(Tổ Quốc) - Những ngày trước dịch, mỗi bữa cơm nhà chị luôn dao động trong khoảng từ 70.000 đến 200.000 đồng tùy từng bữa. Tuy nhiên sau khi có dịch, chị đã hạ mức chi tiêu cho mâm cơm gia đình xuống khoảng ở mức 50.000 đồng đến 120.000 đồng cho nhà 4 thành viên.
Thuộc tip phụ nữ đảm đang, không chỉ thành công trong sự nghiệp, chị Phương (Mê Linh, Hà Nội) còn là một bà nội trợ vô cùng khéo léo trong việc vun vén, xếp sắp cuộc sống cho tổ ấm yêu thương của mình. Đặc biệt, sau những giờ làm việc căng thẳng chị lại dành thời gian để chăm căn bếp nhỏ, nấu những món ăn ngon mà các thành viên trong gia đình yêu thích.
Chị Phương cho biết: "Từ khi Hà Nội bùng phát dịch bệnh trở lại, thành phố thực hiện giãn cách, cuộc sống gia đình mình cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Thu nhập của vợ chồng bị giảm sút một phần vì vậy để thích ứng với thực tế tài chính hiện tại, mình đã phải cân đối lại kế hoạch chi tiêu sao cho hợp lý. Mặc dù trước đó, vợ chồng mình cũng có khoản tích lũy dự phòng song nếu dịch còn tiếp diễn căng thẳng thì mình cần phải có sự phòng bị về lâu về dài để ứng phó".
Chị Phương cho biết, trước nay chị vẫn là người chi tiêu có nguyên tắc. Những ngày trước dịch, mỗi bữa cơm nhà chị luôn dao động trong khoảng từ 70.000 đến 200.000 đồng tùy từng bữa.
Tuy nhiên sau khi có dịch, chị đã hạ mức chi tiêu cho mâm cơm gia đình xuống khoảng ở mức 50.000 đồng đến 120.000 đồng đổ lại cho nhà 4 thành viên. Chỉ trừ những ngày đặc biệt chị mới làm những mâm cơm có chi phí cao hơn.
Chị Phương chia sẻ, trước đây chị chi thoáng tay hơn khi mua sắm thực phẩm. Trong một tuần, chị có thể liên tục mua những loại thực phẩm đắt đỏ như tôm mực, hải sản hoặc chim gà về chế biến. Mặc dù vẫn kiểm soát trong hạn mức đặt ra nhưng chị thường xuyên chạm mức tối đa trong khoản tiền ăn quy định dành cho 1 tháng.
Thời gian dịch, chị đề cao phương châm tiết kiệm, thay vì mua những thực phẩm đắt đỏ thì chị chủ yếu mua những thực phẩm thiết yếu cơ bản nhưng thịt cá, trứng, đậu. Đặc biệt chị tuyệt đôi nói không với đồ ăn mua sẵn, hạn chế mua đồ ăn vặt và cả 3 bữa ăn trong ngày đều tự tay chị nấu.
"Mặc dù giảm chi phí cho bữa ăn nhưng mình vẫn luôn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất để các thành viên trong gia đình giữ được sức khỏe trong mùa dịch. Có điều mình sẽ giảm món so với thời điểm trước dịch.
Nếu những mâm cơm trước dịch mình làm cầu kỳ có bữa lên tới 2, 3 món mặn, canh nấu, rau xanh thì mâm cơm trong dịch mình chỉ làm 1 đến 2 món mặn với bát canh hoặc đĩa rau luộc. Có hôm đơn giản mình chỉ 1 đĩa thức ăn mặn, 1 bát canh nấu hoặc đĩa rau xanh. Hoa quả mình ưu tiên mua hoa quả theo mùa đỡ thuốc bảo quản, giá lại rẻ hơn.
Đặc biệt, mình quán triệt nấu ra bao nhiêu là phải ăn hết không được phép bỏ phí. Nếu 1 bữa ăn không hết mình sẽ bảo quản lại trong tủ lạnh, bữa sau mang ra dùng và mình chỉ làm thức ăn bổ sung thêm. Để hạn chế phải ăn lại đồ cũ như thế, mỗi bữa mình luôn ước lượng nấu vừa đủ, không nấu nhiều".
Bà nội trợ này cũng chia sẻ, vì dịch cần hạn chế đi lại nên một tuần chị chỉ đi chợ 1 tới 2 lần. Buổi tối trước khi đi chợ, chị ghi mọi thứ cần mua để hôm sau chỉ việc mua theo danh sách đó. Thực phẩm mang về, chị rửa sạch, sơ chế qua, chia nhỏ từng phần tương ứng từng bữa bỏ tủ lạnh dùng dần.
Đặc biệt bà nội trợ đảm đang này chia sẻ rằng, trong nấu ăn những loại gia vị như nước tạo màu, nước nghệ, bột gấc… có thời gian rảnh là chị làm sẵn đóng chai bảo quản trong tủ lạnh, tới khi nấu đồ chị chỉ việc mang ra tra vào đồ ăn như thế rất tiện. Với những gia vị khô như hành tỏi, chị Phương thường mua khá nhiều để sẵn trong nhà để dùng bất cứ khi nào đều tiện.
Theo kinh nghiệm nội trợ của chị Phương, khi nấu ăn quan trọng cách chế biến, nấu ăn bằng tình cảm, sự quan tâm của mình đối với mọi thành viên trong gia đình. Vậy nên tuy mùa dịch bữa cơm nhà chị có đơn giản hơn bởi chi phí hạ thấp xuống nhưng cả nhà ăn vẫn rất ngon miệng.
Ngoài ra với chị Phương, để có một mâm cơm ngon không chỉ phụ thuộc vào công thức chế biến hay chất lượng thực phẩm mà còn đòi hỏi ở sự khéo léo bày biện các món trong mâm sao cho hài hòa, đẹp mắt. Như thế khi ngồi vào bàn ăn, nhìn vào mâm cơm mọi người sẽ đều thấy háo hức, vị giác được kích thích, chắc chắn bữa cơm ấy sẽ được các thành viên gia đình đón nhận háo hức hơn.
Giang Nguyễn