(Tổ Quốc) - Khi Linh vừa đặt vấn đề thuê người giúp việc về trông cháu thì mẹ chồng tiếc tiền, rồi thản nhiên nói: "Gọi điện bảo bà ngoại lên trông". Linh vâng lời, nhưng...
Linh lấy Dũng, là con dâu thứ 2 của nhà bà Tú. Vì anh chị cả ngay sau khi lập gia đình đã rồng rắn vào Sài Gòn lập nghiệp, đâm ra vợ chồng cô phải sống chung với bố mẹ Dũng để tiện chăm sóc ông bà.
Mẹ chồng Linh là người chặt chẽ trong chuyện tiền bạc, mà nói trắng ra là tham tiền. Mặc dù Dũng đã có vợ nhưng bà vẫn đòi cầm tiền lương hàng tháng của anh. Linh có mấy lần thắc mắc thì Dũng toàn chép miệng xuề xòa: "Ôi dào, mẹ cầm cho là tốt ấy. Vợ chồng mình còn trẻ hay tiêu hoang nên cứ để bà giữ. Sau mình muốn chi tiêu gì thì chỉ cần nói với mẹ là mẹ đưa cho, thế có phải hơn không? Mà đưa tiền cho mẹ, mẹ trích ra 1 ít để thêm thắt vào tiền mua thức ăn. Anh nghĩ cũng phải...".
Thấy nhiều lần Dũng nói thế Linh cũng chẳng phàn nàn nữa, bởi có nói thì anh cũng bênh. Nhưng điều cô bực nhất đó là, dù đã cầm tiền của Dũng, mẹ chồng lại chẳng bỏ ra đồng nào để mua thức ăn, hay thanh toán tiền điện nước hàng tháng. Tất tật đều là do Linh trích lương của mình ra chi trả.
Đã thế bà còn lười biếng. Linh cũng biết rằng phận làm dâu thì phải lo toan cơm nước rồi mọi chuyện trong nhà. Nhưng nhiều hôm cô bận việc ở công ty hay tắc đường nên về muộn, bà cũng chẳng buồn cắm hộ cho nồi cơm. Ăn tối muộn thì bố chồng lại phàn nàn, chê trách. Nhiều hôm ông lại mặt nặng mày nhẹ với cô.
Mấy tháng nay thì Linh ở nhà vì đang trong thời gian nghỉ thai sản. Cô không chi trả được tiền ăn, tiền sinh hoạt hàng tháng của cả nhà nữa, bấy giờ mẹ chồng mới bắt đầu bỏ tiền ra. Bà suốt ngày phàn nàn rằng nhà có 4 người với 1 đứa trẻ nhỏ mà dùng tốn điện, tốn nước. Linh cười nhạt, chẳng nhẽ cô lại đốp chát lại rằng thế mấy tháng hè cả nhà dùng điều hòa từ sáng đến tối, rồi quạt bật ầm ầm, nước xả thoải mái... thì chắc hết ít tiền?
Chỉ còn hơn tháng nữa là Linh phải đi làm trở lại. Cô bàn tính với chồng chuyện thuê người giúp việc. Bỏ ra mấy triệu một tháng nhưng vợ chồng rồi thì ông bà cũng đỡ vất vả trông cháu, cô cũng không phải mau mải về nhà lo chuyện cơm nước... Tiền lương của Dũng sẽ cắt ra để trả tiền giúp việc và tiền ăn uống của cả nhà. Còn tiền của Linh thì để mua bỉm sữa cho con rồi dư giả tí nào thì 2 vợ chồng gửi tiết kiệm.
Nhưng đúng lúc đó, bà Tú đi qua phòng của 2 vợ chồng Linh, nghe thấy câu chuyện của 2 vợ chồng. Bà xộc thẳng vào trong, chẳng thèm gõ cửa: "Thuê giúp việc làm gì, tốn tiền. Tiền đó làm được ối việc con ạ".
Linh có phần bực bội nhưng cô vẫn giữ thái độ hòa nhã với mẹ chồng: "Nhưng sang tháng con đi làm rồi, không có người trông cháu mẹ ạ. Con tính thế để mẹ cũng đỡ vất vả, chứ thằng Tít nó quấy, mẹ lại không được nghỉ ngơi".
Bà Tú ngồi phịch xuống giường xua xua tay: "Ôi dào, trông được hết. À mà mẹ con ở quê mùa này cũng không bận gặt hái gì, con gọi bà lên trông. Bà vừa được gần cháu mà cũng yên tâm. Có ai chăm cháu tốt bằng bà nó đâu...".
Dũng cũng nhanh nhảu thêm lời: "Đúng rồi đấy. Em gọi mẹ lên đi...".
Linh vui vẻ đồng ý, cô gọi luôn cho mẹ đẻ nhờ bà lên sớm để trông cháu cho đứa trẻ quen hơi. Mẹ cô nhận lời luôn và ngay hôm sau bà đã khăn gói lên đường. Thế là 1 tháng đó, mẹ đẻ thay Linh chăm sóc cháu. Mẹ chồng thì vẫn thong dong như ngày nào, sáng đi tập dưỡng sinh đến trưa mới về ăn cơm, chiều ngủ dậy thì đi "buôn dưa lê, bán dưa chuột" đến tối mò mẫm mới thấy ở nhà. Bà Tú chỉ được cái nịnh bợ là giỏi, bà luôn mồm khen: "Đúng là không gì tốt bằng bà chăm cháu. Đứa bé lại quấn quýt bà ngoại thế chứ...".
Nhưng đến cuối tháng bất ngờ Linh bảo mẹ đẻ về quê. Trước khi bà lên taxi, cô còn biếu 7 triệu. Linh nói rằng bà cứ cầm không phải ngại. Còn tiền lương của chồng Linh tháng đó, cô không đưa cho mẹ chồng nữa.
Quá ngày lĩnh lương của Dũng mà chưa thấy con trai đưa tiền cho mình, bà Tú mới thắc mắc. Linh thản nhiên trả lời: "Tiền anh Dũng đi làm tháng này, con trích ra biếu mẹ con công chăm cháu vất vả rồi ạ. Số còn lại con để mua thức ăn cho cả nhà. Con đi làm bây giờ không kiếm được tiền như lúc trước nữa, không kham nổi tất cả, đành bảo chồng thêm vào với con".
Y như Linh đoán, bà Tú làu bàu: "Bảo bà ngoại lên trông cháu để đỡ tiền chứ vẫn mất thì như không à?"
Linh cười: "Ơ hay, mẹ con lên đây thì việc nhà mẹ con cũng phải bỏ dở. Con không trả lương cho mẹ con, thì con cũng phải biếu tiền cho bà về chăm ông chứ. Suốt 2 tuần con ở trong bệnh viện chờ sinh, mẹ con lên chăm. Lúc đó, bố con ở nhà ăn cơm rau với trứng đã thiệt thòi rồi. Đáng nhẽ đó là việc của mẹ, ai lại cháu bà nội tội bà ngoại thế. Mẹ con đã không phàn nàn thì thôi. Mà mẹ cũng khen hết lời bà ngoại chăm cháu tốt quá con gì.
Con nghĩ biếu tiền bà để bà phấn khởi, sau có nhờ thêm nó lại dễ mẹ ạ. Mẹ vẫn cứ việc đi tập dưỡng sinh, đi buôn dưa với các bà trong xóm. Mà nếu mẹ tiếc tiền thì từ mai mẹ trông cháu giúp cơn, con đỡ khoản phải đi thuê người..."
Nghe Linh nói thế, bà Tú "tối mặt" chẳng nói được câu gì. Bà chỉ gật gù một cách miễn cưỡng: "Thôi thì biếu bà ngoại cũng được, chẳng đi đâu mà thiệt". Linh được thể nói luôn: "Thế mấy hôm nữa mẹ con lo xong việc ở nhà, con lại gọi bà lên trông cháu mẹ nhé..."
Nhưng bà Tú nghĩ ngợi thế nào lại thấy tiếc tiền, liền bảo: "Thôi không phải gọi bà lên nữa. Chắc ở quê bà cũng bận mải. Cứ để mẹ trông cháu. Tiền đấy cứ đưa đây..."
Linh đồng ý. Thế là từ đầu tháng nay, cô đưa cho mẹ chồng 7 triệu tiền trông cháu, ngoài ra không đưa gì thêm. Tiền lương của chồng Linh nhất quyết đòi quản, Dũng cũng chẳng phàn nàn gì được vợ. Linh nghĩ đã đến lúc mình phải làm rắn rồi!
Hướng Dương HT