(Tổ Quốc) - Câu chuyện do bác sĩ Sang kể lại đã khiến không ít người mẹ cảm thấy vô cùng xúc động.
Tình trạng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhiễm Covid-19 ngày một tăng cao khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng. Đặc biệt là khi nhiễm bệnh, trẻ có nguy cơ bị sốt cao trong khoảng 2-3 ngày đầu, có thể gặp phải tình trạng hạ sốt nhưng không được.
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, hiện đang công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP. Hồ Chí Minh) - người được biết đến với biệt danh "Bác sĩ yêu trẻ con" - là bác sĩ khá nổi tiếng trong ngành Nhi khoa đã chia sẻ một câu chuyện vô cùng xúc động về một người mẹ có con mắc Covid-19. Qua đó, bác sĩ muốn gửi gắm đến những bà mẹ đang có con nhỏ hãy bình tĩnh xử lý khi con nhiễm bệnh.
"Chúng ta thường nói rất nhiều về những đứa nhỏ, rằng nếu là con trai thì nó sẽ trở thành một người chín chắn, thành đạt còn nếu là con gái thì nó sẽ trở thành một cô công chúa xinh đẹp và giỏi giang… Nhưng khi con ra đời, có lẽ chỉ cần con khoẻ mạnh là đủ!
Những đêm 11h vẫn có mẹ gọi điện xin tư vấn qua điện thoại vì bé nhiễm và sốt cao trong đêm. Bác vẫn cố gắng thêm 1 chút để nghe hết cuộc điện thoại ấy và nhận ra rằng, dù mẹ cố gắng bình tĩnh đến đâu thì trong giọng mẹ vẫn có chút lo lắng, chút sợ sệt… Lo lắng vì nếu trong đêm bé sốt cao nữa thì sao? Lo lắng vì nếu uống hạ sốt mà vẫn còn sốt cao thì sao? Rồi sốt cao có co giật không? Co giật thì có ảnh hưởng não không?
Và những lúc ấy bác cố gắng khuyên bố hoặc mẹ bình tĩnh, vì chỉ khi bình tĩnh mẹ mới có thể nhận biết được vấn đề của con trong đêm là gì, mới có thể biết phải làm gì để giúp con qua cơn sốt, để quyết định đưa con đi bệnh viện hay tiếp tục chăm ở nhà…
Sốt là phản ứng của cơ thể con với vi sinh vật, nên con đang sốt nghĩa là cơ thể con đang đánh trận với chúng. Điều mẹ cần làm khi con sốt là uống thuốc hạ sốt theo liều 15mg/kg để tránh con sốt cao, mặc đồ thoáng cho quá trình đào thải nhiệt tốt hơn, cho con bú nhiều hơn 1 chút, uống nước nhiều hơn 1 chút, ngủ nhiều hơn 1 chút… Nên mẹ đừng lo lắng nếu con sốt, mà hãy bình tĩnh quan sát con cần gì để giúp con.
Rồi… hàng ngày chúng ta luôn bị dội bom bởi những thông tin sai lệch trên mạng. Chúng ta dễ dàng tin rằng một loại thuốc nào đó giúp trẻ ăn tốt khi nhìn thấy những đứa trẻ bụ bẫm mà không biết rằng chế độ ăn khoa học và cân đối sẽ giúp một đứa trẻ phát triển tối ưu chứ không phải một lọ thuốc thần kỳ nào đó!
Chúng ta lo sợ về cái gọi là "hậu covid" trong khi các nghiên cứu tỷ lệ MIS-C ở trẻ em chỉ 0,03% ở Mỹ, nghĩa là cực kỳ thấp. Nhưng người người, nhà nhà đi khám hậu covid. Nhiều mẹ đăng ký mình khám hậu covid, thực lòng mình cũng không biết khám gì. Mình nói thôi thì mẹ đã mất công đi thì bác khám tổng quát và đánh giá dinh dưỡng cho con thôi chứ nói bác khám hậu covid bác cũng không biết khám gì.
Và đêm qua, một mẹ có bé dương tính sốt cao gọi điện thoại khám và tim mình lại chùng lại vì câu nói "em khó khăn lắm mới có được bé, em nguyện đổi sức khoẻ em cho con. Bác ơi, giúp giùm con em"...
Mỗi đứa trẻ đều là một thiên thần rồi, chúng ta hãy cố gắng trau dồi kiến thức, cố gắng vững vàng và tỉnh táo để chăm sóc những thiên thần ấy tốt hơn. Với con, bố mẹ là cả thế giới nên chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa", bác sĩ chia sẻ.
Hiện nay, có rất nhiều trẻ đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh. Tuy nhiên, trẻ vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Bởi vậy, bố mẹ cố gắng cho con thực hiện 5K, duy trì ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, tăng sức đề kháng cho bé để con có đủ sức khỏe nếu không may nhiễm bệnh. Điều quan trọng nhất là phải sát sao, theo dõi con, nếu thấy dấu hiệu bất thường nên đưa con tới bệnh viện để theo dõi.
San San