(Tổ Quốc) - "Công ty đóng cửa làm những người lao động nhập cư như tôi phải về nhà rồi...".
Người ta có thể vì lập nghiệp, kiếm tiền mà rời bỏ quê hương để đến với những thành phố hoa mộng nhưng cũng có thể vì thất nghiệp mà “cuốn gói” quay trở về.
Cuộc sống khắc nghiệt, không ai biết trước điều gì có thể xảy ra và cứ thế, những mảnh đất lành cho người lao động mỗi ngày, mỗi ngày đều tấp nập người ra người vào, người ôm mộng đẹp, người lại ôm một nỗi buồn.
Nỗi buồn ấy cũng chính là cảm giác mà một người lao động nhập cư tuổi 54 có tên Wu Guichun (Trung Quốc) dưới đây vừa trải qua. Và càng xúc động hơn khi biết rằng, ông đã gắn bó với thành phố mình vừa rời đi đến tận 17 năm.
Câu chuyện cụ thể thế nào không ai biết rõ, mọi thứ mà người ta biết chỉ gói gọn trong đôi dòng ghi chú nhỏ ông để lại trong một cuốn sách ở Thư viện thành phố Đông Hoản (Quảng Đông, Trung Quốc) như sau:
“Tôi đã làm việc tại Đông Hoản được 17 năm và đã đọc sách trong thư viện này được 12 năm. Đọc sách thật sự bổ ích, nó giúp chúng ta có nhiều kiến thức hơn.
Đáng tiếc thật, Covid-19 bùng phát khiến nhiều ngành nghề phải chịu cảnh suy thoái, công ty đóng cửa làm những người lao động nhập cư như tôi phải về nhà rồi.
Nhìn lại cuộc sống của tôi trong những năm qua, thư viện chính là nơi tốt nhất. Mặc dù rất lưu luyến, rất buồn nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác.
Tôi sẽ không bao giờ quên “bạn” - thư viện Đông Hoản. Tôi hy vọng “bạn” ngày càng tốt hơn để giúp ích cho những người như tôi.
Công nhân nhập cư từ Hồ Bắc.
Ngày 24 tháng 6 năm 2020”.
"Bức thư từ biệt” trên đã được chụp lại và đăng tải lên facebook cách đây vài giờ. Với nội dung xúc động phần nào phản ánh rõ nét tác động của sự suy thoái kinh tế đến người lao động nhập cư, bức thư nhanh chóng thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng.
Bên dưới phần bình luận, nhiều người bày tỏ cảm giác xót xa trước tình cảnh bắt buộc phải rời đi vì công ty đóng cửa của Wu Guichun, đồng thời ngưỡng mộ ông vì tinh thần hiếu tri, sự gắn bó và tình cảm đặc biệt mà ông dành thư viện thành phố Đông Hoản.
Old Fashioned