(Tổ Quốc) - Khi mua nhiều thực phẩm, việc chọn lựa và bảo quản chúng trở nên vô cùng quan trọng.
Ngộ độc thực phẩm là một thuật ngữ chung để chỉ bất kỳ dấu hiệu bệnh tật nào do ăn phải thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc bị nhiễm khuẩn. Thực phẩm có thể dễ dàng bị nhiễm vi khuẩn E. coli, virus viêm gan và một số loại ký sinh trùng, gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.
Khi mua nhiều đồ ăn, việc chọn lựa và bảo quản chúng trở nên vô cùng quan trọng. Bạn hãy tránh ngay những sai lầm sau đây để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
1. Lưu trữ thịt sống ở kệ trên cùng của tủ lạnh
Vị trí lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh rất quan trọng. Nếu đặt thịt ở kệ dưới cùng, bạn sẽ loại bỏ được nguy cơ nước từ thịt chảy ra, dính vào thực phẩm khác. Ngược lại, thịt cất ở kệ trên cùng, đồ ăn có trong tủ lạnh sẽ bị “ô nhiễm” vì nước thịt sống rò rỉ.
2. Để tủ lạnh không đủ lạnh
Các tủ lạnh đều có bộ điều khiển để người tiêu dùng thay đổi nhiệt độ của ngăn mát và ngăn đông. Muốn tạo một môi trường mà vi khuẩn không thể phát triển, bạn hãy luôn đặt tủ lạnh ở mức 40 độ F (khoảng 4,5 độ C) trở xuống và ngăn đá ở mức 0 độ F (khoảng - 18 độ C).
Nếu không đủ lạnh, vi khuẩn và các mầm bệnh phát triển trên thực phẩm sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe các thành viên trong gia đình.
3. Không phân biệt được “hạn sử dụng” và “ngày tốt nhất để sử dụng”
Use by date (hạn sử dụng) thường được dùng cho những sản phẩm dễ bị hỏng như sữa, pho mai mềm, thịt, thủy hải sản... Điều đó có nghĩa là người dùng nên sử dụng chúng trước ngày ấy vì sau đó sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nguy cơ bị ngộ độc. Đối với nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm quá hạn sử dụng là vi phạm pháp luật.
Best before date/ Best before (sử dụng tốt nhất đến ngày) là loại hạn sử dụng thường thấy trên các sản phẩm đông lạnh, đồ hộp hoặc thức ăn khô, nói chung là các thực phẩm có thể để được lâu. Nó nhấn mạnh vào chất lượng thực phẩm hơn là độ an toàn. Chất lượng tốt nhất của thực phẩm chính là trong khoảng thời gian đó. Sau mốc thời gian ấy, độ tươi ngon của thực phẩm giảm dần, tuy nhiên vẫn có thể sử dụng được mà không bị ngộ độc.
4. Mua sản phẩm sữa chưa tiệt trùng
Sữa chưa tiệt trùng là loại thực phẩm được cảnh báo nguy hiểm. Các loại phô mai chưa tiệt trùng cũng có mối liên quan đến sự bùng phát ngộ độc thực phẩm. Bởi vì tất cả sản phẩm sữa chưa tiệt trùng này có thể mang vi khuẩn truyền nhiễm như Listeria, E. coli và Brucella.
5. Không biết loại thực phẩm nào có nguy cơ rủi ro
Có một số loại thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn hơn những loại khác, bạn cần phải nắm rõ để biết cách chọn mua và xử lý chúng khi nấu ăn. Hàu và các loài nhuyễn thể khi ăn sống chính là một ví dụ trong số đó.
6. Không bảo quản thực phẩm lạnh cùng nhau khi đi mua sắm
Khi đi siêu thị, nhiều người thường coi nhẹ cách sắp xếp thực phẩm trong túi hàng của mình. Có một thủ thuật đơn giản giúp thực phẩm của bạn an toàn hơn, đó là gói ghém các mặt hàng đông lạnh chung với nhau. Cách làm đó giúp giữ lạnh chúng tốt hơn, giảm nguy cơ thu hút vi khuẩn trong quá trình bạn vận chuyển thực phẩm từ siêu thị về nhà.
7. Không giặt sạch khăn lau bát đĩa
Khăn lau bát đĩa và dụng cụ nhà bếp được sử dụng mỗi ngày khi bạn nấu ăn. Chúng ta còn thường dùng nó để lau khô tay sau mỗi lần rửa tay. Nếu khăn bẩn, vi khuẩn sẽ lây lan ra khắp mọi nơi từ bát đĩa cho đến bàn tay của bạn, rồi dính vào thực phẩm.
8. Nhà bếp thiếu sạch sẽ
Nhà bếp sạch sẽ, các vị trí chuẩn bị thực phẩm và khu vực nấu nướng cũng được an toàn, không có mầm bệnh. Bạn không cần thiết phải mua các sản phẩm tẩy rửa mà có thể lựa chọn những phương pháp tự nhiên có ngay trong căn bếp để làm sạch.
9. Không làm lạnh ngay thức ăn thừa
Sau khi bữa ăn kết thúc, hãy cất thức ăn thừa của bạn vào tủ lạnh ngay lập tức. Theo Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ, sau 2 giờ thực phẩm nấu chín có nguy cơ bị hỏng nếu còn giữ ở nhiệt độ phòng. Sau đó dù bạn cất vào tủ lạnh thì chúng đã bị nhiễm khuẩn rồi.
10. Không sử dụng nhiệt kế nấu ăn
Nhiệt kế nấu ăn là một công cụ đảm bảo chắc chắn bạn nấu thịt không bị sống hoặc chín quá. Khi phía sâu bên trong miếng thịt đạt đến mức nhiệt độ nhất định, sẽ không còn vi khuẩn sống nào có thể gây bệnh cho người ăn.
Theo: Themeal
An Du