(Tổ Quốc) - Từng “càn quét” mạng xã hội, nổi tiếng đến mức lên cả báo nước ngoài, “mâm cua dì Ba” hiện giờ đã có nhiều đổi thay bất ngờ.
Bất ngờ thành "ngôi sao", trả hết nợ nần
Cách đây 4 năm, "mâm cua dì Ba" là cái tên làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Việc nổi tiếng bất ngờ khiến việc bán cua của dì Ba hết nhanh chỉ trong chớp mắt.
Hồi đó, dì Ba chưa mang mâm cua đến điểm bán là hẻm 565 Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) đã có hàng chục người đứng chờ từ đầu đến cuối hẻm. Đến khi mâm cua khoảng 50 con của dì Ba vừa xuất hiện, khách tranh giành mua hết vèo trong vòng 5-10 phút.
Có những ngày dường như dân Sài Gòn đứng chờ bao quanh lớp trong lớp ngoài để mua cua dì Ba, nhiều Youtuber cũng liên tục xuất hiện review cập nhật khiến "mâm cua dì Ba" càng nổi tiếng hơn nữa.
"Mâm cua dì Ba" đông nghẹt khách tranh giành mua. Mâm cua lúc đó cũng nhiều hơn bây giờ
Theo dì Ba, thời điểm đó mỗi ngày bán được 130kg cua, trung bình 4 con/kg, mỗi con giá từ 200.000 – 250.000 đồng, trừ hết chi phí mỗi con cua dì Ba lời khoảng 70.000 đồng.
Không chỉ "càn quét" dư luận trong nước mà còn lan sang cả nước ngoài, đến nỗi một tờ báo Trung Quốc cũng đưa tin về "hiện tượng" này.
Tuy nhiên "hiện tượng lạ" chỉ kéo dài trong được khoảng gần 1 năm. Cũng vì quá nổi tiếng, trong thời gian đó nhiều lùm xùm phía sau như bị những người ganh tị nói xấu, bị "boom hàng" hoặc mua nhưng "quên" trả tiền,… Từ những biến cố này, cua dì Ba dần trở lại "mặt đất" sau đó.
Giờ đây, con hẻm 565 Nguyễn Trãi không còn đông đúc, nhộn nhịp vì mâm cua thương hiệu dì Ba nữa. Con hẻm vắng người qua lại hơn, ngoài "mâm cua dì Ba", hàng quán xung quanh cũng ế ẩm.
Khu vực bán cua của dì Ba hiện tại, rất ít người qua lại, khách mua cua cũng thưa thớt
Theo người dân tại hẻm, nguyên nhân vắng khách do vừa trải qua đợt dịch nên đời sống người dân còn khó khăn.
Bà Huỳnh Thị Minh Châu (52 tuổi) được xem là "cánh tay phải" của dì Ba trong suốt quá trình bán cua, từ lúc dì Ba chưa nổi tiếng đến thành "ngôi sao" và cho đến hiện tại. Bà Châu luôn là người cận kề, tận tình giúp đỡ dì Ba bán cua những lúc khó khăn nhất.
Hiện tại bà Châu vẫn bán trái cây bên cạnh "mâm cua dì Ba" để thuận tiện hỗ trợ dì Ba bán cua. Nhớ lại thời điểm mâm cua của dì Ba cứ vừa đặt xuống là khách mua hết vèo sau 5-10 phút, chị Nhung chia sẻ: "Lúc đó dì Ba nổi tiếng và được mọi người thương mến mua ủng hộ nhiều nên dì có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và trả được hết nợ. Bây giờ nhớ lại thời điểm đó mọi người ai cũng vui thay cho dì".
Hiện tại mặc dù bán chỉ 5kg cua mỗi ngày nhưng bán rất chậm, có ngày ngồi từ lúc ra bán là 10h đến 16h cua trên mâm vẫn chưa bán hết
Dì Ba ngồi trầm ngâm mong ngóng khách mua cua
Theo bà Châu, nhiều lúc dì Ba chia sẻ với bà và mọi người trong hẻm là đã trả hết nợ nần nên giờ tâm trí thoải mái, không muộn phiền gì, nghe vậy ai cũng mừng cho dì.
"Dì Ba đã trả hết nợ ở tuổi xế chiều là thấy yên tâm rồi chứ lúc trước dì thiếu nợ tội nghiệp lắm. Lúc đó chúng tôi phụ dì bán cua khi đông khách chỉ mong sao dì kiếm được nhiều tiền để trả nợ cho người ta là thấy vui rồi. Hiện giờ ngồi nhớ lại mới thấy ước nguyện chúng tôi đã thành hiện thực khi dì Ba đã có cuộc sống ổn định, trả hết nợ. Sau khi trả nợ xong, dì vẫn còn được chút ít tiền để hậu thân những lúc ốm đau và dùng làm vốn để buôn bán cua", bà Châu chia sẻ thêm.
Mâm cua vắng khách, dì Ba không nói thành tiếng được nữa
Hiện giờ "mâm cua dì Ba" đã không còn như lúc trước, vắng khách hơn rất nhiều, đặc biệt sau đợt dịch này càng ít khách hơn. Bà Châu kể có ngày cua ế, không bán hết phải mang về bỏ tủ lạnh và hôm sau hâm nóng lại bán tiếp nhưng với giá rẻ hơn cua mới.
Dì Ba hiện tại không thể nói thành tiếng được nữa sau khi mổ bướu cổ khiến việc bán cua cũng gặp chút trở ngại
Trong lúc chúng tôi ngồi trò chuyện với bà Châu, dì Ba ngồi trước mâm cua nhìn ra đầu hẻm với ánh mắt xa xăm và có chút đượm buồn. Thấy vậy, chúng tôi bắt chuyện mới biết hiện tại dì Ba không thể nói thành tiếng được nữa. Hiện tại dì Ba chỉ diễn tả bằng động tác tay và khẩu hình miệng để người khác hiểu.
Chỉ tay vào cổ vẫn còn vết sẹo sau mổ, dì Ba cho biết mổ bướu cổ gần được 1 năm nhưng không hiểu sao lại bị tắt dây thanh quản, không nói thành tiếng được. Dù dì Ba cố gắng nói lớn để chúng tôi nghe nhưng không thể. Mỗi lần cố gắng nói thành tiếng như vậy cũng khiến dì Ba khá mệt nên bây giờ dì chủ yếu nghe người khác hỏi rồi gật đầu.
Thấy dì Ba gặp khó khăn trong giao tiếp, bà Châu chia sẻ với chúng tôi: "Hiện tại sức khoẻ của dì Ba cũng giảm sút phần nào do di chứng sau khi mổ bướu cổ. Trong lúc ngồi bán cua, thỉnh thoảng dì Ba cảm thấy mệt, những lúc như thế tôi và mọi người cũng lo lắng lắm".
Bà Châu như là "cánh tay đắc lực" của dì Ba vì luôn đồng hành cùng dì Ba qua những năm tháng thăng trầm trong việc bán cua
Những lúc dì Ba thường mệt như vậy, bà Châu và mọi người khuyên dì ở nhà nghỉ ngơi nhưng dì không chịu. Lúc đó dì bảo "đi bán khoẻ hơn chứ ở nhà sẽ dễ đổ bệnh". "Dì bị bướu cổ cũng ảnh hưởng tới tim nữa nên thường bị mệt là vậy", bà Châu nói.
Theo bà Châu, dì Ba mổ bướu cổ gần cả năm nay nhưng đến giờ này vẫn không hiểu sao lại không nói được nữa. Dì Ba có chia sẻ, bác sĩ dặn thường xuyên tập nói nhưng thấy dì tập nói suốt nhưng cũng không phát ra tiếng, bây giờ chỉ nói thầm trong miệng và mọi người nhìn khẩu hình miệng của dì để nhận biết và giao tiếp.
"Bây giờ mong sao dì Ba nói được tôi mới yên tâm hơn, chứ nhìn dì như vậy thấy tội lắm, không biết chừng già yếu đi không được nữa thì làm sao đây. Thấy tội quá chừng, dì Ba lại sống một mình nữa, không có ai trông chừng, chăm sóc", bà Châu trải lòng.
Bà Châu (trái) vừa bán trái cây vừa phụ dì Ba bán cua
Dì Ba cũng chia sẻ, hiện giờ cuộc sống và việc buôn bán cua đã ổn định, khách quen thỉnh thoảng tới ủng hộ mặc dù không nhiều như trước nhưng có khách mua là dì mừng rồi. Giờ đây dì Ba chỉ mong sao có được sức khoẻ để buôn bán kiếm sống qua ngày là hài lòng rồi.
Khi nhắc lại thời hoàng kim và so với bây giờ, dì Ba không buồn lắm và cảm thấy hài lòng dù hiện tại khách không còn đông như trước. Bởi theo dì Ba, dì đã được mọi người giúp đỡ quá nhiều rồi nên trân trọng những ngày tháng đó lắm.
Bây giờ vắng khách, mỗi ngày chỉ bán được 5kg cua, có ngày bán không hết cua nhưng dì Ba vẫn cảm thấy an lòng.
Dì Ba lựa cầm cua cho khách xem trước khi mua
Những vị khách hiếm hoi ghé vào buổi chiều mua cua của dì Ba
Theo dì Ba, giá cua hiện tại có tăng nhẹ so với trước, với cua ốp là 1,1 triệu đồng/kg, cua gạch là 1 triệu đồng/kg, cua thịt là 950.000 đồng/kg.
Chị Hằng (quận Bình Tân) đi làm về và ghé qua mua cua ủng hộ dì Ba chia sẻ: "Tôi là khách quen của dì Ba, thỉnh thoảng ghé mua ủng hộ dì. So với mấy năm trước náo nhiệt, hiện giờ cua dì Ba vắng hơn nhiều, nhiều khi đi ngang thấy dì ngồi nhìn ra đầu hẻm trông ngóng khách thấy tội. Do sau dịch ai cũng thắt chặt chi tiêu và thấy giá cua cũng đã lên cao nên ít ai mua cua về ăn".
‘Mâm cua dì Ba’ ở Sài Gòn nổi tiếng mạng xã hội, lên báo nước ngoài hiện giờ ra sao?
Tứ Quý