(Tổ Quốc) - "Tết là tốn, mức tốn như nào thì tùy thuộc vào từng nhà. Như gia đình mình lên kế hoạch dự kiến sẽ tiêu hết 70 triệu", chị Hồng Chung chia sẻ.
Chị Đỗ Thị Hồng Chung (sinh năm 1994, hiện đang là trưởng phòng Maketing ở Hà Nội) sống trong gia đình gồm 6 người, bao gồm bố mẹ chồng, vợ chồng cùng 2 cậu con trai 4 tuổi và 2 tuổi.
Chị Chung cho biết, hai vợ chồng chị cùng quê và gia đình đã có truyền thống năm nào cũng sẽ về quê ăn Tết. "Quê mình và chồng ở Nam Định, cách Hà Nội khoảng 2 giờ đi xe. Do nhà có xe riêng nên dù dịch bệnh thì việc di chuyển về quê cũng sẽ diễn ra bình thường và không gặp nhiều trục trặc lắm", chị Chung chia sẻ.
Gia đình chị Hồng Chung, hiện đang sống tại Hà Nội.
Dành 70 triệu sắm Tết Nguyên đán
Chị Chung đang làm văn phòng và khá may mắn khi năm nay dịch bệnh không ảnh hưởng đến thu nhập, thậm chí chị còn được tăng lương so với năm ngoái. Còn chồng chị hiện đang làm công việc kinh doanh, năm này cũng bị ảnh hưởng thu nhập do cửa hàng phải đóng 3 tháng theo quy định.
"Có gia đình nên việc chi tiêu Tết mình cảm thấy khá là “nặng” bởi không chỉ có chi tiêu cho gia đình nhỏ, mà còn phải tính toán chi tiêu cho lễ Tết họ hàng, rồi tặng quà đối tác,...Và mình sống cùng mẹ chồng, nên Tết đến 2 mẹ con đều bàn bạc trước các hạng mục chi tiêu. Nhưng do Tết nào cũng có những hạng mục này rồi nên năm nay mình chỉ việc điều chỉnh mức chi cho phù hợp".
Năm nay, chị Chung và mẹ chồng cũng đã bàn bạc với nhau sẽ bỏ bớt đồ mua sắm cho Tết so với năm ngoái. "Bởi cả gia đình mình sẽ ăn Tết ở quê, mà ở quê có nét văn hóa đến nhà nhau chúc Tết, ăn uống suốt dịp Tết. Thế nên mọi năm, nhà mình sắm sửa khá nhiều đồ từ bánh kẹo cho bọn trẻ cho đến đồ ăn cho người lớn. Tủ lạnh nhà mình dịp Tết thường không còn chỗ chứa và phải mua thêm tủ chuyên cấp đông chỉ để phục vụ các dịp Lễ Tết như này.
Nhưng với Tết 2022, dịch bệnh vẫn đang căng thẳng nên tâm lý mọi người đều thay đổi, mọi người sẽ hạn chế đến nhà nhau chúc Tết và ăn uống như mọi năm. Vậy nên năm nay mình sẽ chi tiêu ít đi, chỉ mua những thứ cần thiết. Tết năm 2021, cả nhà mình chi tiêu hết khoảng 100 triệu đồng cho dịp Tết", chị Chung chia sẻ thêm.
Ngoài ra, các dịp Tết gia đình chị Chung còn tổ chức đi du lịch vào khoảng mùng 3 trở đi khi đã làm trọn vẹn mọi hoạt động chúc Xuân ở quê. Tuy nhiên năm nay tình hình dịch bệnh kéo dài, nhà chị đã phải hủy vé máy bay đặt trước đó khá lâu cũng như bỏ ý định du lịch năm mới, bởi lo lắng là các bé còn nhỏ và chưa được tiêm phòng. Sức khỏe của cả gia đình là điều chị Chung quan trọng nhất ở thời điểm này. Cũng vì thế, Tết này gia đình chị đỡ tốn kém thêm khoản chi phí cho việc du lịch.
Sắm Tết sớm để tránh cảnh "leo thang", đồ cũng đầy đủ không lo thiếu
Nhà chị Chung thường sắm Tết khá sớm. Bởi gần sát Tết không chỉ bận mà giá cả các loại đồ Tết cũng leo thang chóng mặt. Mà thường các nhãn hàng tung ra sản phẩm Tết cũng trước đó 1-2 tháng rồi nên cả gia đình sẽ mua các đồ bánh kẹo, bia rượu, hay thậm chí cả quần áo,...trước tầm 1 tháng chứ không để sát Tết mới đi mua.
"Mình cảm thấy như thế khá thoải mái, siêu thị hay chợ cũng chưa quá đông, mình có thêm thời gian lựa chọn, được tư vấn và quan trọng là mức giá cũng mềm hơn. Ngoài ra, không chỉ năm nay mà là mọi năm, mình đều lo lắng nhất việc mua thừa đồ. Mẹ chồng mình là người khá hào phóng và lo xa, nên bà thường mua dư hơn mức cần thiết đề “đề phòng”.
Thực ra mỗi dịp Tết thì mình khá nhàn, chỉ mua sắm đồ dùng cho gia đình nhỏ, rồi giúp chồng mua quà tặng đối tác,... còn các mục chi tiêu quan trọng nhất như lễ họ hàng, đồ ăn trong Tết,... đều do mẹ chồng mình sắm hết. Mình chỉ mua thêm vài đồ ăn lạ hoặc hot ở trên mạng để thêm vào các bữa ăn cho thêm màu sắc và mới lạ thôi", chị Chung chia sẻ.
Theo chị Chung đánh giá thì bản thân là mẫu người khá truyền thống nên luôn muốn chăm chút cho Tết của cả gia đình. Tuy nhiên phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, mức thu nhập và cả tình hình xã hội xung quanh (như dịch bệnh). Tết 2022 của gia đình chị Chung sẽ vẫn là một cái Tết đủ đầy để được tận hưởng trọn vẹn không khí Tết và sẽ tối giản những hoạt động như tụ tập, ăn uống chào Tết để giữ sức khỏe và sự an toàn cho cả gia đình.
"Tết là tốn, mức tốn như nào thì tùy thuộc vào từng nhà và nhà mình bao năm qua mức chi tiêu nó vẫn thế. Nếu bảo để cắt bỏ hạng mục chi tiêu nào, mình thấy rất khó. Không thể cắt mà chỉ có thể “giảm bớt”. Tết cổ truyền và thực tế quê mình còn khá nặng nề các thủ tục như Tết họ hàng xa,... nên mình tự đánh giá mức chi tiêu trên hợp lý, phù hợp với gia đình mình".
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC
Hồng Nhung