(Tổ Quốc) - Thanh cua chiên giòn ăn lạ miệng mà làm dễ vô cùng, đảm bảo cả người lớn lẫn trẻ con đều mê.
Nhắc đến các món snack, chắc hẳn chị em sẽ nghĩ ngay tới bim bim hoặc khoai lang/khoai tây chiên, sấy. Đó đều là những món ăn vặt quen thuộc quá rồi. Nếu bạn cần một món ăn mới lạ hơn, hãy thử vào bếp làm món thanh cua chiên giòn mà chúng tôi gợi ý sau đây.
Chỉ cần dùng thanh cua và bột bắp là chị em đã có ngay món ăn vặt ngon lạ, cả người lớn lẫn trẻ con đều mê!
Cách làm thanh cua chiên giòn
Trộn thanh cua với bột bắp
Đầu tiên, chị em hãy xé thanh cua thành những sợi nhỏ. Xé dọc theo chiều dài của miếng thanh cua nha.
Tiếp theo, bạn rây 3 muỗng canh bột bắp qua rây lọc để bột mịn rồi trộn bột đã rây vào phần thanh cua đã xé nhỏ. Chị em trộn bột bắp với thanh cua thật kỹ nha. Trộn xong, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín miệng bát lại. Cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 tiếng.
Chiên thanh cua
Bạn cho khoảng 300-400ml dầu ăn vào chảo. Đợi dầu nóng già thì thả thanh cua đã ủ lạnh vào. Chiên trên lửa to khoảng 2 phút. Bạn nên gắp 1 lượng nhỏ thanh cua và cho vào chảo. Không nên đổ hết phần thanh cua vào chiên trong 1 lần vì như vậy các sợi thanh cua có thể dính vào nhau.
Chiên xong, bạn gắp thanh cua ra đĩa có lót sẵn giấy thấm dầu để loại bỏ bớt dầu thừa. Vậy là có thể thưởng thức được rồi.
Chỉ với 2 thao tác cùng 2 nguyên liệu cực rẻ, chị em đã có ngay món ăn vặt thơm ngon, lạ miệng rồi. Nhà có trẻ con thì đảm bảo đĩa thanh cua chiên giòn này sẽ bay vèo trong chớp mắt. Vốn dĩ thanh cua đã có vị mặn vừa đủ nên chị em cũng không cần tẩm ướp gì phức tạp.
Nếu bạn là một người bị dị ứng cua và băn khoăn không biết như vậy có "chén" được món thanh cua chiên giòn này hay không, thì câu trả lời là có nha!
Thanh cua (trong tiếng Nhật là surimi) là loại nguyên liệu đến từ Nhật Bản. Mặc dù gọi là "thanh cua" nhưng thanh cua lại được làm từ thịt cá và hoàn toàn không chứa thịt cua. Thịt cá được rửa sạch để loại bỏ chất béo, sau đó được băm thành bột nhão. Bột nhão này được trộn với các thành phần khác, thường là hương liệu vị cua trước khi được làm nóng và ép thành hình thuôn dài.
Ở Nhật Bản, các sản phẩm không phải cua thật cần được đóng gói và dán nhãn theo quy định của chính phủ, thường có các nhãn phân biệt như "cua giả"," hải sản có hương vị cua" hoặc "hải sản surimi".
Với những thông tin và gợi ý này, hy vọng chị em sẽ có thêm một món ăn vặt vừa ngon vừa lạ để thưởng thức.
Chúc bạn thành công với cách làm thanh cua chiên giòn này nhé!
M. Trang