng vịt rồi cùng anh đi ship hàng.
Tuy nhiên sau đợt dịch, việc chăn nuôi của người yêu L. gặp khó khăn hơn. Hàng quán chưa mở nhiều khiến đầu ra bị chững, giá thành cũng bị hạ xuống nhiều, chi phí chăn nuôi thì vẫn tăng...
Gia đình nhà L. và người yêu đã nói chuyện người lớn. Đám cưới đã dự tính được tổ chức ngay sau Tết vừa rồi thì ai ngờ vướng dịch cũng bị hoãn lại.
Bố mẹ L. ngày đêm lo lắng, bởi quả bom nổ chậm này đã bị lỡ lên xe hoa mấy lần. Hơn nữa cô cũng không còn trẻ trung gì. Năm nay thì đẹp tuổi chứ không lại phải chờ thêm 2 năm nữa. Tương lai ai biết được nó sẽ ra sao?
Ấy vậy mà một hôm vừa đi làm về còn chưa kịp nghỉ ngơi, mẹ chồng tương lai của L. đã xồn xồn chạy sang.
Từ đầu ngõ bà đã lớn tiếng: "Ông B. đâu rồi, bà T. đâu rồi".
Thấy mẹ người yêu L. sang thì cả nhà L. ra tiếp niềm nở. Ông B. - bố của L tươi cười: "Có chuyện gì thế bà thông gia, cái L. nó cũng vừa về đến nhà đây".
Nhưng người phụ nữ kia không hề vui vẻ mà mặt sưng mày xỉa: "Thôi thông gia cái gì? Tôi sang đây là để hủy cưới. Tôi nói luôn cho nó vuông. Gia đình tôi ít học, thằng con tôi cũng chỉ là đứa chăn vịt làm sao dám với mâm cao, con gái danh giá của nhà ông bà".
Nghe những lời nói thốt ra từ miệng mẹ người yêu L., cả gia đình cô gái như "sét đánh ngang tai".
Ông B. vẫn dịu giọng: "Có chuyện gì thế bà? Bà cứ ngồi xuống đây uống nước đã, có gì không phải mình làm cho ra lẽ".
"Thôi tôi cũng chẳng dám ngồi. Tôi đi chợ thấy người ta nói là bà T. thì chê thằng con tôi nghèo, không có chí. Con gái ông thì đang định tìm mối khác vì chán cảnh chân tay lấm láp, hôi hám của con tôi. Rồi còn chê con tôi ít học, không sánh được với nó. Gớm cái loại cao số còn bày đặt" - mẹ người yêu của L. bĩu môi.
Nói xong như hả lòng hả dạ, người phụ nữ này quay người đi về.
L. vẫn biết mẹ của người yêu cô hơi mê tín, dù đã nói chuyện người lớn nhưng bà vẫn canh cánh cô là người "cao số". Nhưng cô không ngờ lại xảy ra sự việc này.
Ông B. tức giận quát con gái: "Mày làm cái gì mà người ta đến tận nhà xỉa xói? Cả bà nữa, bà lại đi buôn dưa đặt điều đúng không?".
Nhưng cả L. và mẹ cô đều không hiểu chuyện gì xảy ra. L. buồn bã đi vào trong nhà nằm, chẳng thiết ăn uống. Thế là lại một lần nữa chuyện hôn sự của cô đi vào bế tắc. Đúng là không mê tín cũng thành mê tín. L. cười nhạt khi nghĩ về thân phận mình, hai dòng nước mắt cứ lăn dài trên má. Cô cũng hận là mình không thể gào khóc to hơn.
L. nhắn tin cho người yêu nhưng anh không trả lời? Vậy rốt cục có chuyện gì xảy ra?
Cô nàng xin nghỉ vài hôm không đi dạy. Bố mẹ của L. cũng như già thêm đến chục tuổi chỉ sau 1 đêm. Ở nhà chẳng ai nói với ai một điều gì. Không khí nặng nề đến nghẹt thở....
Nhưng rồi L. nghĩ rằng có lẽ số phận cô đã như vậy rồi, người ta không muốn lấy mình sẽ có nhiều cách từ chối. Cô có vui vẻ, lạc quan lên thì bố mẹ mới vui được. Chứ cứ mãi ủ rũ thế này thì mẹ cô cũng ngã bệnh vì con cái.
Nghĩ vậy, L. đi làm trở lại. Những ngày đầu quả thực không dễ dàng vượt qua. Bởi L. là cô giáo dạy trường làng, bước ra đến cửa đã có người bàn tán xì xào. Nhưng L. kệ, người ta có nói cũng chỉ vài tháng chứ cũng chẳng nói được cả đời...
Một hôm đi về nhà giữa trời nắng chang chang, L. thấy bóng dáng mẹ của người yêu đang dong chiếc xe đạp lóc cóc. Mồ hôi bà nhễ nhại, có thể đã dong một đoạn dài. Chiếc xe bị thủng săm.
Dù ngại nhưng L. vẫn tiến lại hỏi han: "Bác ơi, xe đạp hỏng rồi, bác lên xe cháu đèo về chứ đường về nhà còn xa lắm ạ?".
Thấy L., bà ta chẳng buồn trả lời. Nhưng cô chẳng nói câu nào nữa, dựng xe máy sang lề đường rồi giành lấy chiếc xe đạp từ tay mẹ người yêu, dong thật nhanh đến quán sửa xe gần đó rồi gửi lại.
Xong xuôi cô vác bao gạo từ xe của mẹ bạn trai về xe mình rồi phi xe đến chỗ bà đang đứng: "Thôi bác cứ lên đây, trời quá trưa rồi, bà đi bộ rồi lại say nắng. Anh K. bảo bác bị huyết áp, đi nắng thế này không tốt".
Do mệt mà thấy đường về nhà còn xa nên mẹ của bạn trai L cũng leo lên xe cô. Nhưng cả đoạn đường không ai nói với ai câu nào. L. đưa bà về đến nhà cẩn thận rồi mới quay xe về nhà mình.
Một bận khác khi đang trên đường về nhà, mẹ người yêu cũ của L. bỗng chặn xe cô rồi vờ quan tâm: "L. đấy à, dạo này khỏe không cháu. Bữa nọ cô mới nghe nhà bà U. sang tận nhà hủy hôn à? Úi giời rõ khổ, con gái xinh thế này. Ngày xưa bảo lấy con bác thì không cơ. Nó có chăng hoa một tí nhưng rồi nó lại về với vợ với con.
Chứ bác nghe bà U. không thích cháu lâu rồi. Đi đâu bà chả kể cháu cao số. Gớm cái loại nhà ấy chăn vịt toét ra có mấy đồng bạc đã không coi nhà người ta ra gì rồi".
L. nghe những lời từ người phụ nữ này thì nổi nóng, bởi cô vốn không thích đặt điều: "Cái bác này, cháu bị hủy hôn thì có sao. Cháu ế cả đời cũng không lấy con trai lăng nhăng nhà bác. Nhà bác U. không thích cháu cũng được nhưng ít ra họ không đi "buôn dưa" như bác. À thì ra chính bác kể với bác ấy là cháu chê nhà người ta à? Bác nói thế mà nghe được à?.
Anh K. có nghèo đi chăng nữa nhưng anh ấy vẫn đang kiếm những đồng tiền chân chính".
"Ối dồi, cành cao cành thấp để xem ai chịu lấy cô. Ừ tôi nói đấy thì đã sao? Cô mà sống tốt thì người ta chê được à?" - Người phụ nữ kia vênh váo.
Đúng lúc ấy mẹ của K. từ đâu chạy ra cũng lớn tiếng: "À thì ra là bà. Ở nhà tôi thì bà đặt điều cho cái L. Gặp nó bà lại nói xấu nhà tôi. Hóa ra bà định phá hạnh phúc của chúng nó. Bà bảo con tôi làm sao? Chăn vịt thì làm sao?".
Hai người phụ nữ định xông phi vào đánh nhau may có L. can được.
Chiều hôm ấy, mẹ của người yêu cô lại sang nhà L.. Lần này bà xách theo đôi vịt sang, nhìn thấy bóng bố L. ở nhà, người phụ nữ đã đon đả: "Ông thông gia đấy à? Cháu L. đã đi làm về chưa? Bữa trước nhà tôi có hiểu nhầm. Cũng vì tôi nhẹ dạ cả tin nghe người ta đặt điều. Nay tôi sang đây xin ông với bà tha lỗi cho. Tối chồng tôi sang nói chuyện cho tử tế ạ? Tôi cũng nóng tính nhưng giờ thì tôi thấy mình sai quá sai rồi".
Thấy nhà thông gia mở lời trước, ông B. cũng không muốn làm quá: "Bà nói vậy thì gia đình chúng tôi cũng không trách cứ gì nữa. Tôi biết bà vẫn mặc cảm cái L. nhà tôi cao số. Nhưng số nó toàn gặp những thành phần xấu chắn đường. Bữa trước tôi giận lắm, nhưng vì hạnh phúc của chúng nó thì tôi cũng cho qua. Xem ý con L. nó thế nào rồi quyết".
Tối hôm ấy cả nhà người yêu của L. sang xin lỗi cô và gia đình. Người yêu cô cũng sang. Anh mong cô tha lỗi vì đang chán ngán việc chăn nuôi không ra sao, lại tưởng cô chê anh nên có chút giận dỗi.
Tiếng cười lại vang khắp không gian nhà L. Mọi hiểu lầm được hóa giải. Hai nhà cũng tiện bàn luôn chuyện cưới xin.
Riêng mẹ của người yêu L. thì thêm thương yêu con dâu hết mực. Có qua khó khăn, ngăn trở mới thấy được tấm lòng của cô gái. Bà cũng nhận thấy mình không nên nghe lời đặt điều tầm phào nữa. Việc thật người thật còn chưa ăn ai nữa mà?
Hướng Dương HT