(Tổ Quốc) - Khi xuất hiện bất cứ một dấu hiệu bất thường nào trong thai kỳ, mẹ bầu cũng cần lưu ý và lập tức đến bệnh viện để được thăm khám, xử lý kịp thời mọi vấn đề.
Chương trình "Chat với mẹ bỉm sữa Cali" số mới đây đã có cuộc trò chuyện với chị Huyền Trân, 28 tuổi, hiện đang sống tại Mỹ và là một y tá. Chị Trân có một bé gái tên Rachel Nguyễn, 5 tháng tuổi. Đến với chương trình, bà mẹ bỉm sữa này đã có những chia sẻ thú vị, gần gũi về hành trình mang thai, sinh nở và chăm sóc con gái của mình.
Bàng hoàng khi nghe bác sĩ chẩn đoán mình mắc hội chứng bệnh có thể khiến thai chết lưu
Chị Trân tâm sự, việc có em bé hoàn toàn nằm trong kế hoạch của vợ chồng và chỉ sau 2 tháng "thả" thì anh chị đã có tin vui.
Khi mang thai 3 tháng đầu, chị Trân bị dị ứng dù trước đây chị chưa từng bị. Vào một ngày, tình trạng này trở nên nặng hơn, chị Trân bị nổi mẩn đỏ khắp người, ngứa và mặt bị sưng lên. Chị lập tức vào bệnh viện khám và được bác sĩ chẩn đoán mà mắc hội chứng ứ mật thai kỳ.
"Nguyên nhân của hội chứng này là do những thay đổi hormone của người mẹ ảnh hưởng đến gan, dẫn đến việc dịch mật tiết ra nhiều nhưng không đi vào ruột mà đi vào máu, ảnh hưởng đến thai nhi. Hội chứng ứ mật thai kỳ ở người mẹ sẽ khiến nhịp tim của thai nhi bị giảm và có nguy cơ dẫn đến việc thai chết lưu" - chị Trân tiết lộ.
Nghe bác sĩ chẩn đoán, chị Trân cảm thấy rất bàng hoàng. Nhìn những bà mẹ khác trải qua thai kỳ và việc sinh nở thuận lợi, chị mới nhận ra việc có thai là một chuyện, việc giữ em bé trong bụng khỏe mạnh và cho bé chào đời an toàn lại là một chuyện khác. Mỗi tuần chị Trân phải đi khám thai 2 lần để nghe nhịp tim của em bé và theo dõi xem bé có cử động hay không.
Vì mắc chứng ứ mật nên bác sĩ chỉ định đúng 37 tuần chị Trân sẽ được tiêm thuốc kích sinh để sinh con. Chị Trân xin tiêm gây tê ngoài màng cứng cho bớt đau nhưng khi bác sĩ đang thực hiện thì kim tiêm bất ngờ bị gãy, có thể do chị gồng người quá mạnh.
Sau đó, bà mẹ trẻ phải thực hiện lại việc gây tê, vừa đau đẻ, vừa đau vì bị tiêm nhiều lần khiến tận bây giờ khi nghĩ lại, chị Trân vẫn còn cảm thấy ớn lạnh. Trong quá trình vượt cạn, chị còn liên tục bị nôn. Dù y tá đã cho chị uống thuốc chống nôn nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm. Cuối cùng sau bao vất vả, chị Trân cũng sinh con thành công bằng phương pháp sinh thường.
Không bị trầm cảm sau sinh nhờ luôn suy nghĩa lạc quan, bình tĩnh xử lý mọi tình huống
Quá trình mang thai và sinh nở vất vả song trộm vía là bé Rachel Nguyễn rất ngoan, chị cũng rèn luyện cho con việc ăn, ngủ theo giờ và bé rất hợp tác nên việc chăm con nhỏ của chị Trân không quá vất vả. Vì ông xã chưa có kinh nghiệm trong việc chăm em bé, làm việc gì cũng còn lóng ngóng nên chị Trân đảm nhận việc chăm sóc con là chính, anh chỉ phụ giúp thêm.
Khó khăn lớn nhất của chị Trân và việc kích sữa. Thời gian đầu chị cho con bú mẹ hoàn toàn nhưng em bé lại liên tục bị sụt cân, vàng da. Nguyên nhân là do chị Trân ít sữa nên em bé bú không đủ. Ban đầu chị định chuyển cho con uống sữa công thức nhưng suy đi tính lại, vì muốn con được lớn lên bằng sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời nên chị quyết tâm kích sữa bằng cách hút sữa liên tục. Đến hiện tại Rachel 5 tháng tuổi, chị Trân đã đủ sữa để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Nếu như nhiều bà mẹ khác gặp tình trạng trầm cảm sau sinh thì chị Trân tâm sự chị may mắn không rơi vào tình huống này. Bà mẹ 9x tự nhận mình là người lạc quan, suy nghĩ tích cực và luôn lấy con làm động lực để cố gắng.
Chị Trân tiết lộ, mặc dù việc chăm con cũng khá bận rộn nhưng chị luôn dành cho bản thân những khoảng thời gian riêng để ra ngoài, như vậy tâm trạng của người mẹ mới thoải mái. Nhiều bà mẹ chỉ ở nhà suốt ngày trong 4 bức tường và loanh quanh với những công việc cứ lặp đi lặp lại sẽ dễ gây ảnh hưởng tâm lý.
Hơn nữa, vì làm việc trong ngành y nên chị Trân khá bình tĩnh xử lý tất cả mọi vấn đề của con chứ không bị lo lắng, hoang mang, hoảng hốt như nhiều bà mẹ khác.
Còn về cuộc sống vợ chồng, chị Trân tiết lộ sau khi có con, tình cảm của hai vợ chồng ngày càng tốt đẹp hơn, yêu thương nhau nhiều hơn. Chị Trân và ông xã đã có 8 năm yêu nhau rồi mới tiến tới hôn nhân, tình cảm đó đã lớn hơn cả tình yêu vì vậy hai người có thể thông cảm và thấu hiểu cho nhau. Ông xã của chị Trân cũng là một người rất điềm đạm và hay nhường nhịn nên cuộc sống gia đình không bị căng thẳng.
Chứng ứ mật thai kỳ là gì?
Ứ mật thai kỳ xảy ra khi gan không thể bài tiết mật đúng cách. Ứ mật thai kỳ gây ngứa dữ dội, đặc biệt là ở chân và tay của thai phụ. Tình trạng này xảy ra muộn trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc trong ba tháng cuối của thai kỳ.
Ứ mật thai kỳ thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của người mẹ, tuy nhiên nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho trẻ.
Triệu chứng bị ứ mật thai kỳ:
- Ngứa dữ dội, đặc biệt là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Mức độ ngứa tăng dần về đêm.
- Nước tiểu sậm màu, phân bạc màu.
- Da, mắt và lưỡi có màu vàng.
Nguyên nhân gây ứ mật thai kỳ:
Mật là một chất dịch màu vàng xanh giúp tiêu hóa chất béo chủ yếu bao gồm cholesterol, sắc tố mật bilirubin và muối mật. Mật được sản xuất bởi gan và được lưu trữ trong túi mật. Từ túi mật đi qua ống mật chung vào tá tràng. Sự tắc nghẽn bên ngoài gan ngăn không cho mật rời khỏi gan sẽ dẫn tới tình trạng ứ mật ngoài gan. Ứ mật trong gan xảy ra khi có vấn đề với quá trình tiết mật khỏi gan, là loại ứ mật thường xảy ra trong thai kỳ.
Ngoài ra, các hormone thai kỳ tăng, đặc biệt là estrogen có thể ảnh hưởng đến việc hoạt động quá mức của túi mật và gan, dẫn tới tình trạng ứ mật thai kỳ.
Biến chứng của ứ mật thai kỳ
Ứ mật thai kỳ có thể gây ra một số biến chứng ở cả thai phụ và thai nhi. Đối với thai phụ biến chứng thường không quá nghiêm trọng. Đối với thai nhi, biến chứng sẽ nguy hiểm hơn:
- Nguy cơ sinh non cao: Nếu phổi chưa phát triển đầy đủ sẽ có nguy cơ tử vong.
- Nguy cơ hít phải phân su cao hơn, dẫn tới khó thở.
- Rối loạn chuyển hóa, rối loạn tim mạch khi trẻ đến tuổi trưởng thành.
Để tránh các biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi, bác sĩ thường chỉ định cho người mẹ sinh sớm hơn dự kiến.
Ngọc Diệp