(Tổ Quốc) - Chị Hương sẽ hướng dẫn nhiều thông tin bổ ích cho chị em để trồng và chăm sóc cải ngồng được xanh tươi và đậm vị cho vườn rau sạch của gia đình.
Chị Ngô Hương hiện đang làm công việc bán vật tư phân bón cây trồng tại thành phố Bắc Giang. Chị Hương có sở thích mày mò và trồng các loại rau xanh tại nhà. Đặc biệt, mùa dịch chị có nhiều thời gian ở nhà tìm hiểu và thử cách chăm sóc các luống rau cải ngồng của mình. Thành quả là những luống rau cải ngồng xanh tươi tốt, khi ăn thì ngọt và rất đậm vị.
Dưới đây sẽ là cách mà chị Hương đã thực hiện, cảm thấy rất hữu ích muốn hướng dẫn chi tiết cho chị em.
1. Công thức trộn đất
Chuẩn bị
- Khay nhựa/thùng xốp
Thùng xốp nếu dùng khay nhựa nên có lớp lưới thông minh sẽ thoát nước chống úng cho rau tốt nhất.
- Đất vườn, đất ruộng, đất phù sa, đất đóng bao...
Đảm bảo sạch, không gần nguồn gây ô nhiễm. Đất nên được đập nhỏ cỡ bằng hạt gạo, hạt đỗ, càng nhỏ càng tốt. Nếu là đất cũ dùng lại nên rắc vôi bột, phơi tầm 4-7 ngày mới dùng. Nếu đất còn tơi xốp, nhiều trùn, giun, vi sinh có ích thì dùng luôn cũng được.
"Bước phơi khô dành cho các bạn mới bắt đầu trồng ít kinh nghiệm nhận biết bệnh để diệt các loại vi khuẩn có hại cho đất, khi trồng cho an tâm", chị Hương chia sẻ.
Cách làm đất trồng cải ngồng xanh tươi, đậm vị.
- Chất tạo tơi xốp
Có thể sử dụng như bã mía, trấu hun, trấu tươi, vỏ lạc, xơ dừa, mùn dừa, rơm khô băm, cỏ khô băm, bã nấm, mùn cưa đã xử lí, vỏ hướng dương, lá khô... có gì dùng nấy, có nhiều loại thì có thể trộn chung.
- Phân trộn
Các loại phân chuồng ủ như phân gà, lợn, trâu, bò, dê, trùn quế, rác nhà bếp... hoặc nén đậu tương siêu lân,... càng đa dạng phân hữu cơ càng tốt. Phân chuồng đảm bảo ủ hoai mục để tránh ấu trùng sùng đất (hay gặp trong phân bò, trâu) hay mầm bệnh.
Ngoài các thành phần bên trên thì nên trộn thêm nấm đối kháng Trichoderma giúp tăng tính đề kháng phòng trừ sâu bệnh cho cây giai đoạn đầu khi cây còn yếu ớt.
Tiến hành
Trộn tất cả các nguyên liệu có trong 3 thành phần trên với tỉ lệ 5:3:2 hoặc 4:4:2 trong đó 40-50% là đất, 30% chất tạo tơi xốp, 20% phân chuồng ủ mục. "Cái này mọi người nên tính theo thể tích không phải khối lượng. Ví dụ 1 ngăn chậu trồng thì 1 nửa đất nửa còn lại phần nhiều hơn là chất tạo tơi xốp phần ít hơn là phân chuồng ủ mục", chị Hương chia sẻ.
Tỉ lệ đất ít hơn phân thì sẽ tạo được độ tơi xốp nhưng khó giữ nước, giữ dinh dưỡng, trừ trường hợp tưới nhỏ giọt và chậu có lỗ thoát bên hông. Sau đó, hòa trichoderma tưới đều hỗn hợp, ủ 1 tuần trước khi trồng.
Để rau phát triển tốt nhất thì độ dày của đất chuẩn là từ 10 - 13cm. Sau khi trộn xong san phẳng bề mặt đất, nhấn nhẹ, chú ý nhấn ở các góc của chậu. Chỉ cần trộn theo tỉ lệ trên là ta đã có được hỗn hợp đất đầy đủ chất dinh dưỡng để trồng rau sạch.
Lưu ý:
Cho dù khâu chuẩn bị đất trồng đã đúng theo công thức vẫn cần nhớ bổ sung dinh dưỡng tuần 1-2 lần cho rau phát triển tốt nhất bằng các loại dịch hữu cơ dễ hấp thụ như soymic, dịch chuối humic, nước ủ rác nhà bếp...
2. Ươm hạt
Ngâm hạt cải ngồng trong nước có công thức 2 sôi 3 lạnh tầm 2 tiếng, vớt ra ủ ẩm 12 tiếng cho hạt nứt nanh rồi đem gieo. Đất gieo đảm bảo sạch, mịn, xốp, rắc nhẹ hạt rồi phủ 1 lớp bã mía hoặc trấu, xơ dừa... Có thể gieo trong vỉ ươm để dễ tách cây con cũng tốt.
3. Trồng và chăm sóc
Cải ngồng sau gieo tầm 2 tuần có lá thật thì tách cây đem trồng vào khay đất đã chuẩn bị, khoảng cách cây tầm gang tay. Hoặc nếu gieo trực tiếp vào đất trồng thì tỉa cây con 2 lần lần, 1 lúc sau gieo 1 tuần. Tỉa bỏ cây còi cây bệnh để khoảng cách mỗi cây 3 - 4cm, lần 2 gieo sau khoảng 20 ngày khi cây có 4 - 5 lá thật, để khoảng cách chừng 1 gang tay.
Tưới nước nhẹ nhàng 1-2 lần mỗi ngày. Sau khi cây ra lá thật tưới tuần 1-2 lần phân hữu cơ dễ hấp thụ. Để ý và tỉa bớt lá già lá gốc cho cây tập trung nuôi ngồng.
Chú ý: Cải ngồng hay bị rệp mềm hoặc sâu xanh, nên đảm bảo khoảng cách trồng, tỉa lá gốc cho thông thoáng, bón phân cân đối và phun phòng hàng tuần với vi sinh trừ sâu.
Ảnh và video: NVCC
KT