(Tổ Quốc) - Mỗi dịp đầu năm, người dân các tỉnh miền Bắc lại nô nức đổ về Lễ hội Chùa Hương như 1 cuộc du xuân cầu may mắn. Cũng mỗi dịp này, không ít những màn lừa đảo dở khóc dở cười xuất hiện tại danh thắng Chùa Hương.
Màn "cưỡng chế" đi đò tại lễ hội Chùa Hương.
Cứ mỗi mùa hội lại là 1 mùa làm ăn của những kẻ lừa đảo trục lợi cá nhân
Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy.
Lễ hội chùa Hương năm 2020 sẽ diễn ra suốt 3 tháng ngay sau Tết Nguyên Đán. Lễ khai hội chùa Hương năm nay diễn ra vào ngày 30 tháng 01 năm 2020 tức ngày 06 tháng Giêng năm Canh Tý.
Từ xưa cho đến nay du khách trẩy hội Chùa Hương đã biết đến một quần thể hang động mang đậm đà màu sắc tín ngưỡng dân gian – đạo Phật với nền văn hoá nông nghiệp và phảng phất cả văn hoá phồn thực như bầu sữa mẹ, núi cô, núi cậu... Du khách đến Chùa Hương cầu mong mọi sự tốt lành, cầu của, cầu con, cầu bình an...
Chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba: Theo truyền thuyết thì ở vùng "linh sơn phúc địa" này vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện tục gọi là chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã vào đây tu hành 9 năm , đắc đạo thành phật đi cứu độ chúng sinh. Đây cũng là giữa mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi khí trời mát mẻ.
Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, lễ hội này đã trở thành một lễ hội lớn thu hút hàng triệu lượt du khách về tham quan chiêm bái. Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương hàng năm lấy ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương.
Hầu như năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp khai hội là người ta lại nô nức kéo nhau về danh thắng Chùa Hương vừa là để du xuân năm mới, cũng là theo quan điểm tâm linh dân gian, cầu chúc cho 1 năm an lành, nhiều may mắn.
Nhưng có 1 sự thật luôn tồn tại qua nhiều mùa lễ hội, đó là các vấn nạn từ những cá nhân trục lợi bất chính. Họ luôn nghĩ ra nhiều chiêu trò, lợi dụng sự cả tin và bất cẩn của người dân đi trẩy hội để "móc tiền trong túi" họ.
Từ trên bờ xuống đò giá vé đã xoay chuyển kì diệu, khách không đồng ý đi cũng bị "cưỡng chế" lên thuyền
Một trong những nét đặc sắc của khu du lịch văn hoá tâm linh này chính là người ta sẽ phải đi đò trên sông để đến các điểm tham quan du lịch.
Cũng chính tại khu vực tập kết đò, nhiều năm liên tục xuất hiện những gian thương chèo kéo khách du lịch lên đò rồi hét giá chóng mặt khiến nhiều người bức xúc và có cái nhìn không tích cực với khu du lịch tâm linh này.
Cũng bởi lẽ đó, đã từ rất lâu rồi, ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã bán vé tham quan và vé đò chung với nhau để hạn chế được những kẻ gian trục lợi từ khách du lịch.
Giá vé được niêm yết rõ ràng và đăng tải trên website chính thức của lễ hội Chùa Hương với giá 130.000 đồng/vé, đã bao gồm vé tham quan thắng cảnh và vé đò 2 lượt, cho các tuyến tham quan Đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích.
Khách đến tham quan du lịch chỉ cần mua 1 chiếc vé và yên tâm không phải chi trả thêm nữa. Việc bán vé như hiện tại đã góp phần không nhỏ giảm thiểu những màn lừa đảo, chèo kéo khách hàng gây mất cảnh quan tại thắng cảnh Chùa Hương.
Tuy nhiên, những con sâu làm rầu nồi canh vẫn nhất quyết không chịu yên ổn và làm ăn chân chính. Họ vẫn tìm được những kẻ hở mà ban tổ chức, quản lý cũng như các cấp chính quyền tại khu du lịch văn hoá tâm linh chưa thể kiểm soát hết để "chăn dắt" những người chưa có kinh nghiệm du lịch tại đây.
Có mặt tại lễ hội Chùa Hương ngay từ những ngày đầu khai mạc, tuy rằng năm nay không còn quá đông đúc như mọi năm, nhưng người dân vẫn đổ về trẩy hội rất nhiều.
Chúng tôi vừa đặt chân đến nơi, nhanh như cắt có 1 "cô lái đò" xuất hiện mồi chài chúng tôi đi đò của mình mà không cần mua vé.
"Hai cháu đi đò cho cô nhé, cô chở luôn. Vé theo nhà nước là 130.000/người, cô cũng chở giống nhà nước thôi".
Thậm chí trong quá trình mồi chài giao dịch với chúng tôi chưa thành công, bỗng nhiên 1 người phụ nữ đi xe máy xuất hiện ra sức tiếp lời "Thôi đi với cô ý luôn chứ còn đợi chờ cái gì nữa".
Khi chúng tôi ngỏ ý lo sợ nếu không có vé sẽ bị các cơ quan chức năng kiểm tra thì "cô lái đò" này hùng dũng trả lời "Bắt thì cô chịu trách nhiệm".
Nhưng bất ngờ chưa dừng lại ở đó, khi mới từ trên bờ đặt chân xuống đò, người phụ nữ này lại nhanh chóng đòi "bồi dưỡng" thêm. Từ 130.000 đồng đã thống nhất theo giá vé quy định trên bờ, đặt chân xuống đò đã tăng giá chóng mặt lên 200.000/người.
Khi chúng tôi không đồng ý với giá vé, người phụ nữ này nhất quyết không trả chúng tôi vào bờ mà "cưỡng chế" phải đi trên đò của mình.
"Đấy là giá vé nhà nước, chẳng lẽ không thêm cho cô đồng nào, ai chở 2 người không như thế. Cô chở ra kia xem người ta trả thêm đò bao nhiêu tiền rồi trả cho cô".
Mặc dù trước khi đặt chân lên đò, người này đã liên tục khẳng định sẽ mua vé hộ, đúng giá 130.000 mà ban tổ chức lễ hội đã quy định. Tuy nhiên ngay khi xuống đò, vật giá nhanh chóng thay đổi đến chóng mặt.
Cuối cùng, cô lái đò vẫn "cưỡng chế" chúng tôi thành công, bởi lẽ ai mà dám nhảy từ trên đò xuống sông rồi lại bơi vào bờ bây giờ. Chính vì vậy, màn chèo kéo cho đến ép buộc này có lẽ áp dụng khá thành công với nhiều đối tượng khách du lịch.
Vẫn biết đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh và chỉ có thể "bắt gà" là những người du lịch chưa có kinh nghiêm tại đây mà thôi. Tuy nhiên những hành động này của 1 số cá nhân với mục đích trục lợi đã khiến hình ảnh của lễ hội văn hoá tâm linh tại danh thắng Chùa Hương bị ảnh hưởng không hề ít.
Mạn Ngọc - Clip: Hoàng Tuân - Tuấn Tùng