(Tổ Quốc) - Nếu không thể giải quyết vấn đề ngọn nguồn, tranh cãi chỉ khiến các cặp vợ chồng lãng phí thời gian và sức lực.
Chúng ta đều có xu hướng tranh phần thắng thua mỗi khi cãi nhau, bởi đây chính là bản tính của con người. Khi đôi bên tranh cãi to tiếng, họ thường không thể giữ bình tĩnh và lý trí, ngay cả nguyên nhân tranh chấp ban đầu cũng quên bẵng.
Nếu không thể giải quyết vấn đề ngọn nguồn, tranh cãi chỉ khiến các cặp vợ chồng lãng phí thời gian và sức lực. Nếu tranh luận biến thành tranh cãi, chúng ta sẽ đánh mất sự đồng tình và chỉ khăng khăng giải thích bản thân để đối phương hiểu. Chúng ta giận đến nỗi trở thành kẻ nóng nảy, thốt ra lời độc địa nhằm tổn thương người bạn đời.
Sai lầm của mỗi người: Quan điểm của bản thân luôn đúng, quan điểm của người khác không quan trọng
Khi các cặp vợ chồng cãi nhau, đôi bên sẽ có niềm tin mãnh liệt rằng, quan điểm của mình là quan trọng nhất, biện pháp của mình là tốt nhất, còn quan điểm của đối phương không quan trọng.
Nhiều cặp vợ chồng không giỏi ứng xử khi xảy ra tranh cãi. Thời điểm họ cãi nhau, hormone adrenaline trong cơ thể sẽ tăng vọt. Hormone adrenaline được biết đến với khả năng tạo phản ứng khiến con người chiến đấu hoặc bỏ chạy trong tình huống căng thẳng, hào hứng, gặp nguy hiểm hoặc bị đe dọa.
Lúc này, các cặp vợ chồng sẽ có xu hướng trách mắng, ném đồ vật về phía nhau. Thậm chí, có người sẽ lao vào đánh người bạn đời, hoặc đơn giản là tiêu một số tiền lớn nhằm xoa dịu cảm xúc của bản thân. Bạn nên nhớ rằng, thời điểm các cặp vợ chồng nổ ra tranh cãi, hậu quả đi kèm thường rất khủng khiếp.
Có 4 bước đơn giản giúp hóa giải mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng như sau:
1. Tránh nói chuyện, làm dịu bầu không khí căng thẳng
Thời khắc cảm xúc phẫn nộ đang ở mức cao trào, chúng ta sẽ có xu hướng nói những lời khó nghe nhằm tổn thương người bạn đời. Lúc này, đôi bên cần cho nhau khoảng thời gian riêng để làm dịu bầu không khí căng thẳng.
Bạn cần hít thở sâu để ổn định cảm xúc và nói với đối phương rằng: "Đợi lát nữa, vợ chồng mình tiếp tục chủ đề này nhé". Các cặp vợ chồng cần ổn định cảm xúc và tiến đến hiểu nhau, chứ không phải là trốn tránh vấn đề hay đùn đẩy trách nhiệm.
2. Lưng tựa lưng, tránh nhìn vào mắt nhau
Mỗi khi vợ chồng tôi tranh cãi đến cao trào hoặc muốn giải quyết một vấn đề, chúng tôi sẽ thực hiện hành động đơn giản là lưng tựa lưng.
Bất kể bạn đang đứng hay đang ngồi, chỉ cần thực hiện tư thế lưng tựa lưng vào người bạn đời, tránh nhìn vào mắt đối phương. Tại sao bạn cần làm như thế? Bởi thời điểm này, đôi bên sẽ tránh được việc nhìn trực diện vào ánh mắt thiếu thiện cảm dành cho nhau, và cuộc tranh luận của hai vợ chồng sẽ không đi theo chiều hướng xấu.
Tư thế lưng tựa lưng sẽ giúp các cặp vợ chồng cảm nhận được thân nhiệt của nhau, đồng thời truyền tải cho đối phương biết: "Cho dù chúng ta đang cãi nhau, nhưng em vẫn đang ở bên anh và cùng nhau giải quyết vấn đề".
3. Tiếp tục tranh luận, nêu ra quan điểm của bạn đồng thời thấu hiểu quan điểm của đối phương
Mới nãy, vợ chồng bạn dừng cuộc tranh cãi ở đâu thì đây chính là thời điểm để cả hai tiếp tục. Bạn phải tranh luận theo hướng khách quan, lý trí nêu ra quan điểm của bản thân nhưng đồng thời phải thấu hiểu quan điểm của đối phương. Đơn giản nhất là bạn nên đứng ở vị trí của người ngoài cuộc, nghĩa là cùng lắng nghe quan điểm của bạn và quan điểm của đối phương, sau đó tìm ra điểm thống nhất giữa hai người.
4. Quay người đối diện nhau, đôi bên cùng hòa giải
Các cặp vợ chồng hãy thành thật xin lỗi nhau, thể hiện sự tôn trọng và cùng nhau hòa giải. Đến bước này, cả hai bạn đã có thể ổn định cảm xúc và sẽ cảm thấy hạnh phúc vì mâu thuẫn đã hóa giải. Nhiều cặp chồng ở bên nhau lâu dài không tránh khỏi những lúc xung đột và nặng lời với nhau. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc tranh cãi, bạn và người bạn đời phải nhớ điều tối thiểu là biết xin lỗi và biết cảm ơn. Chỉ có như vậy, người bạn đời mới cảm nhận được sự tôn trọng từ phía bạn và đôi bên mới có thể nắm tay nhau đi đến trọn đời.
TÚ UYÊN