(Tổ Quốc) - Do máy móc khó tiếp cận hiện trường nên lực lượng cứu trợ chủ yếu phải dùng tay để bốc đất đá, tìm kiếm một phép màu dưới những lớp bùn dày đặc đến tận đầu gối. Bữa ăn của các anh cũng thay phiên nhau, khẩn trương ăn thật nhanh những bát cơm gói trong túi bóng rồi quay lại làm việc.
Hai vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm kiểm lâm tiểu khu 67 - Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã khiến dư luận cả nước hết sức bàng hoàng và đau xót.
Đến chiều nay (15/10), hơn chục nạn nhân tại 2 điểm sạt lở vẫn chưa thể tìm thấy hoặc liên lạc được. Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang diễn ra vô cùng khẩn trương, hàng ngàn chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng quân đội, công an vẫn đang cố gắng tìm kiếm trong hàng ngàn mét khối đất đá và mong chờ một phép màu xảy đến.
Cảnh tượng sạt lở kinh hoàng tại 2 điểm sạt lở (Ảnh: Lao Động)
Các lực lượng tranh thủ từng phút, từng giây tìm kiếm người gặp nạn (Ảnh: Quân đội nhân dân)
2 khu vực sạt lở bị vùi lấp hoàn toàn dưới lớp đất đá dày đặc, con đường dẫn vào hiện trường hiểm trở, khó khăn nên máy móc cực kỳ khó tiếp cận. Đặc biệt tại điểm sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, đoàn cứu hộ phải đi bộ băng rừng, vượt thác để đến được nơi những công nhân gặp nạn.
Lực lượng phải phân nhau nhiều nhiệm vụ để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng. Một mặt, các chiến sĩ phải đào đất để mở đường cho đoàn xe cứu hộ vào hiện trường, hỗ trợ nhanh chóng cho việc tìm kiếm các nạn nhân. Mặt khác, các chiến sĩ cũng phải nhanh chóng tìm các nạn nhân bị vùi lấp. Xe cứu hộ chưa kịp vào, máy xúc từ nhà máy chỉ có số lượng hạn chế, các chiến sĩ chủ yếu phải dùng vật dụng thô sơ như cuốc, xẻng hoặc tay không để bốc từng miếng đất, hòn đá, mong chờ tín hiệu ít ỏi dưới lớp đất bùn dày đặc, bao la.
Chiến sĩ bộ đội băng rừng, vượt thác tiếp cận hiện trường vụ sạt lở (Ảnh: Lao Động)
Lực lượng cứu hộ kết hợp cùng nhân dân vận chuyển thiết bị cứu hộ (Ảnh: VNexpress)
Ngoài máy xúc của nhà máy, lực lượng chủ yếu đào đất đá bằng dụng cụ thô sơ hoặc tay không (Ảnh: Quân đội nhân dân)
Vất vả tìm kiếm nạn nhân trong hàng ngàn mét khối đất đá (Ảnh: Quân đội nhân dân)
Bộ đội đưa chó nghiệp vụ đến hiện trường vụ sạt lở (Ảnh: Quân đội nhân dân)
Các chiến sĩ dùng tay không bốc từng hòn đá (Ảnh: Kiến thức)
Tại hiện trường vụ sạt lở, mỗi chiến sĩ đều cố gắng chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích trong bao la đất bùn.
Theo thông tin trên báo Kiến Thức, bữa ăn của các chiến sĩ phải thay phiên nhau, một tốp làm việc một tốp cố gắng ăn thật nhanh những bát cơm được gói trong bịch nilon. Làm việc vất vả dưới điều kiện thời tiết, địa hình khắc nghiệt nhưng tất cả đều không hề chậm trễ, mọi thao tác đều được thực hiện nhanh chóng để thay phiên cho đồng đội và đẩy nhanh công tác tìm kiếm người gặp nạn.
Bữa cơm vội vàng của những chiến sĩ khi cứu hộ tại điểm sạt lở (Ảnh: Kiến Thức)
Các anh thay nhau ăn uống, nghỉ ngơi rồi nhanh chóng quay lại làm việc thay phiên cho đồng đội
Còn theo báo Thanh Niên, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lực lượng cứu hộ đang phải làm việc hết tốc lực để tránh thời tiết mưa vào ngày mai.
"Chỉ có ngày hôm nay để chúng ta thực hiện công việc này thôi bởi vì ngày mai sẽ mưa, các lực lượng phải rút về rồi. Hôm nay các lực lượng phải cố gắng hết sức", ông Định nói.
Theo vị Phó chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay cả 2 vị trí tìm kiếm lượng đất đổ lên khu nhà ở vô cùng lớn, phải làm thủ công. Một số công việc làm bằng phương tiện cơ giới, còn lại vẫn phải tìm kiếm bằng thủ công chứ "không thể đào bới mạnh tay được". “Khối lượng công việc quá lớn nên sẽ rất mất thời gian”, ông Định nói.
Bên ngoài hiện trường, lực lượng công binh tiến hành vận chuyển trang thiết bị và lương thực cứu nạn (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)
Thi thể nạn nhân đầu tiên được lực lượng đưa ra ngoài (Ảnh: Tiền Phong).
Tùng (Tổng hợp)