(Tổ Quốc) - Đỉnh núi Lở hôm đó chứng kiến một sự việc động trời, thi thể cô gái Dao Tuyển được phát hiện trong đống cỏ gianh.
Làng Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vốn là vùng rẻo cao, yên bình. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của bà con người dân tộc Dao. Cuộc sống hằng ngày của bà con nơi đây vốn dĩ rất bình yên. Sáng lên núi làm nương, cuốc đất, chiều chiều quây quần cùng gia đình bên bếp lửa. Cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc vốn bình yên bao đời nay, cho đến ngày hôm ấy.
Ngay cả đến bây giờ, mỗi khi nhắc tới sự việc trên đỉnh núi Lở năm ấy, bà con nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Họ thương xót cho cô gái trẻ xấu số bao nhiêu, lại càng sợ hãi bấy nhiêu khi nghĩ về những thứ kẻ thủ ác đã làm với nạn nhân.
Sơn nữ mất tích bí ẩn
Chiều 7/5/2003, sau buổi làm nương, như thường ngày, người dân làng Cài mau chóng trở về nhà chuẩn bị cho bữa cơm tối bên gia đình. Riêng chỉ có cô gái tên Đặng Thị T. (năm ấy vừa tròn 18) thì mãi tới tối muộn vẫn chưa thấy bóng. Việc phát cỏ trên nương, với T. có lẽ phải xong từ lâu rồi mới phải. Tới khi màn đêm bao trùm vẫn không thấy T. về, người nhà và dân bản bắt đầu đỏ đuốc đi tìm.
Tìm kiếm đến đêm khuya nhưng vẫn không thấy tung tích của T., thậm chí còn đưa ra giải thiết T. ngã xuống vách núi thế nhưng tìm đủ mọi nơi cũng không thấy người. Công cuộc tìm kiếm cô gái trẻ mất tích được tiếp tục vào những ngày sau đó.
Trai tráng trong bản thạo đường rừng tìm cả ở mấy vực sâu mà T. có khả năng ngã khi đi về trên đường núi cheo leo cũng không tìm thấy. Cả bản không ai bảo ai đều thắc mắc đặt câu hỏi T. đi đâu. Nương ngô chỗ cô gái phát cỏ thường ngày chỉ còn đống cỏ đã phát xong đang chất đống, cùng chiếc cào nằm chỏng chơ.
Cũng vào thời điểm đó, trong thôn có một số cô gái theo người lạ đi làm ăn xa, nên giả thuyết này cũng được người dân trong bản nghĩ tới. Người nhà T. nhờ người dò hỏi khắp nơi, thậm chí xuống cả Hà Nội, lên Lào Cai, sang Lạng Sơn để tìm nhưng T. vẫn biệt vô âm tín.
Nhiều ngày sau đó, gia đình vẫn chưa từ bỏ việc tìm kiếm T. Thế nhưng, họ không tìm kiếm trên đỉnh núi mà đi theo hướng T. theo người lạ đi làm ăn dưới xuôi.
Một ngày, gió từ đỉnh núi Lở mang theo mùi hôi thối lan khắp vùng thung lũng, tới tận làng Cài. Nghĩ rằng có thú rừng chết, thối rữa nhưng mùi quá nồng nặc, dân bản rủ nhau lên núi Lở lần nữa xem sao, nhân tiện giải quyết để không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người trong bản.
Càng lên cao, mùi gây, thối càng đậm đặc, dân bản bới tung từng bụi cây, lùm cỏ. Cuối cùng, thứ mùi khiếp đảm đưa họ tới gốc một cây ngõa cổ thụ. Tiếp đó, không khí bỗng nặng nề, cô đặc lại, nỗi sợ hãi kinh hoàng như ôm lấy từng người dân làng Cài.
Đó không phải là xác thú.
Dưới bóng cây ngõa
Trước mắt họ, là T., lúc này đã là một thi thể đang trong giai đoạn thối rữa. Hai tay T. bị trói chặt vào cổ, cái tư thế ám ảnh nhất mà mỗi người trong đoàn tìm kiếm hôm ấy có thể nghĩ tới.
Vụ việc đã gây chấn động bản làng Cài những ngày đầu tháng 5. Cuộc sống người dân bị đảo lộn trước sự việc kinh hoàng.
Ngay sau khi nhận được tin từ Công an huyện Văn Yên, Phòng Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Yên Bái đã tức tốc lên đường đến hiện trường. Đến Công an huyện Văn Yên, cuộc họp diễn ra chóng vánh. Đoàn công tác nhanh chóng hướng Lâm Giang thẳng tiến.
Hiện trường vụ án mạng khá đặc biệt, trên đỉnh núi. Chỉ riêng việc di chuyển đã gặp rất nhiều khó khăn. Đỉnh núi Lở có độ cao hơn 1000m so với mặt nước biển. Hành trình thực sự gian khổ. Vách núi dựng đứng, Đoàn phải bám lau sậy đu người leo lên theo vết người trước đã đi. Nắng đầu hạ chói chang, trời xanh ngằn ngặt tịnh không một đọn mây, khiến đoàn công tác cứ leo được vài mét lại dừng lại thở dốc. Dường như cứ lên cao 1 mét, đồ vật mang theo người lại tăng lên 1kg. Khẩu súng ngắn giắt cạp quần càng lúc càng nặng.
Chưa kể đội ngũ pháp y, kỹ thuật hình sự còn phải xách theo vali khám nghiệm, mồ hôi ròng ròng trên những khuôn mặt đỏ bừng rồi tím tái nhợt nhạt vì mệt. Nếu khi lên đã là một cực hình, thì lúc xuống núi cái chết lại hiện hữu, vì vực sâu hàng trăm mét đang chờ những cú sa chân.
"Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa quên cảm giác nghẹt thở trong những lần lên xuống ngọn núi ấy", Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu nhớ lại.
Sau hàng tiếng đồng hồ vượt núi đá, hẻm vực cheo leo, Đoàn cũng đã đến được hiện trường vụ án.
Ngay từ khi tiếp cận thi thể nạn nhân, đoàn công tác đã đặc biệt chú ý đến sợi dây trói cũng như cách hung thủ trói ghì hai tay nạn nhân vào cổ rất "lạ lùng". Chính những đặc điểm này góp phần giúp các trinh sát "phác họa", đưa ra những giả thuyết về thói quen, nghề nghiệp của hung thủ.
Quá trình khám nghiệm hiện trường, các trinh sát không bỏ qua bất kỳ một chi tiết nào dù là nhỏ nhất. Trong chuyên án này còn có sự tham gia của một người hết sức đặc biệt - Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng - (Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái khi đó, nay đã nghỉ hưu) đã nhiều lần cất công leo vách núi dựng ngược, hì hục leo lên tận hiện trường.
Chính vị Giám đốc Công an tỉnh đã sục tay vào những chồng cỏ khô để tìm kiếm dấu vết, vật chứng, bới tung từng lớp cỏ gianh, bụi cây, bất chấp việc dưới những lớp cỏ khô đã bò ra những con cạp nong, hổ mang gớm ghiếc.
Tại sao lại là đỉnh núi?
Đường lên đỉnh núi Lở rất hiểm trở với nhiều vực sâu hàng trăm mét. Cái chết như đang hiện hữu ngay bên cạnh bất kỳ lúc nào. Nhưng cũng chính những điểm này, đoàn công tác đã đưa ra những phán đoán, nhận định về tính chất vụ án.
Cùng với những "phác họa", đưa ra những giả thuyết về thói quen, nghề nghiệp của hung thủ thông qua tư thế tử vong "kỳ lạ" của nạn nhân, Đoàn đã có những phán đoán, nhận định ban đầu về hung thủ.
Đó là, hung thủ nhất định phải là “người đặc biệt” tức là người có lý do công việc nào đó tại hiện trường, như làm nương rẫy, đi săn bắt chứ không phải người rỗi hơi cất công leo ngược vách núi dựng đứng lên hiện trường để cướp của, giết người.
"Còn nhớ có hôm vào giữa trưa nắng chang chang, ông yêu cầu nhóm chỉ huy chúng tôi, từng người đưa ra nhận định về sợi dây trói, cách trói ghì 2 tay nạn nhân vào cổ, để đưa ra giả thuyết về thói quen, nghề nghiệp của hung thủ, vì cách trói rất lạ", Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu nhớ lại.
Mặt khác, ngọn núi cũng không phải địa bàn đầu mối giao thông công cộng, nên có thể loại trừ hoàn toàn yếu tố vãng lai hay đối tượng từ địa bàn khác đến.
Từ nhận định này, việc khoanh vùng địa bàn tìm thủ phạm được xác định. Các trinh sát tập trung rà soát các hộ dân có nương rẫy gần hiện trường và những người thường săn bẫy thú rừng trong vùng, để tìm ra những nam giới có biểu hiện nghi vấn trước, trong và sau khi vụ án xảy ra.
Đặc biệt là những người có mặt gần khu vực hiện trường vào thời điểm nạn nhân T. bị sát hại.
Từ sự thông thạo địa bàn dân cư của lực lượng công an xã, việc khoanh vùng đối tượng nghi vấn đã nhanh chóng thu được kết quả ban đầu.
Trong số các hộ gia đình có nương rẫy gần hiện trường, gia đình bà Đỗ Thị Đ. ở thôn 1 xã Lâm Giang có đặc điểm nghi vấn. Bà Đ. bỏ chồng đã lâu hiện sống với hai người con một trai một gái. Quê ở Hạ Hoà, Phú Thọ lên Lâm Giang khai hoang đã mấy chục năm.
Trong sinh hoạt hàng ngày, đó là một bà già lắm lời, sẵn sàng xắn tay áo chửi bới hàng xóm, người con trai tên Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1984 đã bỏ học từ lâu, tính tình khá ngỗ ngược, nên cũng ít người qua lại, giao du với gia đình này. Gia đình bà Đ. có khoảng nương nhỏ cách nương nhà chị T. không xa trên đỉnh núi Lở.
Khi tiến hành tiếp cận nắm tình hình về gia đình này, các trinh sát nhận được một tin quan trọng từ người dân: “Thằng Tiến con bà Đ. đã không thấy mặt ở địa phương vài ngày nay, hình như là từ lúc tìm thấy xác cái T.”.
Cùng với đó, qua theo dõi tìm hiểu các trinh sát cũng nhận thấy cùng lúc đó, bà Đôn kêu ốm, cả ngày đóng cửa im lìm ở nhà chứ không đi sang hàng xóm chơi như mọi khi. Dự đoán đưa ra là chắc đã có biến cố nào đó xảy ra trong gia đình này.
Nguyễn Văn Tiến có liên quan thế nào đến cái chết của T. hay đơn giản việc Tiến rời đi chỉ là sự trùng hợp? Mời độc giả đón đọc phần 2 trên aFamily.vn vào giờ này ngày mai.
HẠ VŨ