(Tổ Quốc) - Vì bé ngủ không sâu giấc nên người mẹ cũng phải thức trắng đêm để trông con.
Chăm sóc trẻ nhỏ là hành trình rất khó khăn đối với bất cứ mẹ bỉm nào. Trong khoảng thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, việc mẹ thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, stress là điều dễ hiểu. Mới đây, một bà mẹ bỉm sữa đã cầu cứu cư dân mạng vì con mình không chịu ngủ xuyên đêm, đêm nào cũng dậy 7-8 lần và đòi ti khiến chị giảm đến 10kg vì không có giấc ngủ trọn vẹn.
"Xin hãy cứu giúp ạ. Con em 11 tháng, 70cm, 8kg. Em quá sai lầm trong cách cho con ngủ, em cho bú ngủ ạ. Đến nay con em mỗi đêm trước khi ngủ bú 1, 2 tiếng mới ngủ, cắn vú thật sự rất đau. Ngày thì giao cho bà trông trẻ, bà cho ngủ võng đêm bú ti ngủ, 1 đêm con em ngủ tầm 8-9 tiếng, dậy cũng 6-8 lần nên em gần như thức trắng đêm.
Em đi làm ban ngày không nghỉ được, ban đêm 1 mình trông con mà cứ như vậy em không biết phải làm sao, em sắp kiệt sức rồi ạ, em từ 48kg sau 11 tháng nuôi con em chỉ còn 38kg thôi ạ. Giờ em cần phải làm gì để rèn cho con em lại đây ạ", người mẹ tâm sự trong nước mắt.
Đây cũng là tình trạng thường thấy ở nhiều mẹ bỉm hiện nay. Vào những hôm trái gió trở trời, thời tiết thay đổi hay trẻ bị ốm mệt thì đều quấy khóc và không chịu ngủ giấc dài trọn vẹn. Tuy nhiên, nếu tình trạng này cứ kéo dài lâu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ và sự phát triển của bé, sức khỏe của hai mẹ con và nhiều vấn đề tâm lý khác.
Theo bác sĩ, hiện tượng trẻ trong khoảng dưới 1 lần thường có biểu hiện thức nhiều lần trong đêm (cụ thể là trên 5 lần) và đòi bú thì thường rơi vào 2 trường hợp sau.
1. Khả năng vào giấc ngủ của bé kém dẫn đến sự khó chịu khi ngủ và có thể cảm thấy lo lắng và cần bú (bú lúc này để cho cảm giác an tâm chứ không hẳn là đói, đòi bú thực sự).
2. thường là thói quen bú nhiều lần, nhưng chưa thay đổi, thông thường thời gian bú rất ngắn, đôi lúc nếu không để ý thì có thể rơi vào giấc ngủ, mà không cần phải cho bú hoặc đôi lúc ngậm ti và ngủ trên ti.
Cả 2 trường hợp này đều nên giảm dần số lần bú trở về 2-3 cữ trong 2-3 tuần, và các cữ nên cố gắng đẩy về gần sáng tầm 4-5 giờ, nếu được thì trẻ sẽ bỏ dần số cữ dễ dàng sau 2-3 tuần kế tiếp. Cách xử lý trong đêm của cả 2 trường hợp cũng giống nhau, riêng trường hợp 1 bạn nên cho bé bú 1 cữ trước giấc ngủ khoảng 40-60 phút, đừng bú sớm hơn hay muộn hơn, khi cho bú, cố gắng nằm chơi với bé 2-5 phút rồi hãy cho bú.
Cách xử lí các cữ thức trong đêm cho cả 2 là: các cữ thức trong đêm của bé thì bạn cứ lơ đi nếu bé cứ quẫy mình hoặc ọ ẹ vài tiếng, khi trẻ khóc thì đợi 2-3 phút rồi hãy hành động, nếu trẻ khóc lớn hơn thì hãy chạm vào lưng và đùi, nhưng đừng bế bé dậy và cho bú, khi trẻ bò dậy hay khóc lớn thì hãy cho bú, đừng bế đừng dỗ cứ cho bú. Các cữ thức này cứ làm từng bước và đẩy dần về sáng, nếu bạn đẩy được về sau 4 giờ sáng càng sớm thì trẻ sẽ mất thói quen này sớm, thông thường sẽ mất 2-3 tuần.
Bên cạnh việc cố gắng giãn cữ bú của bé về ít nhất, thay vào đó là áp dụng các phương pháp dỗ ngủ khác như hát ru, đọc truyện... thì nhiều người cũng khuyên bà mẹ trên nên xem lại thời gian ngủ trong ngày của con. Nhiều trường hợp trẻ không chịu ngủ vào ban đêm là do ngày chúng đã ngủ quá nhiều nên đêm không còn muốn ngủ nữa. Bởi vậy, mẹ cũng nên cân bằng và sắp xếp thời gian ngủ trong ngày cho con thật hợp lý.
San San