(Tổ Quốc) - Nhìn những mâm cơm ấy mà anh Quang nghẹn ngào không nói được gì. Mẹ anh, đã quá đáng quá rồi…
Anh Quang đã kết hôn 3 năm. Anh tâm sự, khi anh đưa ra quyết định đi làm xa nhà, vợ anh đang mang bầu. Để lại vợ dại con thơ và mẹ già ở nhà, anh cũng khổ tâm lắm. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, thực sự chả còn cách nào khác. Anh cho rằng vợ với mẹ ở nhà sẽ ổn thỏa. Ngờ đâu, câu chuyện của gia đình anh lại bắt đầu từ một thứ nhỏ nhặt, là những mâm cơm hàng ngày ở nhà của mẹ và vợ.
“Vợ tôi có bầu ngay sau khi cưới. Mẹ tôi sức khỏe kém không thể trông cháu. Nên tôi bảo cô ấy nghỉ làm từ khi cấn thai, xác định ở nhà đến khi con 2 tuổi”, anh Quang chậm rãi kể.
Anh nói, hàng tháng khi lĩnh lương, anh sẽ gửi tiền cho mẹ mình để bà lo chi tiêu, ăn uống trong nhà. Sở dĩ anh gửi tiền cho mẹ mà không gửi cho vợ, vì mẹ anh đề nghị vậy. Anh thì nghĩ đơn giản, gửi cho ai mà chẳng giống nhau.
Được thời gian ngắn, vợ anh bắt đầu than thở bữa cơm chẳng có gì ăn. Bầu bí không được bồi dưỡng, thèm ăn món này món kia mà mẹ chồng nhất định không mua. Anh lấy làm lạ, tiền nong anh gửi về bảo nhiều chẳng nhiều song ăn uống hàng ngày thì không cần nghĩ ngợi.
Anh Quang hỏi mẹ, bà lập tức khóc lóc kể vợ anh kén ăn, tính tiểu thư đỏng đảnh. Bà mua gì cũng chê ỏng chê eo. Ăn uống vô cùng lãng phí, muốn ăn sơn hào hải vị chắc mới vừa lòng. Anh Quang nghĩ lại, trước đây khi anh còn ở nhà, mẹ anh vẫn lo cơm nước. Anh hoàn toàn hài lòng, lấy đâu ra chuyện cơm rau cơm muối như vợ anh miêu tả.
Từ đó anh không muốn nghe bất cứ lời ca thán nào từ vợ. Vì anh nghĩ vợ mình đòi hỏi quá mức so với hoàn cảnh. Anh còn mắng vợ té tát nếu cô dám chê bai đồ ăn thức uống mẹ chồng mua về. Dần dà, vợ anh “biết điều” hơn, không còn kể khổ gì với chồng nữa.
Anh Quang chia sẻ, ngày vợ sinh anh nghỉ phép 1 tuần về chăm vợ con. Trong khoảng thời gian ấy, nhìn mẹ mình chu đáo từng bữa ăn đầy đủ dưỡng chất cho vợ, anh càng trách cô đòi hỏi quá đáng.
Hết 1 tuần nghỉ phép, anh lại lên đường đi làm. Dự định phải mấy tháng sau mới về được lần nữa. Nhưng vào ngày đầy tháng con, công việc thong thả hơn, anh quyết định tranh thủ về 2 ngày. Dịp trọng đại đầu tiên trong đời con, anh thật sự mong có mặt để chứng kiến.
Anh Quang bảo, anh về mà không báo trước. Vợ nhìn thấy anh, bất ngờ lắm. “Em ăn gì chưa? Mẹ đâu?”, anh hỏi vợ. Thì ra mẹ anh đi ăn cỗ cưới người quen. Vợ anh bỗng rút điện thoại gọi cho mẹ chồng.
“Cơm cô tự cắm đi, thức ăn thừa trong tủ lạnh vẫn còn đấy… Cái gì? Mua bỉm á? Cô dùng gì mà dùng tốn thế, vừa dùng vừa ăn hả?”, giọng mẹ chồng đầy vẻ khó chịu vọng ra từ điện thoại. Anh Quang lặng người.
Anh khổ sở nói, anh đứng dậy mở tủ lạnh thì thấy trống trơn. Ngoài vài miếng thịt lợn toàn mỡ đâu có gì khác. Vợ anh mở điện thoại đưa cho chồng xem. Những mâm cơm mẹ chồng chuẩn bị cho vợ trong tháng cữ khi anh vắng nhà, khác 1 trời 1 vực so với hôm anh có mặt.
Ngoài ra còn rất nhiều ảnh chụp những bữa ăn trước đây khi cô chưa sinh. Cô không có tiền, mẹ chồng mua gì về thì nấu nướng thế. Nhìn những mâm cơm ấy mà anh Quang nghẹn ngào không nói được gì. Mẹ anh, đã quá đáng quá rồi…
Anh xót xa hỏi vợ, sao trước đây không gửi ảnh cho anh. Cô quay mặt đi, nghẹn ngào: “Anh có tin em đâu…”. Anh Quang áy náy vô cùng, với vợ và cả con trai lúc thằng bé còn trong bụng mẹ. Ăn uống như thế... cũng may con anh khỏe mạnh, kháu khỉnh chào đời. Anh ôm chặt vợ, vỗ về xin lỗi cô mà mắt anh cũng đỏ hoe vì thương vợ con.
Anh Quang chia sẻ, tối ấy anh đã có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với mẹ mình. Cuối cùng đi đến thống nhất, từ giờ anh sẽ gửi tiền về cho vợ để cô chợ búa, cơm nước. Bà thích ăn gì thì bảo con dâu mua. Con anh cần nguồn sữa tốt, vợ cần dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe, ăn uống theo chế độ của mẹ anh thật sự không thể chấp nhận được!
Thược Dược