(Tổ Quốc) - Không thể "mua đứt" căn hộ, nhiều cặp vợ chồng đang lựa chọn hình thức mua nhà trả góp. Vậy khi ly hôn vẫn chưa trả hết nợ thì việc xử lý khoản tiền này và căn hộ đó như thế nào là đúng pháp luật sẽ được luật sư giải thích tường tận.
Thay vì dùng số tiền khá lớn "mua đứt" căn nhà thì thời điểm hiện tại có rất nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn mua nhà trả góp vì không đủ tài chính hoặc muốn dùng số tiền kia để đầu tư, kinh doanh mà vẫn có được nhà, trả được nợ.
Thế nhưng khi trường hợp xấu xảy đến, hai vợ chồng quyết định sẽ ly hôn mà khoản nợ vẫn chưa được trả hết thì việc xử lý khoản tiền này và căn hộ đó sẽ được phân chia như thế nào để đúng pháp luật.
Câu hỏi:
Hai vợ chồng tôi cùng mua căn hộ trả góp nhưng khi li dị thì vẫn chưa trả hết số tiền mua. Lúc này có những cách xử lý với số tiền nợ và căn hộ như thế nào?
Câu hỏi này cũng là thắc mắc chung của nhiều người. Bởi vấn đề tài chính sau ly hôn của các cặp vợ chồng luôn là bài toán khó và cần phân chia chính xác dựa trên thước đo của pháp luật.
Và để giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi đã liên hệ với Luật sư Đặng Văn Cường hiện đang là Trưởng văn Phòng Luật sư Chính pháp - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để đưa ra ý kiến về mặt pháp luật trong trường hợp này.
Luật sư Đặng Văn Cường giải đáp:
Trong các vụ việc ly hôn thì rất nhiều trường hợp tài sản chung vợ chồng đang đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ dân sự khác trong đó có việc trả nợ ngân hàng. Bởi vậy khi ly hôn thì hai bên sẽ tự thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản chung vợ chồng, trong trường hợp không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Trường hợp 1:
Hai bên có thể thỏa thuận để một người được sở hữu ngôi nhà đó sau khi ly hôn và có trách nhiệm thanh toán một phần tiền cho người còn lại và trả nợ ngân hàng.
Trường hợp 2:
Hai vợ chồng cũng có thể thỏa thuận là trả toàn bộ tiền cho ngân hàng hoặc chủ đầu tư, bên đang yêu cầu trả góp để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về sau đó bán đi và chia đôi.
Về nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng là chia đôi đồng thời chia nợ cũng chia đôi. Bởi vậy nếu trong trường hợp hai vợ chồng không thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản mà đưa ra tòa án để giải quyết thì tòa án sẽ chia đôi giá trị ngôi nhà đó cho vợ và chồng đồng thời cũng chia đội nghĩa vụ trả nợ, tiền trả góp mua nhà đó.
Tòa án có thể giao ngôi nhà đó cho một bên sử dụng và có nghĩa vụ thanh toán giá trị cho bên kia đồng thời phân chia nghĩa vụ trả nợ, tiền bên không sử dụng nhà được nhận sẽ được bù trừ vào nghĩa vụ trả góp mua nhà đó.
Bởi vậy, trong vụ việc này tốt nhất là hai vợ chồng lên thỏa thuận tự chia tài sản theo cách một người nhận tài sản đồng thời có trách nhiệm trả lại phần giá trị cho bên kia, nghĩa vụ trả nợ trả góp sẽ được chia đôi, sau khi trừ nghĩa vụ đó nếu còn lại thì người không nhận nhà sẽ được hưởng.
Trường hợp không thỏa thuận được khiến tòa án phải giải quyết thì hai bên đều phải mất án phí theo quy định của pháp luật.
"Tốt nhất hai vợ chồng bạn nên thỏa thuận tự chia tài sản theo cách người nhận tài sản đồng thời có trách nhiệm trả lại phần giá trị cho bên kia. Nghĩa vụ trả nợ trả góp sẽ được chia đôi. Sau khi trừ nghĩ vụ đó nếu còn lại thì người không nhận nhà sẽ được hưởng.
Trường hợp không thỏa thuận được khiến tòa án phải giải quyết thì tòa án sẽ chia đôi giá trị ngôi nhà đó cho hai vợ chồng và đồng thời cũng chia đôi nghĩa vụ trả nợ, tiền trả góp mua nhà đó. Trường hợp này hai bên đều phải mất án phí theo quy định của pháp luật", Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng cho biết.
Phương án giải quyết của tòa đã rõ ràng như luật sư tư vấn trên đây.
Như vậy cách giải quyết tốt nhất trong trường hợp này là cả hai vợ chồng nên thu xếp trao đổi và tự thỏa thuận việc chia tài sản cho hợp tình hợp lý sẽ tránh được việc mất thời gian làm giấy tờ, hồ sơ khi ra tòa phân chia tài sản và mất án phí theo quy định của pháp luật.
Hồng Nhung