(Tổ Quốc) - Mức lương 15 triệu có thể coi là khá lý tưởng với hội độc thân nhưng với cô gái này, nhận lương xong vẫn nhăn nhó lo cuối tháng phải "chạy ăn".
Thu Ngân quê gốc ở Ninh Bình, học chuyên ngành tài chính kế toán. Ra trường, Ngân xin vào làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân với mức lương khởi điểm 7 triệu 1 tháng.
Sau nhiều năm phấn đấu, hiện lương của Ngân đã chạm mốc 15 triệu. Có thể nói, nếu biết cách chi tiêu khoa học thì mức thu nhập này với 1 cô gái độc thân là thoải mái chi tiêu, tích lũy. Vậy mà ví của Ngân lại chưa bao giờ cầm cự được đến hết tháng.
Ngân kể: "Vì độc thân nên mình sống khá thoải mái. Ban đầu mới ra trường, lương thấp, mình thuê phòng ghép với 1, 2 người bạn. Sau khi thu nhập khá hơn mình tách ra thuê căn hộ mini ở riêng. Quê mình không quá xa, một tháng mình về qua nhà đôi ba lần. Khi nào về bố mẹ cũng gửi thực phẩm sạch như rau quả, gà, ngan, trứng cho mang đi ăn vài tuần mới hết. Vậy mà lương 15 triệu mình tiêu vẫn chẳng đủ".
Theo chia sẻ của Ngân, các khoản chi tiêu cụ thể hàng tháng của cô như sau:
Tiền thuê nhà: 3.5 triệu
Điện nước: 500k
Xăng xe: 300k
Tiền ăn: 2 triệu
Sinh nhật cưới hỏi: 1.5 triệu
Giải trí xem phim, đi du lịch: 2 triệu
Mua sắm quần áo: 4 triệu
Mĩ phẩm, làm đẹp: 1 triệu
Với mức chi tiêu như trên, Ngân nhận lương tháng nào là tiêu hết tháng ấy chẳng bao giờ tích lũy được. Thậm chí tháng nào có việc đột xuất như ốm đau là Ngân phải cầu cứu bố mẹ, hoặc không lại xoay mượn bạn bè.
"Nhiều lần ngồi kể chuyện với các chị làm cùng công ty, nghe về các khoản chi tiêu của mình, mọi người đều nhận xét mình chưa biết cách quản lý kinh tế. Bản thân mình cũng nhận ra điều đó và cũng từng hạ quyết tâm hoạch định, lên kế hoạch chi tiêu để dành tiền tiệt kiệm nhưng chưa lần nào thành công", Ngân than thở.
Ngân chia sẻ thêm rằng, cô mắc bệnh "nghiện" mua sắm. Không tuần nào là cô không đi shopping mua váy áo. Nhất là mỗi đợt các thương hiệu thời trang cô ưa thích có đợt xả hàng, giảm giá sâu là nhất định cô phải sắm được vài bộ cánh về bỏ tủ. Cũng vì thế mà tủ đồ của cô liên tục được "cơi nới".
Thậm chí các khoản chi tiêu Ngân đã chia cụ thể, rành mạch như trên nhưng khi cảm hứng mua sắm dâng trào, không kiềm chế được cô lại tiêu lạm vào các khoản khác: "Có lần mình dốc hết cả tiền ăn vào mua đồ, cuối tháng phải ăn mì tôm chờ lương. Mình biết đó chính là nguyên nhân chính khiến bản thân không có tích lũy nhưng hạ quyết tâm nhiều lần mà chưa sửa được.
Nói thật, tính tới thời điểm này, mình đã bước sang tuổi 28, mỗi lần về quê bố mẹ người thân giục lấy chồng mình cũng sốt ruột. Song cứ nghĩ tới tài khoản ngân hàng luôn trong tình trạng trống không mà mình sợ chẳng dám nghĩ tới cuộc sống gia đình. Có lẽ thời gian tới mình phải nghiêm túc thực hiện quyết tâm "cai nghiện" mua sắm, lập lại kế hoạch chi tiêu cho khoa học hơn chứ không thể để tình trạng này kéo dài mãi được", Ngân chia sẻ.
Giang Nguyễn