(Tổ Quốc) - Khi được bạn thân nhắn tin vay 20 triệu qua Messenger, H. đã cẩn thận gọi video call để kiểm tra. Cuối cùng cô vẫn mất trắng số tiền đó vì thủ đoạn ít ai ngờ này!
Chiêu trò lừa đảo "cũ mà mới" qua Facebook Messenger
Hack Facebook, chiếm tài khoản rồi nhắn tin vay tiền đã không còn xa lạ với người dùng mạng. Kẻ gian sau khi chiếm được tài khoản Facebook, sẽ nhanh chóng vào Messenger nhắn tin cho hàng loạt bạn bè của tài khoản đó với nội dung vay tiền. Số tiền có thể không lớn, nên những ai "nhẹ dạ" sẽ không quá đề phòng sẽ nhanh chóng chuyển đi số tiền mà chúng mong muốn. Khi nhận ra bị lừa thì vì số tiền cũng không quá lớn nên dễ dàng bỏ qua.
Mọi người thường chia sẻ cho nhau cách phòng tránh chiêu trò lừa đảo này là gọi video call để kiểm tra người đầu đây bên kia.
Thế nhưng mới đây, một cô gái có tên là H. (35 tuổi, sống tại Hà Nội) đã phải khóc nấc khi mất trắng 20 triệu, dù đã cẩn thận gọi điện để kiểm tra.
Theo đó, chiều ngày 28/1, chị nhận được tin nhắn vay 20 triệu của 1 người đồng nghiệp qua Messenger. Do số tiền lớn và vay đột xuất, nên chị H. đã nghi ngờ và gọi video call để kiểm tra. Đầu dây bên kia đã bắt máy, có hiện hình ảnh của chủ tài khoản, nhưng chỉ 4 giây sau thì tắt phụp đi với lý do đang đi đường.
Nghĩ rằng mình đã gọi điện xác minh chính chủ, chị H. chuyển khoản luôn theo thông tin tài khoản ngân hàng mà người kia gửi. "Do tài khoản của người đó có tick xanh Facebook, đồng thời đã nhìn thấy đúng anh đồng nghiệp của mình trong cuộc gọi video qua Messenger, tôi không nghi ngờ và chuyển tiền luôn", chị H. kể.
Tuy nhiên, tài khoản kia sau khi nhận tiền lại tiếp tục nhắn vay thêm 40 triệu. Cảm thấy có điều gì đó bất ổn, chị H. đã gọi cho số điện thoại của người vay và cuối cùng "ngã ngửa" khi nhận được câu: "Ơ đâu, anh có vay tiền em đâu".
Cảnh báo chiêu thức lừa đảo mới cực tinh vi
Hiện nay chiêu thức lừa đảo qua Messenger của kẻ gian đã tinh vi hơn rất nhiều. Chúng đã chuẩn bị sẵn ảnh hoặc video mà chủ tài khoản bị hack nick đã đăng tải trước đó. Sau đó chúng đưa hình ảnh này lên trước camera của nạn nhân khi được yêu cầu.
Để không bị lộ, các cuộc gọi thường rất ngắn, chất lượng hình ảnh trong cuộc gọi thấp. Chủ yếu là chúng muốn cho nạn nhân nhìn thấy mặt của chủ tài khoản để lấy sự tin tưởng, sau đó lập tức kết thúc cuộc gọi.
Khi nạn nhân có thắc mắc, chúng sẽ có nhiều lý do chống chế như: đang đi đường, đường truyền mạng không ổn định, mạng yếu, hết 3g...
Theo như trường hợp của chị H., chủ tài khoản có tích xanh, thường xuyên đăng tải video đi chơi, đi đường, thường xuyên livestream trên trang cá nhân... nên kẻ xấu coi đó là "miếng bánh béo bở" để lợi dụng.
Hiện nay các tài khoản có tích xanh chưa chắc đã là an toàn và chính chủ. Một chuyên gia về Facebook cho biết, tài khoản có "tick xanh" chỉ khó bị "report" (báo cáo) và giả mạo. Còn việc hack tài khoản có "tích xanh" hay tài khoản thường cũng giống nhau. Nhiều người thường tin tưởng vào dấu tích này, nên kẻ xấu đã dễ dàng lợi dụng và lừa đảo.
Làm thế nào để tự bảo vệ mình?
Để tự bảo vệ chính mình khỏi các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ, chị em hãy nằm lòng các nguyên tắc dưới đây:
- Không tham gia vào các link nhờ bình chọn cuộc thi, kích vào xem các link vào viết sốc mà yêu cầu người dùng mạng xã hội phải đăng nhập Facebook mới thực hiện được.
- Không bấm vào các đường link lạ, các đường link có chứa mã độc. Người dùng mạng xã hội cũng cần cảnh giác với những trào lưu, như xem bói, hạn chế tham gia khi chưa biết rõ nguồn gốc của chúng.
- Đặt mật khẩu 2 lớp cho các tài khoản.
- Không cài phần mềm không rõ nguồn gốc lên smartphone.
- Dùng mật khẩu Facebook mạnh, thường xuyên đổi mật khẩu.
- Khi được hỏi vay tiền, cách tốt nhất là gọi điện trực tiếp bằng số điện thoại. Hỏi người vay tiền nhiều thông tin khác nhau để kiểm tra.
- Luôn luôn phải cảnh giác với mọi yêu cầu vay tiền qua tin nhắn/video call.
Hướng Dương HT