Thực ra đây vẫn là câu hỏi khiến nhiều bậc phụ huynh trăn trở, làm cách nào để con hứng thú và yêu thích việc dọn dẹp, giúp đỡ gia đình. Không ít gia đình lựa chọn phương pháp trả tiền cho con mỗi khi chúng hoàn thành một việc gì đó, tuy nhiên về lâu về dài, nhiều bố mẹ cũng không chắc bé sẽ hình thành suy nghĩ phải có tiền thì mới làm việc nhà hay không.
Chị Thu Ngân (Giáo viên trẻ nhỏ 0-6 tuổi ở Pháp, đồng thời là Cố vấn Giáo dục cảm xúc ở Vườn Ươm Nắng và Blog Montessori Cùng Con ở Nhà) hiện đang sống và làm việc tại thành phố Toulouse Pháp đã chia sẻ quan điểm của bản thân về topic này. Chị Ngân có 2 bé gái là Beo (6 tuổi) và Bon (3 tuổi). Các bé đều rất háo hức với công việc nhà, và dưới đây là bí quyết của bà mẹ 2 con.
''Nhân hôm nọ đọc trong group mình có chủ đề ''CÓ NÊN TRẢ TIỀN CHO CON LÀM VIỆC NHÀ?'' , mình xin chia sẻ một chút.
Đối với mình, tất cả những công việc nhà, trước hết, đều là kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Một người sống trên đời này cần phải biết cách tự tắm rửa cũng như tự nấu ăn, tự đánh răng cũng như tự rửa bát, tự đi vệ sinh cũng như tự quét dọn nhà cửa. Chúng ta trả tiền để con nấu cơm, rửa bát, quét nhà... thế còn đi tắm, đánh răng và đi vệ sinh thì sao? Đều là những việc làm để chăm sóc bản thân, sao cái trả tiền cái không trả vậy ta?
Mình nghĩ sẽ có người phản bác: nhưng nấu cơm, rửa bát quét nhà là con làm cho Bố Mẹ nên Bố Mẹ trả tiền cho con. Nếu vậy thì bạn đã nhầm rồi. Nấu cơm rửa bát quét nhà đâu phải là việc của Bố Mẹ, đó là công việc của mọi thành viên trong nhà. Hồi mình đi du học, có lần thuê coloc, 4 anh em ở chung.
Ban đầu, mỗi thành viên trong nhà tự thực hiện việc nấu cơm, rửa bát, quét nhà riêng rẽ nhau, vì ai cũng cần để đảm bảo cho cuộc sống của bản thân. Sau này thân hơn thì có vụ nấu ăn chung, rửa bát chung rồi quét nhà chung, phân nhau ra làm cho thêm tình ấm áp. Nhà mình khi đó có một cậu em mới qua, còn ngô nghê thì các anh chị tận tình chỉ bảo để chú em biết nấu bữa cơm, biết đi chợ cho khéo. Cuộc sống gia đình chẳng phải chính là thế sao?
Trong nhà mình bây giờ cũng vậy, là 4 người Bố, Mẹ và 2 con gái sống cùng nhau, ai chẳng cần nấu cơm, rửa bát và quét nhà để mà sống. Hai con gái cũng giống chú em năm xưa, mới đến nơi này nên còn ngô nghê cần chỉ bảo, qua năm tháng rồi cũng phải biết nấu cơm rửa bát, quét nhà để mà tự phục vụ mình.
Mình còn nhớ có 1 bạn comment: ''Dạy con nữ công gia chánh thì không phải để nhàn thân bố mẹ, không phải để phục vụ ai, không phải để phục vụ làm osin cho chồng con sau này, mà dạy con là để con biết yêu thương chăm sóc cho chính bản thân mình, tự chủ cuộc đời mình trước thì khi lớn lên mới có được thành công''. Những kỹ năng quan trọng đến thế nhất định phải đến từ động lực bên trong, không thể đem tiền bạc ra làm củ cà rốt ủn mông.
Mình còn một lý do nữa để tin rằng cần phải nói ''không'' với việc trả tiền cho con làm việc nhà. Đó là vì chính những công việc nhà ấy là chất keo gắn kết tình yêu thương trong gia đình. Khi mình cùng Bon dọn máy rửa bát cũng chính là lúc hai mẹ con mình trải qua khoảng thời gian thật đặc biệt, chất lượng bên nhau. Khi Beo theo bố ra vườn tưới rau cũng chính là lúc hai bố con chia sẻ rất nhiều yêu thương sau một ngày bố đi làm con đi học. Khi hai chị em gập cho mẹ cả một chậu quần áo đầy, thì người mẹ là mình đây cảm giác được yêu, được thương đến nhường nào? Chính bầu không khí tràn đầy tình yêu mà các con nhận được khi làm việc nhà mới là điều Bố Mẹ cần gìn giữ và ươm ủ. Sẽ đáng tiếc biết bao khi thay vì điều đó chúng ta lại đặt vào tay con những đồng tiền và giải thích rằng đó là tiền công cho sức lao động bỏ ra?
Ngày mình ở Mỹ đã từng đi tình nguyện dọn vườn cho một cụ bà hơn 60 tuổi. Bà cụ có một anh con trai sống ở ngay phía bên kia cây cầu Vàng (The Golden Bridge) nhưng cả năm chẳng về nhà thăm bà lấy một lần. Mỗi khi nhớ con quá, bà lại gọi điện bảo anh về rửa bể bơi lấy tiền công. Thế là anh con trai sẽ về ngay lập tức, dọn rửa nửa ngày, cầm tiền rồi lại đi, may mắn lắm sẽ ăn với bà một bữa cơm. Bà cụ đã khóc đôi mắt nhòe nước khi kể với tụi mình về con trai bà. Có người mẹ nào trong tình trạng ấy mà lại không bật khóc đau lòng?
Nói đi nói lại, vẫn cứ phải nói về điều cơ bản nhất: LÀM SAO ĐỂ CON BIẾT LÀM VIỆC NHÀ? Cách mà mình làm là như thế này:
- Đầu tiên chính là hãy tạo mọi điều kiện cho con được làm việc nhà, dù ở bất kì lứa tuổi nào. Chúng ta phải vượt qua rào cản tâm lý nghĩ rằng việc này quá sức với con, con không làm được, con sẽ gặp nguy hiểm,... Chỉ cần trẻ muốn thử sức thì Bố Mẹ hãy chớp thời cơ vàng hỗ trợ con ngay khi con muốn. Mình còn nhớ hồi 2 tuổi rưỡi con gái bé đòi tự mình giặt cái quần đái dầm, mình đã gật đầu ngay lập tức và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần con có thể cảm lạnh ốm một hai hôm.
- Tiếp đến là có kế hoạch rõ ràng kết nối con vào các công việc hàng ngày của gia đình. Cách của mình chính là "lười đi một chút" và "nhờ con giúp đỡ càng nhiều càng tốt. Để ủn mông con vượt lười và tạo động lực con giúp mẹ, mình áp dụng Giáo dục cảm xúc và về cơ bản luôn thành công được con giúp đỡ.
- Song song với việc nhờ con "giúp đỡ" mình cũng sử dụng bộ card "Những công việc hằng ngày của chúng ta" để giúp con hình dung được bức tranh toàn cảnh về những công việc chung trong gia đình và tự chọn việc mình thích. Điều này giúp con có được nhận thức về các công việc nhà.
- Cuối cùng chính là lặp đi lặp lại vừa "nhờ con" vừa "chơi card" hàng ngày để tất cả trở thành thói quen.
Nghe mình mô tả thì các Bố Mẹ cũng thấy rồi đó, tất cả là hành trình phải đi kiên nhẫn cùng con mỗi ngày. Không có bông hoa nào kết trái nếu không trải qua nhiều ngày mưa nắng. Nếu chúng ta cứ muốn thúc sớm bằng những lực ép từ bên ngoài thì kết quả cuối cùng chỉ là một bông hoa héo mà thôi'', chị Thu Ngân tâm sự.
Những dòng chia sẻ của chị Ngân ngay lập tức nhận được nhiều sự ủng hộ của hội mẹ bỉm sữa. Chia sẻ thêm về điều này, chị Ngân tâm sự: ''Con mình thì cứ mình cần là giúp mẹ làm việc nhà liền, 3 mẹ con cùng làm nên rất vui. Còn có vụ chị và em cùng làm rồi bảo nhau là: "Có chị/ em làm cùng nhanh thế nhỉ? Một loáng là xong". Nhưng mà cũng nhiều lúc các bé mải chơi, mải làm việc của mình thì mẹ phải tôn trọng con và kết nối với con thì các bé sau đó mới làm. Không có phép màu nào cả''.
San San