(Tổ Quốc) - Chị Trang rất háo hức khi biết việc kiểm tra này có khả năng dự báo chiều cao tương lai của các con mình.
Dự báo chiều cao khi 18 tuổi
Chị Minh Trang (sống tại Hà Nội) cho biết con thứ 2 của chị đều khá gầy và bị các bà kêu thường xuyên, tuy nhiên với chị điều đó không đáng sợ bằng việc các bé sẽ không cao vì bố mẹ chỉ mang tầm vóc trung bình. Thế nên, khi biết đến việc đo xương để kiểm tra chiều cao lúc trưởng thành chị và ông xã đã cho các bé đi kiểm tra ngay.
Chị Trang cho biết từ năm 2020, bệnh viện thể thao Việt Nam ở ngay Mỹ Đình đã triển khai gói dịch vụ khám tư vấn dinh dưỡng và phát triển chiều cao. Hiện đang thời kì dịch bệnh nên đến cả gia đình từ người lớn đến trẻ con đều phải thực hiện test nhanh (mẫu 2 người gộp hết 280.000 đồng). Tiếp theo vào lấy số khám và đóng tạm ứng (2triệu/ 2 bé). Để tiết kiệm thời gian, bệnh viện chấp nhận mang kết quả test nhanh từ nơi khác đến.
"Bác sĩ sẽ đo chiều cao, cân nặng của con rồi cho đi chụp xương bàn tay không thuận. Chụp xương tay và lấy kết quả khoảng 15 phút. Khi có kết quả đưa trả về bác sĩ thì cả nhà sẽ ngồi ngoài chờ. Theo như bạn mình kể và mình tìm hiểu thì về nguyên tắc sẽ đo xương bàn tay, tỷ lệ sụn xương, chiều cao và tuổi hiện tại, tính tỷ lệ để ra chiều cao tương lai (cụ thể là khi 18 tuổi).
Bệnh viện nơi chị Trang đưa các con tới kiểm tra chiều cao.
Và ở công đoạn này bác sĩ tư vấn mình là sẽ có phần mềm khoa học tính toán cho. Kết quả, Navi và Hiro đều có chiều cao tương lai khá tốt, không cần can thiệp thuốc thang gì cả. Chỉ cần duy trì chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc. Bác sĩ bảo kết quả này sẽ sai lệch (-) từ 1 đến 3 cm. Cách tính toán này trước đây chỉ dành cho bên thể dục thể thao tuyển chọn vận động viên các môn như kiểu bóng chuyền, bóng rổ. Giờ các bố mẹ có điều kiện quan tâm đến con có thể đi kiểm tra sớm để tầm soát thấp còi.
Kiểm tra này dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Tuổi nào trước 18 cũng đo được nhưng tốt nhất trước dậy thì nếu muốn can thiệp cải thiện chiều cao. Nhưng nếu dậy thì rồi thì vẫn được. 2 bạn nhà mình không phải làm thêm xét nghiệm gì cả, tổng chi phí là 200.000 (khám tư vấn) 98.000 (chụp X- quang) 70.000 (xét nghiệm Covid). Nói chung mình thấy đây là dịch vụ hay mà nhiều bố mẹ (giống mình trước đây) không biết đến", chị Trang chia sẻ.
Biết chiều cao của con để có chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý
Trao đổi thêm về vấn đề này, chị Minh Trang cho biết chị cao 1m60 và chồng chị là 1m71. Cả 2 đều cũng chỉ có chiều cao trung bình, hơn nữa hiện nay rất nhiều trẻ bị dậy thì sớm vì thế chị khá lo lắng trong việc phát triển chiều cao của con.
"Hai con của mình 1 bạn hơn 7 tuổi và 1 bạn gần 5 tuổi, đều trong giai đoạn có thể đi đo chiều cao được rồi. Nên khi biết gói dịch vụ này, mình đã cho con đi ngay để có thể biết được thông tin về dự báo chiều cao đến tuổi trưởng thành (18 tuổi) của con mình sẽ cao hay thấp. Từ đó có chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý hơn. Mình nghĩ can thiệp càng sớm càng tốt.
Sau khi đo thì kết quả tương lai của 2 bạn nhà mình trộm vía khá tốt. Bạn gái hơn 7 tuổi được dự báo 1m71 còn bạn trai gần 5 tuổi là 1m78-1m80. Tuy nhiên, theo mình tất cả đều chỉ là dự báo. Mình vẫn không thể nào lơ là dinh dưỡng, tập luyện, chế độ sinh hoạt của trẻ được. Như bé trai nhà mình được đánh giá là gầy theo chuẩn BMI và cần phải ăn đủ chất hơn nữa", bà mẹ 2 con tâm sự.
Hai bé nhà chị Trang đều được dự đoán sẽ có chiều cao khá tốt trong tương lai. Tuy nhiên bà mẹ trẻ cho biết, tất cả đều là dự đoán nên chị vẫn sẽ bổ sung dinh dưỡng và cho các bé tập luyện thể dục thể thao phù hợp.
Theo chị Minh Trang, chiều cao với bất cứ ai đều rất quan trọng. Có một chiều cao tốt sẽ giúp con tự tin hơn và có thể lựa chọn được nhiều ngành nghề hơn trong tương lai. Chẳng hạn như tiếp viên, phi công, vận động viên bóng chuyền… - những nghề bắt buộc cần chiều cao tốt. Hoặc con có thể thích trở thành người mẫu, hoa hậu...
Theo bác sĩ tư vấn và chị Minh Trang có tìm hiểu thì các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao gồm: Bộ gen di truyền của cả cha và mẹ 23%; Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ em 32%; Chế độ tập luyện thể dục thể thao 20%; Môi trường sống 16%, còn 9% là các yếu tố khác như rối loạn nội tiết tố, căng thẳng…
Chính bởi vậy chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. 1.000 ngày đầu đời được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất. Trẻ có thể tăng 25cm trong năm đầu tiên và 10cm mỗi năm trong 2 năm tiếp theo, nếu được bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai. Ngoài ra, ngủ đủ giấc trong khoảng thời gian từ 22h - 3h sáng để cơ thể tiết ra tăng trưởng hormone cao nhất, giúp kích thích xương dài nhanh hơn.
San San