(Tổ Quốc) - Thổ lâu ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) với phong cách kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời đã được công nhận là di sản thế giới.
Nếu du lịch đến tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), bạn không nên bỏ qua những tòa lâu đài bằng đất đặc biệt ở đây. Chúng có tên là Thổ lâu Phúc Kiến.
Thổ lâu Phúc Kiến phân bố chính ở vùng đồi núi phía Tây và Nam tỉnh Phúc Kiến, nổi tiếng với phong cách kiến trúc độc đáo và lịch sử văn hóa lâu đời. Thổ lâu được bắt đầu xây dựng từ triều đại Tống - Nguyên.
Thổ lâu Phúc Kiến là một kiến trúc khép kín với hình dạng chủ yếu là hình tròn, vuông, elip; có thể cao từ 4 đến 5 tầng lầu và được xây dựng nên bằng cách nén đất với hỗn hợp đá cuội, gỗ, tre nứa... Tường của thổ lâu có thể dày trên dưới 2m, các cửa sổ được làm bằng gỗ với lớp ngoài được gia cố bằng sắt.
Những tòa thổ lâu như những tòa pháo đài bất khả xâm phạm, được xây dựng nên với mục đích chính là bảo vệ người dân khỏi sự tấn công của thổ phỉ hay thú rừng. Chính vì thế, thổ lâu chỉ có một cửa chính (cổng) ra vào và không có cửa sổ ở tầng trệt. Một khi cổng chính đóng lại thì nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Trái ngược với kiến trúc đơn giản ở bên ngoài, bên trong thổ lâu rất phức tạp. Các phòng ở đều được thiết kế tinh tế với hệ thống thông gió hiệu quả tốt để mùa đông ấm áp và mùa hè mát mẻ. Tuy sống cùng nhau trong một cộng đồng nhưng mỗi gia đình đều có không gian riêng.
Những người sống bên trong thổ lâu gần như không bị phân biệt tầng lớp, địa vị xã hội. Giếng nước, thức ăn bên trong thổ lâu chính là tài sản chung chứ không thuộc về một hộ gia đình nào.
Thổ lâu Phúc Kiến được xem là "hóa thạch sống" của kiến trúc xây dựng cổ ở Trung Quốc. Tập hợp thổ lâu ở Phúc Kiến đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào tháng 7/2008 và thông qua tên gọi chung cho các kiến trúc thổ lâu là "Thổ lâu Phúc Kiến".
Nguồn: Sina, Baidu, Tân Hoa Xã
YU