(Tổ Quốc) - Chế độ ăn uống không hợp lý trong thời gian mang thai có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả bà bầu lẫn thai nhi.
Trong khi nhiều mẹ bầu trải qua giai đoạn mang thai khá dễ dàng thì không ít chị em phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe trong thời kỳ này. Một trong số những căn bệnh khá nguy hiểm thường được nhắc tới khi mang thai đó là tiểu đường thai kỳ. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì bệnh này sẽ gây ra nguy hiểm cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi trong bụng.
Phát hiện sớm bệnh vào khoảng từ tuần 24 đến tuần 28 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ nhận được các lời khuyên hữu ích từ bác sĩ. Không ít mẹ bầu sau khi được điều chỉnh chế độ ăn uống đã khỏi bệnh và thai nhi chào đời khỏe mạnh, an toàn.
Mới đây, chị Trang (27 tuổi, sống tại Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện của mình trong khi mang thai và nhận được sự quan tâm của hội chị em bỉm sữa. Chị Trang cho biết suốt thời gian có thai, mọi thứ khá suôn sẻ, chị không nghén và ăn uống tốt. Trước khi có bầu, bà mẹ trẻ đã có một chế độ luyện tập thể thao và ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe.
Bà mẹ 1 con phát hiện bệnh vào tuần thứ 26 của thai kỳ.
Tuy nhiên, vào khoảng tuần thứ 26, chị Trang đi test tiểu đường thai kỳ và phát hiện mình đã mắc căn bệnh này. Dù đã đọc nhiều tài liệu và thấy hiện tại tỉ lệ các mẹ mắc tiểu đường khá cao nhưng bà mẹ trẻ vẫn không tránh khỏi lo lắng.
"Vấn đề dinh dưỡng để nuôi dưỡng bào thai là điều cực kì quan trọng. Trước đó, mình đi khám bác sĩ sản và nội tiết nhưng chỉ khám khá sơ sài nên mình ăn kiêng không đúng cách, kết quả là em bé đã chậm tăng trưởng so với tuần tuổi thai. Mình và chồng rất lo lắng và cực kỳ stress. Sau đó mình đi khám dinh dưỡng, ở đó các bác sĩ khám và xây dựng thực đơn riêng cho mỗi người dựa vào tình hình sức khoẻ và kết quả xét nghiệm máu xem mẹ đang thiếu - thừa chất gì.
Chế độ ăn của mình vẫn duy trì ăn đầy đủ chất kể cả tinh bột nhưng tỉ lệ thức ăn dựa theo bác sĩ dinh dưỡng chỉ định. Nguyên tắc của chế độ ăn khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ là: chia nhỏ bữa ăn. Thay vì ngày ăn 3 bữa, bạn nên ngày ăn 4-5 bữa. Kể từ lúc ăn kiêng tới lúc sinh mình luôn tự kiểm tra đường huyết và sau sinh kiểm tra lại thì mọi thứ đã trở lại bình thường, mình đã khỏi tiểu đường thai kỳ", chị Trang chia sẻ thêm.
Vì ăn kiêng chưa đúng cách nên có giai đoạn em bé trong bụng chị Trang chậm phát triển so với tuổi thai.
Trước đó, rất nhiều người nghĩ rằng khi bị tiểu đường chỉ cần ăn kiêng, cụ thể là giảm tinh bột hay ăn càng ít càng tốt. Thế nhưng với mẹ bầu, nguồn dinh dưỡng rất quan trọng để nuôi cả thai nhi trong bụng, thế nên nếu mẹ ăn quá ít thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng và sức khỏe của con.
Lời khuyên mà chị Trang đưa ra cho các mẹ bị mắc tiểu đường thai kỳ là: "Nếu các mẹ còn chưa biết ăn kiêng đúng cách thì nên đi khám dinh dưỡng để xây dựng thực đơn cho riêng mình. Và nếu có điều kiện nên khám luôn khi biết mình có thai để có 1 chế độ ăn tốt, đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, tránh tiểu đường thai kỳ và ăn vào con không vào mẹ".
Ngoài ra, bà mẹ trẻ cho biết các bà bầu đừng vì chủ quan mang thai lần 2, 3 hoặc bị bận bịu mà bỏ qua các mốc khám thai quan trọng. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần giữ sức khỏe, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hoặc một số bài tập phù hợp cho bà bầu so với tuần thai ở thời điểm tập.
"Có một chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp sẽ giúp mẹ khỏe, con khỏe mà sau sinh mẹ vẫn giữ được dáng vóc cũ. Mình sinh thường và quá trình sinh cũng diễn ra khá thuận lợi. Hiện tại bé nhà mình đã được 5 tháng. Trộm vía con rất ngoan ngoãn, đáng yêu", bà mẹ trẻ tâm sự.
San San